Văn hoá doanh nghiệp tạo sức mạnh cạnh tranh trong thời đại công nghiệp 4.0

Sáng 18/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Báo Văn Hoá phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”.

Chú thích ảnh
Bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập báo Văn hóa, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo nhấn mạnh: Trong công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện nóng bỏng.

Chú thích ảnh
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo.

Chưa bao giờ, các doanh nghiệp, doanh nhân được quan tâm nhiều như hiện nay. Cũng chưa bao giờ vấn đề văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh lại được chú trọng đến vậy. Bởi đó chính là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Các diễn giả tham gia toạ đàm  Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp.

Cũng theo Tổng Biên tập Chu Thu Hằng: Văn hoá doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp trên thị trường. Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước nêu rõ: "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự hội thảo.

Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hoá, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các doanh nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể... “Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hoá và đạo đức kinh doanh phải luôn luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình…”, bà Chu Thị Thu Hằng khẳng định.

Chú thích ảnh
Nhà sử học Dương Trung Quốc điều phối chương trình.

Năm 2017, báo Văn Hoá đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn hoá doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”. Đây là lần thứ hai, hai đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo cùng chủ đề để một lần nữa, diễn đàn nóng bỏng này sẽ tiếp tục đóng góp những ý kiến, góc nhìn thiết thực về một vấn đề thời sự, đang được xã hội quan tâm.
Hội thảo tiếp tục phân tích, đánh giá, thảo luận về chủ đề có nội hàm rộng nói trên, thông qua những nội dung quan trọng như: “Làm sao để Văn hoá doanh nghiệp không chỉ là khẩu hiệu?”; “Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp”...

Điều phối chương trình, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” . Liệu văn hóa có trở thành ngọn đuốc soi đường trong các hoạt động, triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam được không? Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chính là triết lý then chốt cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp...

Chú thích ảnh
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo các doanh nghiệp.

Nhà sử học cũng lưu ý, để soi đường cho các doanh nghiệp, văn hoá sẽ phải đóng vai trò là ngọn đèn, ngọn đuốc. Tuy nhiên, cũng nên nhớ rằng, nơi tối nhất lại chính là ở dưới chân đèn. Vì vậy, để văn hoá doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh thực sự trở thành yếu tố sống còn thì mỗi doanh nghiệp, doanh nhân thay vì dừng ở triết lý, hãy quan tâm nhiều hơn đến việc cụ thể hoá thành hành động.

Đồng quan điểm này, nhiều tham luận, ý kiến thiết thực đã đưa ra những ý kiến đa chiều tại hội thảo như: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo sức mạnh cạnh tranh doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0”; “Xây dựng văn hóa tại các doanh nghiệp Thụy Điển và những tác động đến phát triển doanh nghiệp”; “Thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp”; “Tương quan giữa đạo đức kinh doanh và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay”…

Hai chủ đề tọa đàm: “Những bất cập của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập- nguyên nhân và giải pháp” và “Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp” đã thu hút sự quan tâm và có nhiều ý kiến thảo luận thiết thực tại hội thảo.

 

Bảo Ngân
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu

Chiều 15/10, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) phối hợp với Hội Nữ doanh nhân TP Hồ Chí Minh tổ chức "Diễn đàn Văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng phát triển bền vững" và công bố “Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp”. Đến dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cùng đông đảo doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN