Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 10.500 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 162; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.387; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 951 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 20/6, Việt Nam có thêm BN 333 (nam, 37 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện đa khoa Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 2 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 4 ca.
Theo Tiểu ban Điều trị, sức khoẻ của nam phi công người Anh đang tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu. Bệnh nhân đã cai thở máy ngày thứ 8, đã ngưng hỗ trợ hoàn toàn oxy vào ban ngày, thở oxy hỗ trợ 0,5 lít một phút vào ban đêm. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp bình thường, sức cơ hai tay hồi phục hơn, có thể chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy. Sức cơ hai chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Theo kết quả chụp CT gần nhất của bệnh nhân, thể tích phổi bình thường gần 90%.
Với tiến triển này, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân chỉ cần thêm một chút thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động. Thời gian bệnh nhân hồi phục phổi và sức cơ chân của bệnh nhân như vừa qua là rất nhanh. Với những sự hồi phục như vừa qua, dự kiến bệnh nhân sẽ sớm được ra viện, về nước.
Tín dụng ngân hàng tăng chậm vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Đại diện một số ngân hàng thương mại (NHTM) dự báo: Năm nay lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các ngành nghề kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh.
Thông tin từ Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) mới đây của một số NHTM, hầu hết ngân hàng đều giảm sâu chỉ tiêu về lợi nhuận và dự kiến tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng trong năm 2020.
Kết thúc 5 tháng đầu năm, lợi nhuận Vietcombank đạt khoảng 9.100 tỷ đồng, đạt 40% so với kế hoạch. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ngân hàng đã điều chỉnh giảm lợi nhuận năm nay, còn khoảng 20.000 tỷ đồng thay vì con số 23.000 tỷ đồng đạt được vào năm 2019 và thấp hơn con số dự kiến đầu năm đưa ra ở mức 26.600 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng chỉ đạt khoảng 3% và dự kiến cả năm vào khoảng 10%, thấp hơn mức dự kiến ban đầu đưa ra là 14%.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm do tình hình các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nên Vietcombank tăng cường trích lập dự phòng rủi ro lên 250% khi có nhận định chất lượng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng năm nay.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ tháng 2/2020 đến nay, Vietcombank đã tung ra 3 gói hỗ trợ tín dụng với quy mô lên đến gần 400.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi, có những gói lãi suất cho vay chỉ từ 4,5-5%/năm. Các tổ chức tín dụng (TCTD) khác cũng có những động thái tương tự. Ngoài ra, từ ngày 15/4-30/6, Vietcombank đã hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, giảm lãi với số tiền 2.240 tỷ đồng. Với thanh khoản trên thị trường khá dồi dào, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay, lãi suất huy động tiền đồng trên thị trường sẽ còn tiếp tục giảm để có cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Phía Ban điều hành Ngân hàng MB cũng đề xuất phương án kế hoạch lợi nhuận 2020 giảm 10% so với năm 2019, nhưng sẵn sàng cho mục tiêu cao hơn vào các năm tiếp theo. Theo đó, Ban lãnh đạo MB trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020 với tổng tài sản dự kiến tăng khoảng 8%, vốn điều lệ tăng khoảng 18%, tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Đáng chú ý, MB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 10% trong năm 2020. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này ở mức 10.036 tỷ đồng. Như vậy, năm 2020, dự kiến lợi nhuận sẽ ở mức khoảng trên 9.000 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, tính đến ngày 31/5, lợi nhuận là 3.500 tỷ đồng, riêng ngân hàng là 3.450 tỷ đồng. Trong 5/2020 tháng vừa qua, ACB hoạt động tốt trong Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) và thẻ. Đến hết tháng 6/2020, ACB có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng có khả năng hoàn thành kế hoạch với tiến độ như hiện tại.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên theo lãnh đạo ACB, tăng trưởng tín dụng năm nay chậm hơn mọi năm, tổng thu nhập từ hoạt động của ACB giảm hơn 30 điểm phần trăm. Tổng quy mô cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh khoảng 15.000 tỷ đồng.
Trước thực trạng lợi nhuận những tháng đầu năm của các ngân hàng chỉ đạt 40-50% kế hoạch, theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, dự báo khả năng các ngân hàng năm 2020 sẽ khó đạt được kế hoạch đề ra, tăng 10% so với năm 2019. Tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng ngân hàng thấp, khoảng 2% mà lợi nhuận ngân hàng chủ yếu dựa vào tín dụng, chiếm khoảng 70 - 80% tổng lợi nhuận. Đó là chưa kể trước những diễn biến phức tạp, khách hàng gặp khó khăn trong những tháng cuối năm, ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro sẽ làm cho lợi nhuận còn sụt giảm hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, mặc dù tăng trưởng tín dụng gần 6 tháng năm nay mới chỉ đạt 2,13%, thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng mức tăng trưởng tín dụng này vẫn được xem là phù hợp trong bối cảnh bước đầu chống dịch thành công của Việt Nam.
Về cơ cấu tín dụng, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,35%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng trên 10%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 2,92% và công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%. Đáng lưu ý, tín dụng lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%; lĩnh vực tiêu dùng phục vụ cho nhu cầu đời sống cũng giảm. Như vậy có thể thấy, tăng trưởng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên tăng là chủ yếu, trong đó lĩnh vực tiêu dùng cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng lớn.