Xây dựng công nghiệp “xanh” để giảm thải khí nhà kính

Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng là 224 triệu tấn CO2. Các ngành công nghiệp khác thải khoảng 10 triệu tấn/năm, trong đó nhiều nhất là xi măng, thép, khai thác đá vôi…

 

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Khoa Địa chất, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), căn cứ vào GDP thì Việt Nam là nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp nên không thuộc nhóm nước phải cam kết cắt giảm khí nhà kính ra môi trường. Nhưng xét về lợi ích lâu dài, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, xác định phương pháp phát triển ngành công nghiệp các bon thấp, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 3 mục tiêu: xóa đói giảm nghèo, giảm phát thải và đối phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là nội dung nghiên cứu của dự án “Xây dựng xã hội các bon thấp ở Việt Nam” do ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với ĐH Tôkyô (Nhật Bản) thực hiện từ nay đến tháng 3/2013.


Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng ở nước ta chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu và khí thiên nhiên. Nguồn năng lượng hóa thạch này được hình thành từ các vật liệu hữu cơ có chứa nguyên tố các bon, nên khi đốt cháy chúng sẽ tạo ra năng lượng để sử dụng, đồng thời thải vào khí quyển một lượng lớn khí CO2. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển những ngành năng lượng sạch như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy triều… Do đó, cần coi đây là tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp các bon thấp, hạn chế phát thải khí nhà kính ra môi trường.


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN