Mắc sởi do chưa được tiêm phòng
Thống kê của Trung tâm y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2018 đến tuần thứ 2 của năm 2019, toàn thành phố ghi nhận gần 2.000 ca mắc sởi. Trong đó, từ tháng 9/2018, số ca bệnh sởi bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh và đến thời điểm cuối năm 2018, số ca mắc sởi lên đến 300-400 ca mỗi tuần.
Bệnh sởi cũng được ghi nhận tại 24 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, nhưng tập trung chủ yếu ở các địa phương giáp ranh, tập trung nhiều khu công nghiệp như quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Thủ Đức…
Bà Lê Thị Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết trong số gần 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi chỉ điều tra tiền sử tiêm chủng được 1289 trường hợp, ngoại trừ những trẻ dưới 9 tháng tuổi thì 95% bệnh nhân sởi còn lại đều không được tiêm chủng.
“Phụ huynh dù được tư vấn, vận động nhưng vẫn không cho trẻ tiêm chủng và không cung cấp tiền sử tiêm chủng của trẻ. Nguyên nhân khiến các phụ huynh này không thực hiện tiêm chủng cho trẻ là được các cơ sở dịch vụ tư vấn chờ đủ 3 năm mới tiêm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho biết bỏ tiêm cho con vì bận công việc hoặc việc tư vấn tiêm vắc xin cho học sinh ở các trường quốc tế rất khó khăn. Hiện nay vẫn còn 13,5% số trẻ không tiêm chủng mở rộng và cũng không cung cấp bằng chứng tiêm đủ 2 mũi sởi. Đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao, có thể mắc sởi nếu tiếp xúc với mầm bệnh”, bác sĩ Nga chia sẻ.
Chị Thúy An (ngụ quận 8) có con gái 3 tuổi mắc sởi đang phải điều trị tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới cho biết, bé bị sốt 6 ngày thì mới đưa đến bệnh viện khám và các bác sĩ cho biết bé bị sởi. “Tôi không nhớ bé có chích ngừa vắc xin sởi không vì mấy lần tới lịch chích ngừa thì bé về quê chơi và có bỏ qua vài mũi chích ngừa theo lịch. Bé nằm viện đến nay đã được 4 ngày”, chị Thúy An cho biết.
Bệnh viện bệnh Nhiệt đới là một trong những bệnh viện tiếp nhận nhiều ca mắc sởi nhất tại TP Hồ Chí Minh hiện nay. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1.025 ca khám ngoại trú bệnh sởi, nhập viện nội trú 645 trường hợp. Đáng lưu ý, có những ca người lớn mắc sởi trên bệnh nền, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Thậm chí có nhiều phụ nữ mang thai mắc sởi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là năm đầu tiên bệnh viện tiếp nhận số ca mắc sởi ở cả người lớn và trẻ em nhiều nhất với tỷ lệ người lớn và trẻ em đang tương đồng nhau. Trong số các ca điều trị tại bệnh viện, có đến 66% bệnh nhân ngụ tại TP Hồ Chí Minh, còn lại chủ yếu là Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Tại bệnh viện, đã có nhiều ca biến chứng phải thở máy, chiếm 27% các bệnh nhân được điều trị nội trú. Bệnh viện đã giành 2 khoa để tiếp nhận bệnh nhân mắc sởi, gồm người lớn và trẻ con tách biệt.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, cho biết hiện khoa đang tiếp nhận, điều trị cho 30 trẻ mắc sởi, đa số bệnh nặng, nhiều ca biến chứng viêm phổi. “Vắc xin sởi là vắc xin lành tính, tăng cường miễn dịch, thế nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều phụ huynh lại từ chối hoặc không tiêm ngừa sởi cho con mình. Xét theo tình hình hiện tại, nếu năm nay chúng ta không rà soát tiêm vét đầy đủ cho trẻ thì dịch bệnh có thể bùng phát mạnh đến tháng 6”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Tương tự, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, cho biết trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 trẻ tại TP Hồ Chí Minh chưa được tiêm phòng sởi. Đây chính là “lỗ hổng" tiêm chủng khiến bệnh sởi gia tăng nhanh vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Khó khăn nhất hiện nay là nhận thức của người dân, nhiều phụ huynh không nhớ lịch tiêm nhắc của trẻ hoặc làm thất lạc sổ tiêm chủng. Thậm chí nhiều người từ chối không đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi với lý do đã tiêm phòng trước đó và 3 năm sau mới tiêm phòng lại.
Người lớn, trẻ nhỏ cần phải được tiêm phòng vắc xin sởi
Bác sĩ Lê Thị Hồng Nga cho biết, nếu xét theo tháng tuổi, những trẻ ở độ tuổi từ 6 – 10 tháng tuổi chiếm tỷ lệ mắc sởi cao nhất. Đây là độ tuổi chưa tới tuổi tiêm phòng vắc xin sởi nhưng vẫn còn kháng thể ngừa sởi từ mẹ. Việc nhóm tuổi này mắc sởi đông chỉ có thể do bản thân bà mẹ thời điểm này bảo vệ miễn dịch sởi không đủ để truyền cho con. “Không chỉ trẻ em mới cần phải tiêm ngừa vắc xin sởi mà ngay cả những phụ nữ trước khi mang thai và người lớn chưa được tiêm ngừa sởi cần phải đi tiêm sởi”, bác sĩ Nga nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, GS.TS Phan Trọng Lân cho rằng, để phòng ngừa tốt dịch bệnh sởi cần nâng cao miễn dịch cộng đồng, đảm bảo trên 95% trẻ có miễn dịch; đồng thời khuyến cáo các bà mẹ tiêm phòng trước lúc mang thai 3 tháng. Cùng với đó là giám sát, phát hiện, quản lý sớm các ca bệnh tại bệnh viện và cộng đồng; kiểm soát lây chéo trong bệnh viện.
Trước những khó khăn trong công tác tiêm vắc xin phòng sởi, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài cho phụ huynh từ chối tiêm vắc xin phòng bệnh cho con. “Có thể thấy tại các nước tiên tiến, nếu không tiêm ngừa bệnh sẽ không được đến trường vì họ dự phòng lây truyền bệnh cho những trẻ khác. Họ có những chế tài bắt buộc phụ huynh phải tiêm phòng đầy đủ vắc xin ngừa bệnh, nhưng nước mình lại không có chế tài như thế”, bác sĩ Khanh cho biết.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chiều 21/1, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ) cho rằng, cần xem xét lại trách nhiệm của nhiều bên trong công tác phòng ngừa dịch bệnh; hệ thống chính quyền cần quản lý một cách sát sao, không thể để cán bộ dân số nắm việc điều tra dịch tễ vì họ chỉ quản lý số trẻ trong địa bàn dân cư, việc nhập cư, lịch sử tiêm chủng không phải là nhiệm vụ của họ. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần phối hợp tốt và khai thác ca bệnh, để y tế dự phòng có thông tin nhằm điều tra dịch tễ, vận động người dân đi tiêm phòng vắc xin sởi.
Cục Y tế Dự phòng cũng yêu cầu các bệnh viện chú ý về khả năng tiếp nhận bệnh nhân khi dịch bùng phát mạnh. Theo đó, bệnh nhi cần được nằm cách ly, không để bệnh sởi lây sang bệnh nhân khác; cần bảo vệ nhân viên y tế trước dịch sởi, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản; đồng thời đánh giá, phân tích về tình hình dịch bệnh để kịp thời ứng phó và tập huấn phòng chống dịch cho nhân viên y tế.