Trương Thiện Thành - CCB hết lòng vì đồng đội

Trong hơn 500 đại biểu cựu chiến binh tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng, tình cảm của 2,6 triệu hội viên trong cả nước về dự Đại hội Cựu chiến binh toàn quốc lần thứ V hôm nay, có biết bao tấm gương đã từng vào sinh, ra tử, bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường. Hòa bình lập lại, trút áo lính, họ lại lăn vào một mặt trận mới - mặt trận kinh tế với khát vọng cống hiến, vươn lên làm giàu chính đáng, để rồi lại đau đáu tri ân những người đồng chí, đồng đội của mình. Trương Thiện Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cục Hải quan Đồng Nai là người như thế.


Trương Thiện Thành không nhớ nổi anh đã dành bao nhiêu tiền của để giúp đỡ đồng chí, đồng đội và những người nghèo, đau ốm tật bệnh. Anh chỉ nhớ từ năm 2005 đến nay, anh đã giúp xây dựng 40 căn nhà tình thương đồng đội. Làm một phép tính đơn giản: mỗi căn nhà trung bình anh hỗ trợ từ 10 - 20 triệu đồng thì số tiền cũng đã lên đến hàng trăm triệu đồng, đó là chưa kể đến những đóng góp khác đối với đồng đội và làm các hoạt động từ thiện, nghĩa tình… Có năm cao trào, ủng hộ chương trình vận động Nghĩa tình chiến khu D, gia đình anh đã hỗ trợ tỉnh Bình Dương xây dựng cả chục căn nhà.


Theo báo cáo của Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện không còn hộ cựu chiến binh khó khăn về nhà ở nhưng trên thực tế là vẫn còn nhưng vì họ không có đất thì không thể hỗ trợ xây nhà. Đây là điều khiến anh luôn phải băn khoăn, trăn trở. “Có những cựu chiến binh đã từng tham gia kháng chiến hiện giờ hết sức khó khăn, nhiều người vẫn lao động cơ bắp, chăn gia súc thuê cho người khác vì không có đất, đó là điều làm mình trăn trở” - anh tâm sự. Anh đang sắp xếp sau chuyến ra Hà Nội dự Đại hội, trở về, anh sẽ phối hợp với huyện Nhơn Trạch đi khảo sát và vận động địa phương cấp đất cho một gia đình cựu chiến binh đang khó khăn về nhà ở, anh sẽ lo phần xây dựng nhà.


Bỏ tiền làm từ thiện nhưng anh cũng rất cẩn thận để tránh những phiền phức không đáng có. Với mỗi trường hợp được giới thiệu cần giúp đỡ, anh đều đề nghị có biên bản của các đoàn thể, cơ quan, ban, ngành để về sau không ai có thể trách móc rằng đối tượng không đủ tiêu chuẩn mà sao vẫn được xây nhà. Cách giúp đỡ của anh đã tạo động lực cho cả người được thụ hưởng và những người xung quanh. Người được giúp xây nhà cũng phải đóng góp một phần kinh phí để xây chính căn nhà của họ. Còn chính quyền nơi đó cũng phải thể hiện sự quan tâm bằng cách đi vận động các hộ dân ủng hộ thêm một phần tiền nho nhỏ.


Nghe tôi hỏi không còn hộ cựu chiến binh nghèo khó, không được làm từ thiện nữa chắc anh sẽ buồn đấy, anh có nghĩ đến một kế hoạch từ thiện nào mới không, anh cười thật thà: muốn tiếp tục làm từ thiện nhưng phải có cơ hội. Đi làm việc từ 6 giờ sáng tới 7 giờ tối mới về tới nhà, đi cả trăm cây số mỗi ngày, không còn biết gì ngoài xã hội nên để được làm từ thiện với anh cũng không đơn giản. Anh kể: biết anh có tấm lòng từ thiện, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã viết thư mong anh giúp đỡ, trong thư là cả những bài báo đã từng viết về họ với địa chỉ rõ ràng. Mỗi lần như vậy, anh lại gửi cho họ một triệu đồng. Thậm chí, không có cả thời gian để đi gửi tiền cho họ, anh phải nhờ tới anh em trong cơ quan gửi giúp. Nhiều khi thấy trên truyền hình đưa tin những cảnh đời khó khăn cần hỗ trợ, anh cũng muốn đóng góp chút ít để giúp đỡ họ nhưng cũng không làm được vì không có thời gian.


Là cựu chiến binh, Trương Thiện Thành luôn ưu tiên tập trung cho hoạt động nghĩa tình đồng đội. Tới đây, khi những đối tượng cần hỗ trợ xây nhà không còn, sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể của Cục Hải quan Đồng Nai làm nhiều công tác từ thiện. Trương Thiện Thành tâm sự: điều đọng lại trong lòng anh là dù rằng anh tham gia kháng chiến không nhiều nhưng anh vẫn chứng kiến cảnh chết, sống xảy ra hàng ngày và còn biết bao người hy sinh đến giờ chưa tìm được hài cốt. Là người may mắn còn sống, còn làm ăn được nên anh luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng chí, đồng đội.


Chu Thanh Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN