Trại hè Việt Nam 2023: Thanh niên kiều bào tri ân công đức Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 25/7, 120 thanh niên đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã về thăm quê nội, quê ngoại, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là những thanh niên kiều bào tiêu biểu tham dự Chương trình “Trại hè Việt Nam 2023”.

Chú thích ảnh
Đoàn thanh niên kiều bào thăm, dâng hương, hoa, lễ vật tỏ lòng thành kính tri ân công đức Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt và quốc gia, dân tộc. Nhiều thanh niên kiều bào lần đầu tiên về với Nghệ An đã rất xúc động bởi ở quê ngoại, quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngôi nhà, phong cảnh, vườn cây, các hiện vật đều rất đơn sơ, ấm áp và giản dị.

Hai mươi tuổi, từ Hoa Kỳ, lần đầu tiên Lưu Nguyên Anh được về thăm quê Bác, cũng là quê nội của em. Trở lại nơi định cư, em sẽ tự hào nói với các bạn rằng, Bác Hồ - Lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam có đời sống giản dị như bao người dân khác.

Chú thích ảnh
Bà Vũ Thanh Huyền, Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin – Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cùng đoàn thanh niên kiều bào thăm, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Trở về từ Slovakia, Trần Nhật Tường Vy chia sẻ, Chương trình trại hè đã giúp em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, thắng cảnh của quê hương. Là thế hệ trẻ lại sinh sống ở nước ngoài, khi trở lại Slovakia, em sẽ giới thiệu về đất nước Việt Nam với bạn bè. Em dự định sẽ theo học ngành Kinh tế với mong muốn góp sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của đất nước.

Khu Di tích Kim Liên là một trong 4 di tích quan trọng bậc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa, lịch sử về thời niên thiếu của Người và những người thân trong gia đình. Năm 2012, Khu Di tích Kim Liên được đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Đây là sự tôn vinh của Ðảng, Nhà nước và nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; là địa chỉ thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Khu Di tích còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau về tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Đoàn thanh niên kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An ). Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Dù được sinh ra và lớn lên ở Liên bang Nga, em Bùi Bảo Anh vẫn nói tiếng Nghệ An khá rõ bởi em có bố mẹ đều người Hà Tĩnh. Bảo Anh cho rằng, để bảo tồn và phát huy di sản, cần quảng bá Tiếng Việt đến thế hệ thứ hai, thông qua đó giáo dục đến thế hệ thứ ba, thứ tư ở nước ngoài. Trong gia đình Bảo Anh, bố mẹ em vẫn luôn nói tiếng Việt và dạy các em về truyền thống của gia đình, của dân tộc.

Bà Vũ Thanh Huyền, Phó Vụ Trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, đối với kiều bào trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về nhân cách và trí tuệ. Thông qua chuyến đi này, các em được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ sinh ra, lớn lên, hiểu hơn về vị Lãnh tụ đã hy sinh cả cuộc đời mình vì độc lập dân tộc. Hành trình “Trại hè Việt Nam 2023,” về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bổ sung thêm hiểu biết về văn hóa và lịch sử mà còn là dịp để thanh niên, sinh viên kiều bào trau dồi vốn Tiếng Việt, tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Tất cả những điểm đến trong hành trình sẽ trở thành dấu ấn khó phai trong lòng các kiều bào trẻ. Những kỷ niệm sâu sắc gắn liền với Việt Nam không chỉ nhân lên tình yêu quê hương đất nước trong mỗi em mà từ đó, các em sẽ trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới”, bà Vũ Thanh Huyền khẳng định.

Chú thích ảnh

Đoàn thanh niên kiều bào nghe kể những câu chuyện về thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Hằng năm, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Trại hè Việt Nam” dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai”, Trại hè Việt Nam 2023 dự kiến diễn ra trong hơn hai tuần tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Các đại biểu kiều bào trẻ sẽ được tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Những trải nghiệm thực tế đó sẽ giúp thế hệ kiều bào trẻ thêm hiểu và yêu thương, gắn bó hơn, hun đúc tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của quê hương, nguồn cội.

Trong khuôn khổ chương trình, chiều cùng ngày, thanh niên kiều bào giao lưu với thanh niên tỉnh Nghệ An tại bãi biển Cửa Lò.

Bích Huệ (TTXVN)
Trại hè Việt Nam 2023: Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai
Trại hè Việt Nam 2023: Tuổi trẻ Việt Nam đồng hành vươn tới tương lai

Tối 24/7, tại thành phố Sầm Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), các đơn vị liên quan tổ chức chương trình giao lưu giữa thanh niên Thanh Hóa với Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, trong chương trình Trại hè Việt Nam 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN