Vật vã… về quê ăn Tết

Càng gần ngày Tết, người lao động ngoại tỉnh rời Tp. Hồ Chí Minh về quê càng đông.

Người lao động về quê đón Tết tại Bến xe Ngã tư Ga. Ảnh: An Hiếu – TTXVN

Họ mang theo niềm hy họng chan chứa về một cái Tết đoàn viên cùng gia đình. Thế nhưng chặng đường sum vầy đó thật lắm gian nan, cực khổ.

Hết vé, giá tăng vô tội vạ

Cách đây hơn 2 tuần, tại bến xe miền Đông, nhiều hãng xe dán thông báo vé Tết ngày cao điểm (23 - 29 Tết) đã hết. Cùng với đó, các hãng đồng loạt tăng mức cước từ 20% - 60% với lý do phụ thu chiều rỗng xe chạy vào Tp. Hồ Chí Minh.

Đơn cử, giá vé về Quảng Ngãi tại bến xe miền Đông khoảng 500.0000 đồng/người/chuyến thì vé bên ngoài bến được đẩy lên 700.000 - 800.000 đồng/người/chuyến. HTX Vận tải dịch vụ và du lịch Sài Gòn tăng vé về Thái Nguyên từ 890.000 đồng/người lên 1,3 triệu đồng/người. Công ty TNHH An Bình tăng vé về Thái Bình từ 930.000 đồng/người lên 1,5 triệu đồng/người.

Công ty CP Vận tải tốc hành Mai Linh tăng vé về Hà Nội từ 850.000 đồng/người lên 1,35 triệu đồng/người. Nhà xe Hoàng Long tăng vé về Thái Nguyên từ 965.000 đồng/người lên 1,54 triệu đồng/người. HTX xe khách Trung Nam tăng vé về Thanh Hóa từ 857.000 đồng/người lên 1,242 triệu đồng/người. Công ty CP Hoàng Hà tăng vé về Thái Bình từ 850.000 đồng/người lên đến 1,26 triệu đồng/người…

Giá vé ngành đường sắt ngày Tết cũng không hề rẻ. Tàu Thống nhất Sài Gòn - Hà Nội ngày 3/2/2016 (25 Tết) có giá lên đến 2,07 triệu đồng/vé (ngày thường chỉ gần 1,6 triệu đồng/vé), riêng ghế phụ cũng đã là 966.000 đồng/vé (ngày thường là 541.000 đồng/vé).

Cao hơn cả vẫn là vé máy bay. Riêng hãng Vietnam Airlines, chỉ tính hạng phổ thông chặng Tp. Hồ Chí Minh về Vinh ngày 7/2 (28 Tết) có giá 3,5 triệu đồng/vé, chưa bao gồm thuế và phí.

Còn hãng Vietjet Air chặng Tp. Hồ Chí Minh về Vinh từ ngày 2/2 – 10/2 thông báo hết vé. Giá vé eco (tiết kiệm) cũng 3 triệu đồng/vé. Thế nhưng khi điện thoại cho đại lý Hương Việt (quận Bình Thạnh) thì được thông báo vẫn còn vé đi Vinh ngày 7/2 với giá 3,6 triệu đồng/vé vào các giờ 18 giờ 25 phút, 18 giờ 45 phút. Tương tự, vé từ Tp. Hồ Chí Minh về Vinh của hãng Jetstar đã bán hết trước đó hơn 1 tháng nên trên hệ thống bán vé điện tử của hãng này không còn cập nhật lộ trình Tp. Hồ Chí Minh – Vinh. Đại diện một hãng đại lý của Jetstar cho biết, lượng khách về Vinh đông nên vé mau chóng được bán hết, các đại lý cũng không còn vé để giữ.

Không chỉ vậy, hành khách đi lại còn bị “hành” lên hành xuống với đủ lý do. Ghi nhận của phóng viên đến trưa ngày 2/2, lượng người đã bắt đầu đổ dồn về bến xe miền Đông, nhất là chặng đường dài về miền Trung, miền Bắc. Dưới cái nắng gay gắt, người già, trẻ con, phụ nữ vất vả ngồi bệt trên nền xi măng đón xe. Các bãi gửi xe qua đêm xung quanh bến xe miền Đông nhanh chóng mọc lên với giá chặt chém 10.000 đồng cho mỗi lần gửi xe.

Còn tại sân bay Tân Sơn Nhất, lượng xe ra vào càng về trưa càng đông, chưa kể trên một số tuyến cửa ngõ như Bạch Đằng, Hồng Hà (chủ yếu là taxi và xe tải nhỏ dưới 5 tấn). Tại khu vực của hãng Vietjet Air, hàng trăm người tập trung từ 8 - 9 giờ sáng đến làm thủ tục đi chuyến 11, 12, 13 giờ cùng ngày.

Cá biệt vợ chồng ông Đỗ Ngọc Ngân trên chuyến bay Tp. Hồ Chí Minh - Hà Nội bay chuyến 21 giờ ngày 2/2, sau khi hãng Vietjet Air thông báo hủy chuyến 17 giờ lên chuyến 21 giờ trong khi vợ chồng ông đã phải lặn lội ra sân bay lúc 9 giờ sáng (bằng nửa ngày trước thời điểm bay) để làm thủ tục. Và cũng gần 1 tiếng sau kể từ lúc xếp hàng, vợ chồng ông Đỗ Ngọc Ngân mới có thể làm xong thủ tục. Bên cạnh đó, nhiều người vất vả chuyện hành lý xách tay quá quy định (1 - 2kg) buộc phải mua thêm vé ký gửi, mất thời gian…

Khóc với vé giả

Ra bến xe được thông báo hết vé, không dám ra sân bay vì giá vé cao ngất ngưởng, nhiều người đã phải lặn lội từ xa đến ga Sài Gòn để tìm mua vé. Thế nhưng việc mua vé tàu cũng không hề đơn giản. Nhiều người đã nhắm mắt mua vé chợ trời cả tiền triệu và hậu quả là không lên được tàu do vé không hợp lệ. Đơn cử, trong mấy ngày vừa qua, có không ít trường hợp mua vé qua cò nên không lên được tàu, bật khóc giữa sân ga.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, trung bình mỗi ngày có vài trường hợp mua vé qua cò, không hợp lệ nên không lên được tàu. Ngành đường sắt đã khuyến cáo người dân không mua vé qua cò, chỉ mua vé qua website của ngành đường sắt, mua trực tiếp tại các cửa bán vé của ga hoặc tại các đại lý bán vé của đường sắt Việt Nam.

Đáng thương hơn là tình cảnh hàng chục trường hợp công nhân làm việc tại quận 12, Tp. Hồ Chí Minh bỏ ra hàng chục triệu đồng mua phải vé máy bay giả. Trong số đó có những người 3 năm chưa về quê, dành dụm tiền để mua vé với biết bao hy vọng ngày đoàn tụ gia đình.

Theo phản ánh của chị Trần Thị Loan (sinh năm 1986, Nghệ An), chị có mua 2 vé máy chặng bay từ Tp. Hồ Chí Minh - Vinh hãng Vietjet Air của đối tượng Hoàng Quốc Việt (ngụ quận 12) với tổng số tiền 2,2 triệu đồng và 3 vé chiều Vinh - Tp. Hồ Chí Minh cũng từ Hoàng Quốc Việt với số tiền 10,8 triệu đồng. Thế nhưng vé mà Hoàng Quốc Việt đưa lại không đúng chuyến bay và bị hủy sau đó. Thành thử, mọi hy vọng về quê ăn Tết đều tiêu tan; hai vợ chồng chị Loan phải vay tiền mua vé khác về quê sau Tết.

“Khó khăn lắm hai vợ chồng công nhân mới gom tiền mua vé máy bay về quê, ai cũng tràn đầy hy vọng được về thăm người thân nhưng không ngờ lại bị lừa như thế".- chị Loan xót xa.

Chị Loan cho biết thêm, ngoài trường hợp chị còn có nhiều người cùng làm công ty bị Hoàng Quốc Việt lừa. Đặc biệt, công nhân hội đồng hương Nghệ An làm việc tại quận 12 cũng là nạn nhân của Hoàng Quốc Việt với số tiền hơn 400 triệu đồng. Thế nhưng hành vi của đối tượng này vẫn chưa bị xử lý, tiếp tục nhởn nhơ rao bán vé máy bay về Tết...

Trần Xuân Tình (TTXVN)
2016 lời chúc tết bình an từ Jetstar Pacific
2016 lời chúc tết bình an từ Jetstar Pacific

2016 lời chúc trong câu liễn “Xuất nhập bình an” được Jetstar Pacific chuẩn bị dành tặng cho hành khách trên các chuyến bay cuối ngày 29 Tết và đầu ngày mùng 1 Tết Bính Thân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN