Theo Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, đến 7 giờ ngày 11/3, dịch COVID-19 đã lan ra 104 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu với tổng số 118.873 ca mắc. Số ca tử vong do COVID-19 gia tăng trên khắp thế giới, ngày 10/3, số ca tử vong là 4.259 người… Nhiều biện pháp mạnh đã được các nước áp dụng sau khi các ca nhiễm tăng nhanh. Điển hình như Trung Quốc đã phải phong tỏa cả thành phố Vũ Hán “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, còn Italy phong tỏa cả đất nước vì dịch COVID-19. “Cách ly” được xem là biện pháp số 1 để phòng ngừa dịch vào thời điểm này, khi dịch COVID-19 được đánh giá đang ở giai đoạn 2.
Chính phủ đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng “gồng mình” chống dịch. Trong khi đó, có lúc, có nơi, việc chấp hành của người dân còn chưa thực sự nghiêm túc, thậm chí khai báo y tế gian dối, trốn cách ly… Điều này đã phá vỡ những nỗ lực trước đó để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Những đối tượng phải cách ly COVID-19
Cách đây vài ngày, người dân ở khu tập thể Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) hốt hoảng gọi điện thông báo cho nhau khi thấy hàng xóm thuộc đối tượng “F1” địa phương để cách ly tại nhà, nhưng vẫn “tung tăng” đi chợ. Thông tin này được người dân thông báo lên quận, lên phường. Sau đó, người này mới được đưa đến cách ly tại bệnh viện.
Việc chưa hiểu rõ ai là đối tượng phải cách ly và phương án cách ly như thế nào đã khiến không ít người dân lo lắng.
Trên trang Facebook cá nhân, anh Nguyễn Chính chia sẻ: Hôm trước về đến đầu ngõ, mấy bác hàng xóm kéo lại hỏi, em biết tin gì chưa? Bà X trong ngõ “đi” chiều nay rồi! Ngạc nhiên hỏi lại, sao bác ấy đang khỏe mạnh mà “đi” đột ngột vậy?. Tưởng tôi không tin, một bác khác quả quyết có cả Công an và Y tế phường vào dẫn đi, thấy bảo đã tiếp xúc một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2! Thì ra là vậy. Tôi liền giải thích đi cách ly 14 ngày để theo dõi theo quy định. Sau thời gian trên, xét nghiệm không liên quan đến con virus là được về nhà thôi! Các bác cứ bình tĩnh…
Thực tế mấy ngày qua, Hà Nội đã có 4 bệnh nhân mắc COVID-19 và khoanh vùng được gần 800 người có nguy cơ lây nhiễm là F1, F2. Lệnh “cách ly”, “phong tỏa” được thực hiện ở chỗ này, chỗ kia khiến không ít người dân lo lắng do chưa hiểu rõ quy định trong việc cách ly phòng, chống dịch.
Theo quy định của ngành Y tế, các đối tượng cách ly được quy định như sau: F0 là người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2, được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, được cách ly tại bệnh viện và tự báo cho các trường hợp F1 về tình trạng bệnh của mình. F1 là người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với F0 phải thực hiện việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh trên 2m; báo cho cơ sở y tế gần nhất, cách ly tại bệnh viện và thông báo cho các trường hợp F2 về tình trạng của mình. F2 là người tiếp xúc với F1 phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh trên 2m, báo cho cơ sở y tế gần nhất; cách ly tại nhà hoặc những nơi quy định khác, thông báo cho các trường hợp F3 về tình trạng của mình. F3 là người tiếp xúc với các trường hợp F2 phải đeo khẩu trang, báo cho cơ sở y tế gần nhất, tự cách ly, theo dõi tại nhà và báo cho các trường hợp F4 về tình trạng của mình. F4, F5 là người tiếp xúc với các trường hợp F3, F4 phải tự cách ly, theo dõi tại nhà, đồng thời báo cho cơ sở y tế gần nhất.
Các trường hợp cần cách ly dù xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vẫn thực hiện cách ly theo hướng dẫn hoặc đủ 14 ngày.
Người dân phải làm gì khi cách ly tại nhà
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những trường hợp cách ly tại nhà sẽ được giám sát bởi y tế địa phương, mỗi ngày, sẽ đo nhiệt độ ít nhất 2 lần và thông báo khi có các dấu hiệu mắc bệnh. Người cách ly được khuyến cáo nên ở trong phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, nơi cách ly.
Việc cách ly tại nhà đảm bảo an toàn cho những khu vực xung quanh. Với những trường hợp cách ly tại nhà, ngay cả khi nhiễm bệnh, những người này cũng không có nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh nếu không có sự tiếp xúc gần. Do đó, người dân không cần lo lắng khi sống trong khu vực có các trường hợp đang tự cách ly tại nhà.
Bộ Y tế khuyến cáo, khu vực lưu trú nếu có trường hợp phải cách ly tại nhà, người dân nên bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng. Người dân cần cập nhật các thông tin tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống. Người dân tự bảo vệ mình và gia đình bằng các biện pháp sát trùng, khử khuẩn, rửa tay thường xuyên. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng dịch.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), người dân ở những vùng đang có dịch cần nêu cao trách nhiệm của mình, hiểu biết để không hoang mang, lo lắng quá. Người dân nên vào website của Bộ Y tế để theo dõi thông tin; biết khai báo trung thực, thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm, khử khuẩn, vệ sinh môi trường cá nhân, đặc biệt rửa tay với xà phòng. Đó là những biện pháp cần thiết vừa phòng bệnh cho mình, cho gia đình và cộng đồng. Nếu không có ý thức, người mắc sẽ lây cho chính gia đình của mình đầu tiên.
Người dân cần tuân thủ tuyệt đối việc cách ly
Việc khai báo y tế không trung thực của bệnh nhân mắc COVID-19 số 17 dẫn đến tình huống "lọt" bệnh nhân. Bệnh nhân chậm được cách ly đã khiến bệnh lây lan sang người khác. Đến nay, thành phố vẫn đang phải tiếp tục khắc phục hậu quả.
Bài học vẫn còn đó. Tuy nhiên, hiện nay, một số người vẫn không tuân thủ các quy định trong việc cách ly, khai báo y tế. Thậm chí có trường hợp ông L.T.H., Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty P.Đ (một công ty đang thực hiện dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), là người có mặt trên chuyến bay có người dương tính với virus SARS-CoV-2, khi được cơ quan chức năng yêu cầu cách ly, ông H. đã “tráo” cấp dưới đi cách ly thay mình.
Sự việc gây bức xúc dư luận gần đây liên quan đến ông V.K.T, đi tham dự show thời trang tại Ý mới đây nhưng khi trở về nước không tự nguyện đi cách ly. Các cơ quan chức năng phải mất 3 giờ thuyết phục, ông T mới vào khu cách ly tập trung theo dõi. Không chia sẻ với những cán bộ đang ngày đêm vất vả phòng chống dịch, người này lên tiếng chê bai điều kiện ở khu cách ly tập trung "ngột ngạt, bức bối", ''không bị bệnh mà đến đây thành bị bệnh''.
Hà Nội cũng như cả nước đang bước vào giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng”. Dịch COVID-19 đang lan tràn khắp mọi nơi trên thế giới. Việt Nam đang phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây. trong bố cảnh đó, mỗi người dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm “chống dịch như chống giặc” như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trước hết là phải tự phòng bệnh bảo vệ mình, trường hợp cần cách ly phải tuân thủ tuyệt đối. Hành vi từ chối và “trốn” cách ly phải được xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ sức khỏe cho tất cả người dân, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, khiến dịch bệnh mất kiểm soát.