Sau 8 tháng triển khai, đã có 188 hộ ngừng chăn nuôi, tuy nhiên, 14 hộ còn lại dù đã bị xử phạt hành chính song vẫn tiếp tục nuôi lợn.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa, để xóa chăn nuôi trong nội đô thành phố, trước đây ngành chức năng Biên Hòa phối hợp cùng cơ quan thực thi công vụ tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiều giải pháp song kết quả đạt được không cao.
Việc ngừng cung cấp điện là giải pháp mạnh nhất từ trước đến nay, từ khi thực hiện, tình hình được cải thiện, đa số hộ chăn nuôi đã phá bỏ trang trại. Đối với 14 hộ nêu trên, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính, ngừng cung cấp điện, song ban đầu họ câu móc điện với các gia đình bên cạnh.
Để giải quyết, thành phố Biên Hòa phối hợp cùng ngành điện lực xử lý các hộ cho câu móc, sau khi không thể dùng chung, các hộ sử dụng máy phát điện để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi.
Theo quy định của pháp luật, việc xử phạt hành chính và cắt điện sinh hoạt là giải pháp mạnh nhất mà ngành chức năng có thể áp dụng đối với hộ chăn nuôi trong nội đô thành phố. Do các hộ chăn nuôi vẫn cố tình vi phạm nên UBND thành phố Biên Hòa phối hợp cùng chính quyền các phường cử người trực tiếp tuyên truyền, vận động.
Đa số hộ chăn nuôi cho rằng, hiện giá lợn ở mức rất thấp, nếu xuất bán, phá bỏ trang trại vào thời điểm này thì lỗ nặng; người dân cam kết sau khi xuất bán lợn sẽ không tiếp tục tái đàn.
Bên cạnh thực hiện giải pháp mạnh nhằm xóa chăn nuôi trong nội đô thành phố Biên Hòa, chính quyền Đồng Nai cũng tiến hành đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho những gia đình phải ngừng chăn nuôi. Đối với những hộ có nhu cầu tiếp tục nuôi lợn, Đồng Nai đã hướng dẫn, hỗ trợ các hộ đến khu chăn nuôi tập trung để xây dựng trang trại.
Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất cả nước với gần 1,8 triệu con. Tình trạng nuôi lợn trong nội đô thành phố Biên Hòa đã diễn ra nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân, làm mất mỹ quan đô thị.