Quy hoạch chiến lược mở rộng tầm phát triển
Những ngày tháng 10/2023, tới Quảng Ninh, du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi bộ mặt đô thị của địa phương thay đổi với tốc độ nhanh chóng, theo hướng ngày càng hiện đại, với nhiều công trình xây dựng, nhiều khu đô thị văn minh. Vai trò và hiệu quả của công tác quy hoạch đi trước một bước đã được chứng minh bằng thực tiễn sinh động tại địa phương này.
Theo Sở Xây dựng Quảng Ninh, hiện nay, 6/6 thị xã, thành phố đã có quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 7/7 thị trấn hoàn thành công tác lập quy hoạch chung thị trấn; 6/7 huyện có quy hoạch chung vùng huyện được phê duyệt; hoàn thành 91 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (đô thị và chức năng). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 60%; Quy hoạch nông thôn mới đạt 100%. Các đồ án quy hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, góp phần thu hút đầu tư phát triển cho tỉnh thời gian qua.
Để có được thành công này, trong 10 năm lại đây, Sở Xây dựng đã tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh lập được 7 quy hoạch chiến lược, trong đó có quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đóng vai trò quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư. Là cơ sở, nền tảng cho việc định hướng thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng trong nước và quốc tế đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện nội dung Quy hoạch xây dựng tích hợp trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (kế thừa quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh đã được phê duyệt), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023; Quy hoạch không gian tỉnh được kế thừa giai đoạn trước và định hình thêm yếu tố mới, với một tâm – hai tuyến – đa chiều ba vùng động lưc; định hướng đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính, với 7 thành phố, tỷ lệ đô thị hóa khoảng trên 75% và tỉnh Quảng Ninh đạt tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở Quy hoạch cấp tỉnh được phê duyệt, Sở Xây dựng đã tích cực hướng dẫn, phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng các địa phương, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị.
Đáng lưu ý, Sở Xây dựng đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND các địa phương tham gia ý kiến về phương án quy hoạch, chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế đối với các dự án phát triển hạ tầng, giao thông theo chức năng thẩm quyền, góp phần thúc đẩy nhanh liên kết vùng và hợp tác quốc tế, như: Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Móng Cái-Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường nối khu công nghiệp Cái Lân đến cao tốc Móng Cái - Hải Phòng; tuyến đường 10 làn xe nối từ cao tốc Móng Cái - Hải Phòng đến cầu Bãi Cháy, cầu Bắc Luân 2 và đường dẫn, cầu phao Thành Đạt - thành phố Móng Cái.
Các dự án đang tiếp tục được khởi công, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện như: Đường nối cao tốc Móng Cái-Hải Phòng với khu công nghiệp Nam Tiền Phong; đường ven sông nối cao tốc Móng Cái- Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đường ven biển Hạ Long- Cẩm Phả...
Hệ thống hạ tầng đồng bộ với chất lượng sống
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra 15 Đề án, chương trình trọng tâm; trong đó có 2 Đề án thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở Xây dựng. Sở Xây dựng đã hoàn thành cả 2 đề án, gồm: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.
Đến nay, Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước.
Toàn tỉnh Quảng Ninh có 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh; 3 đô thị loại II; 2 thị xã; 3 đô thị loại IV; 4 thị trấn đã được công nhận là đô thị loại V. Quảng Ninh cũng đã hoàn thiện các bước để thành lập thành phố Đông Triều vào năm 2023; dân số năm 2022 khoảng 1,367 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 65,47% năm 2020, lên khoảng 69% năm 2023; chất lượng hạ tầng đô thị được nâng cao.
Đáng chú ý, chất lượng của các đô thị cũng được cải thiện đáng kể. Hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đều phát triển đúng và vượt kế hoạch nâng loại đô thị như đề xuất, với tỷ lệ đô thị hóa là 68,5%.
Bên cạnh các công trình được xây dựng, một hệ thống các “công trình” mang ý nghĩa tiêu biểu về mặt xã hội là sự đồng bộ kết cấu hạ tầng với chất lượng đời sống người dân đã được thực thi. Đây là nỗ lực của ngành Xây dựng Quảng Ninh, nhằm thực hiện Nghị quyết của tỉnh về đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng đời sống người dân. Sở Xây dựng đã hoàn thành 6 đề án, chương trình gồm: Đề án nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019-2022; kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050; đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh; kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2021; đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ; kế hoạch xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh.
Các đề án đang tiếp tục triển khai gồm: Đề án cấp nước nông thôn tỉnh Quảng Ninh; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 và ngoài năm 2025.
Đồng thời, Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả 6/15 chương trình, đề án liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Sở, nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh nguồn nước; phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; đảm bảo vững chắc quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; xây dựng các khu kinh tế; phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Tin rằng, với sự phát triển đồng bộ, vững chắc mọi mặt từ quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng với chất lượng sống của người dân, an sinh xã hội, cải cách hành chính, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, phát triển bền vững cũng như bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, Quảng Ninh sẽ càng nhanh chóng bứt phá về hạ tầng chiến lược với đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống.