Voi Việt Nam trước nguy cơ tuyệt chủng

Số lượng đàn voi nhà cứ giảm dần mà những người nuôi voi đang đơn độc trong cuộc chiến đấu bảo vệ voi. Trong khi đó, việc bày bán và sử dụng các sản phẩm từ voi thì công khai khắp nơi- ngay cả ở “thủ phủ voi” Tây Nguyên… Những câu chuyện có thực cùng những băn khoăn của nhà khoa học và người nuôi voi, yêu voi chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Làm thế nào để bảo tồn voi Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng?” hôm qua (30/9) tại Hà Nội đã khiến nhiều người lo ngại cho tương lai của đàn voi Việt.

Người nuôi nỗ lực trong đơn độc

Cuộc tọa đàm kết hợp với triển lãm ảnh “Những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây Nguyên” trưng bày 51 bức tranh chân dung 51 cá thể voi nhà ở Tây Nguyên do Tạp chí Xưa và Nay phối hợp với EnterVietnam Group, Hành trình Việt Nam xanh và Thư viện Quốc gia tổ chức.

Câu chuyện về việc tìm kiếm thủ phạm gây hại tới những con voi của gia đình mình được anh Đàn Năng Long- một người nuôi voi ở Đắk Lắk - kể tại cuộc tọa đàm thực sự khiến nhiều người chú ý.

Trong 4 vụ gây hại xảy ra với voi nhà anh, vụ đầu tiên xảy ra với con voi Beckham. “Lúc ấy, tôi cũng báo cho cơ quan pháp luật đến nhưng không tìm ra chứng cứ. Nhiều người bảo rằng, có thể voi chết do bệnh chứ không phải do kẻ khác giết. Bằng cảm nhận của một người nuôi voi từ bé, tôi tin chắc rằng con voi này bị giết hại nhưng vì không tìm được hung thủ nên vụ việc sau đó bị “chìm”, anh Long nhớ lại. Hai vụ tiếp theo là con voi của mẹ nuôi anh và con voi đực của nhà anh bị chặt đuôi.

Vợ chồng anh Đàn Năng Long bên con voi Beckham (bên phải) to lớn, hùng dũng nhất Tây Nguyên (ảnh chụp năm 2009) - nay chú voi đã bị kẻ xấu giết chết.


Triển lãm “Những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây Nguyên” kéo dài trong 1 tuần (từ 30/9- 7/10), tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội). Theo Ban tổ chức, sau cuộc triển lãm này, các bức tranh sẽ được mang đi triển lãm tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Đến lần thứ tư, khi một con voi tiếp theo của nhà anh Long bị chặt đuôi vào ngày 1/3/2010, anh Long rất bức xúc và quyết tâm đi tìm thủ phạm. Anh kể: “Tôi đã đóng giả vai khách du lịch, xin phép vợ được phép vờ cặp bồ với một cô gái đi khắp các điểm có bán lông đuôi voi, vào cả nơi quán nhậu, karaoke, thậm chí cả nơi có “cave”… để lân la hỏi thông tin. Cuối cùng, tôi đã tìm ra đầu mối 4 kẻ trộm đuôi voi để báo cho cơ quan pháp luật”. Đó là vụ đầu tiên những hung thủ làm hại đàn voi trên địa bàn tỉnh bị sa lưới pháp luật.

Anh Long nhẩm tính nếu cộng cả chi phí đi lại, bồi dưỡng cho người cung cấp thông tin…, gia đình anh đã bỏ ra gần 30 triệu đồng cho việc tìm ra thủ phạm hại voi.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, cố vấn Chương trình “Hành trình Việt Nam xanh” cho rằng việc những tên trộm voi chỉ bị xử như những kẻ ăn cắp vặt, còn người nuôi voi đang đơn độc trong việc tìm thủ phạm chính là hai trong số nhiều bất cập của việc bảo vệ đàn voi ở nước ta hiện nay.

Đó là chưa kể đến tình trạng buôn bán các sản phẩm từ voi đang diễn ra rất công khai và sự mê tín của nhiều người về việc sử dụng các sản phẩm từ voi sẽ chữa được bách bệnh hoặc mang lại may mắn đã càng tiếp tay cho việc bắn, giết voi. “Ở địa phương chúng tôi, từ các khách sạn đến các trung tâm du lịch, chỗ nào cũng bày bán đủ các sản phẩm này”, anh Đàn Năng Long buồn bã nói.

Tiếp tục những cố gắng muộn mằn

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, năm 1985, đàn voi nhà Việt Nam có trên 500 con. Nhưng chỉ trong giai đoạn từ 1985- 1995, suy giảm mất 400 con. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, thủ phủ của voi, hiện chỉ còn 52 cá thể. Với tâm huyết của một người nuôi voi, hiểu voi và yêu voi, anh Long lo lắng: “Nếu cứ tình trạng như hiện nay, đàn voi nhà không tạo được điều kiện cho sinh sản và cũng cấm cả việc bắt voi trong rừng về thuần dưỡng thì một ngày gần đây, đàn voi nhà ở Tây Nguyên sẽ mất dần”. Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nếu chúng ta không nhanh chóng có biện pháp bảo tồn hữu hiệu thì, nói một cách lạc quan nhất, chỉ 20 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ không còn voi.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng hiện nay, việc bảo tồn voi mới chỉ quan tâm đến đàn voi rừng vì đối tượng này đang rất được quốc tế ủng hộ, có kinh phí. Còn đàn voi nhà đang bị bỏ mặc. Chúng bị khai thác sức lao động phục vụ sản xuất, du lịch và người ta không tạo điều kiện để voi có thể sinh sản được.

Những người nuôi voi như anh Đàn Năng Long nói rằng họ vẫn giúp nhau trong quá trình nuôi voi như chữa bệnh cho voi hoặc bảo vệ voi trước nạn săn bắt và giết voi. Tuy nhiên, hiện nay họ cũng chưa được Nhà nước hỗ trợ gì.

Trước tình trạng voi nhà đang bị suy giảm, những năm gần đây, mặc dù muộn mằn nhưng tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu triển khai dự án về Trung tâm bảo tồn voi. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk- Cơ quan chủ trì dự án, bằng việc thành lập trung tâm này, địa phương sẽ gửi nhân lực đi tập huấn ở Thái Lan về cách thụ tinh nhân tạo cho voi sinh sản, từ đó bảo tồn và phát triển đàn voi nhà. Đồng thời, dự án sẽ quy hoạch 200 ha rừng làm môi trường sinh thái để hỗ trợ voi sinh sản.

Tuy nhiên, những cố gắng trên là chưa đủ, nếu muốn thực sự bảo tồn được đàn voi nhà. Theo vị lãnh đạo này, Chính phủ cần cho phép khôi phục lại nghề săn voi rừng về thuần dưỡng và phải có hỗ trợ nhất định về kinh tế cho những chủ voi trong thời gian họ cho voi “nghỉ sinh”, vì thời gian voi mang thai, sức sản xuất của voi sẽ bị giảm và ảnh hưởng tới kinh tế của người dân.

Đồng tình với quan điểm trên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thuần dưỡng voi cũng là một cách để bảo vệ voi. “Nếu mất voi, chúng ta sẽ mất đi một di sản phi vật thể là nghề săn voi. Nếu Chính phủ cho phép việc thuần dưỡng voi trên cơ sở phù hợp với phong tục tập quán và quy định của quốc tế thì chẳng những chúng ta có thể bảo tồn được loài voi mà còn giữ gìn được một di sản”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Bài và ảnh: Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN