Hành vi tráo người, không hợp tác cách ly phòng dịch bị xử lý thế nào?

Sự việc Chủ tịch Công ty điện gió ở Quảng Trị đã tráo nhân viên đi cách ly phòng dịch COVID-19 thay mình đang gây bức xúc dư luận. Theo các luật sư, hành vi này đáng lên án, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, cần phải xử lý nghiêm.

Chú thích ảnh
Khu vực cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hành vi đánh tráo người cách ly chính là hành vi trốn tránh cách ly. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 2, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, với mức xử phạt có thể đến 10.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định pháp luật.

“Hành vi này diễn ra là vô cùng nguy hiểm trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát. Cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường nói. Nếu người trốn tránh cách ly nhiễm bệnh COVID-19, làm lây lan dịch bệnh, sẽ bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho mọi người theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự (BLHS) năm 2015 với mức kịch khung lên đến 12 năm tù.

Đề cập tới người chấp nhận thay thế người khác để thực hiện thủ tục cách ly, theo Luật sư Đặng Văn Cường, hành vi này cũng hết sức nguy hiểm, có vai trò đồng phạm với người được thay thế, quy định tại điều 240 BLHS.

Theo các luật sư, những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm COVID-19, nhưng không khai báo y tế cũng được xem vi phạm quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm. “Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, dịch COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, có mức độ nghiêm trọng nhất. Với các bệnh thuộc nhóm A, khai báo y tế và cách ly người bệnh là một trong những biện pháp hành chính đầu tiên khi có dịch, để đảm bảo an toàn, ngăn dịch bệnh lây lan”, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, điều 8 luật này nghiêm cấm các hành vi: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Do đó, người nào vi phạm các điều cấm ở trên thì sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm.

Điều 10 Nghị định 176/2013 quy định, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng. Hành vi trốn khỏi nơi cách ly còn có thể bị truy cứu theo Điều 315 BLHS về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, với mức phạt tù có thể lên đến 10 năm.

Minh Phương/Báo Tin tức
Bình yên như 'thời bao cấp' trong khu cách ly Trúc Bạch
Bình yên như 'thời bao cấp' trong khu cách ly Trúc Bạch

Thay vì ngày ngày tất bật đi chợ, trông cháu... giờ bà Lê Bích Loan (phố Trúc Bạch) lại ung dung đi tập thể dục, tập dưỡng sinh. Nhu yếu phẩm, hoa quả bổ sung vitamin, thuốc men... đều được phường Trúc Bạch và quận Ba Đình đảm bảo cho cả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN