Trung tâm y tế huyện Tam Đường tiếp nhận hiệu quả kỹ thuật chuyển giao

Trung tâm y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đã mạnh dạn cử các cán bộ đi đào tạo để tiếp nhận hiệu quả các kỹ thuật chuyển giao của tuyến trên theo Đề án 1816.

Hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng tại Trung tâm y tế huyện Tam Đường, Lai Châu.

Trở về làm việc sau khóa tập huấn về chẩn đoán một số bệnh xương khớp và tiêm khớp ngoại vi do BS Đặng Hồng Hoa, Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E trực tiếp hướng dẫn và đào tạo, BS Phạm Thị Liên, Khoa Y học Cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu đã tự tin điều trị kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại cho bệnh nhân về các bệnh lý cơ xương khớp. Chỉ sau 5 tháng sau khi được đào tạo, số bệnh nhân đỡ và khỏi ở khoa Y học cổ truyền đã đông lên rất nhiều và không còn phải chuyển tuyến, Khoa Y học cổ truyền cũng nhận được nhiều thư khen ngợi của bệnh nhân.

Trong thư cảm ơn gửi đến khoa Y học cổ truyền, bệnh nhân Đặng Thị Cúc đã viết: “Mỗi khi châm cứu xong, bác sỹ lại xoa bóp cho tôi, tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi viết vài dòng chữ để nói lên lời cảm ơn của tôi đối với các bác sỹ trong khoa, điển hình là BS Liên, BS Nguyên… chăm sóc cho bệnh nhân rất chu đáo, nhiệt tình. Khi bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện, bác sỹ lại tận tình dặn dò...”.


Có được những lời động viên đó, theo BSCKI Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường, là bởi đội ngũ y bác sỹ, cán bộ TTYT huyện Tam Đường đã cố gắng nỗ lực, thực hiện tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời mạnh dạn cử các cán bộ đi đào tạo và tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao của tuyến trên theo Đề án 1816, trong đó có Bệnh viện E.


Tại Bệnh viện đa khoa Tam Đường, thuộc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, có quy mô 80 giường theo kế hoạch nhưng thực kê 120 giường bệnh. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp đón khoảng 130-180 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh. Thống kê trung bình một năm, Bệnh viện đã thực hiện trên 900 ca phẫu thuật, trong đó có 776 ca phẫu thuật cấp độ 3 trở lên; 2.600 ca thủ thuật.


Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện được khoảng 65% các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và vượt tuyến. Nhằm định hướng phát triển chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện đa khoa Tam Đường đã cử cán bộ theo học các khoá đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn, tay nghề tại Bệnh viện E.


Bên cạnh đó, ngay tại cơ sở, Bệnh viện cải tiến quy trình khám chữa bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý khám chữa bệnh, (đặc biệt là tin học hóa được hồ sơ bệnh án của bệnh nhân nội trú); đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh để thu hút ngày càng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.


GS.TS Lê Ngọc Thành , Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, Bệnh viện E sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ đào tạo chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới, trong đó có bệnh viện đa khoa Tam Đường. Hình thức đào tạo là “cầm tay chỉ việc” một cách khoa học, tổng thể và hệ thống, vì thế, đối với bác sĩ mới ra trường phải đào tạo ít nhất 2 năm và bác sĩ đã công tác, có kinh nghiệm là 6 tháng/1 kỹ thuật để sau khi đào tạo xong các bác sĩ phải thực hành được ngay. Thêm nữa, để các bác sĩ có thể theo dõi được bệnh nhân thì sau khi bệnh nhân ở địa phương chuyển tuyến lên Bệnh viện E điều trị qua cơn nguy kịch, sẽ được chuyển trở lại bệnh viện đa khoa Tam Đường tiếp tục theo dõi và điều trị.


BSCKI Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tam Đường mong muốn Bệnh viện E hỗ trợ đào tạo các dịch vụ kỹ thuật chuyển giao cho bệnh viện đa khoa Tam Đường năm 2018 gồm: Phẫu thuật viêm ruột thừa; phẫu thuật thoát vị bẹn thường 1 bên/2 bên; Cắt u nang buồng trứng và phần phụ; Phẫu thuật chửa ngoài tử cung; Phẫu thuật mổ mở bụng cắt tử cung bán phần; Chấn đoán điều trị các bệnh cơ xương khớp, tiêm khớp ngoại vi; Nội soi chẩn đoán và can thiệp đường tiêu hóa.


Ngoài việc tiếp nhận những kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao đảm bảo hiệu quả, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường cũng thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và luân phiên cử các cán bộ y bác sỹ xuống các trạm y tế để hỗ trợ cũng như chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế xã nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ngay ở cơ sở góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.


Bài, ảnh: Lê Hoàng
Đề án 1816 phát huy hiệu quả trong ngành y tế Phú Thọ

Sau gần 3 năm thực hiện luân phiên cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới khám, chữa bệnh theo Đề án 1816 của Bộ Y tế, đông đảo người dân tỉnh Phú Thọ, nhất là những người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện được tiếp cận với các kỹ thuật y học tiên tiến...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN