Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đại điện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự cuộc họp có đại biểu các vụ, cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố và các đối tác phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Tại Việt Nam, chăm sóc sức khỏe ban đầu đã, đang và sẽ là ưu tiên của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành y tế nói riêng. Hiện nay, mạng lưới y tế trên cả nước cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Các y, bác sỹ thuộc Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận tư vấn, khám sức khỏe cho đồng bào dân tộc Raglai. Ảnh: Công Thử/TTXVN |
Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng và hiệu quả. Chính vì vậy, một cơ chế tài chính hướng đến hệ thống tài chính bền vững, công bằng và hiệu quả, để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, không phải chịu gánh nặng về tài chính là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng nêu rõ: Việc xây dựng, đổi mới cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân phải đi đôi với việc tăng cường huy động hợp lý các nguồn từ bảo hiểm xã hội, ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, ODA, vốn tư nhân...
Tại cuộc họp này, các đại biểu sẽ cùng trao đổi và đưa ra các khuyến nghị để góp phần xây dựng cơ chế tài chính hiệu quả, công bằng, minh bạch cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đây là một cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính y tế của Việt Nam.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng, công tác tăng cường y tế cơ sở hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản và thách thức. Trong đó có già hóa dân số; sự gia tăng nhanh chóng của gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm; khoảng cách bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe chưa được thu hẹp.
Đặc biệt, người dân còn thiếu hiểu biết về hoạt động phòng bệnh, tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế hợp lý; cơ chế thông tuyến đã làm số lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế xã giảm rõ rệt; năng lực phòng bệnh, quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng còn yếu...
Trước thực trạng này, ngành y tế cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc... nâng cao vị thế của y tế cơ sở trong hệ thống y tế quốc gia; điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng giám định bảo hiểm y tế bảo đảm khách quan, minh bạch...