TP Hồ Chí Minh: Lý giải vì sao xảy ra tình trạng ngập nước khi mưa lớn

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, sở dĩ gần đây TP Hồ Chí Minh xảy ra tình trạng ngập nước khi có mưa lớn là do hệ thống thoát nước trên địa bàn đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, có nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ, không đủ tiết diện để thoát nước. Bên cạnh đó, nhiều khu vực vẫn chưa có hệ thống thoát nước.

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh chìm trong biển nước khi mưa lớn. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Chiều 17/8, tại buổi họp báo định kỳ của UBND TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây nhiều khu vực trên địa bàn thành phố ngập sâu sau mưa, trong khi Thành phố đã đầu tư ngân sách để thực hiện nhiều dự án chống ngập.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh Phú, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình trạng ngập úng và đã giảm đáng kể, đặc biệt là những khu vực ngập rất nặng mỗi khi có mưa như khu vực bùng binh Cây Gõ, khu vực chợ Tân Định. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm ngập vẫn chưa được giải quyết bởi đây là những khu vực có hệ thống thoát nước đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, có nhiều đường cống xây bằng gạch thẻ, không đủ tiết diện để thoát nước. Nhiều khu vực chưa có hệ thống thoát nước. 

Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu nên cường độ mưa rất lớn (mưa lớn trong thời gian ngắn) làm quá tải hệ thống thoát nước. Từ năm 2000 trở về trước, 5 năm mới xuất hiện một trận mưa trên 95mm trong 3 giờ, nhưng những năm gần đây, năm nào cũng xuất hiện trên 3 trận mưa trên 100mm, có những trận mưa trong vòng 1 giờ đã đạt trên 150mm.

Để khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Minh Phú cũng cho biết, UBND Thành phố đã ban hành Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2045 và Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030. Theo đề án này, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết phạm vi 550 km thuộc giai đoạn 2016 - 2020; tập trung giải quyết ngập cho vùng trung tâm thành phố rộng hơn 106 km, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố. Theo đó, Thành phố thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nhằm giải quyết 18 tuyến đường ngập do mưa còn lại; xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố; thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam, đồng thời chỉnh trang đô thị.

Đồng thời, Thành phố cũng tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật); triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn, lưu vực Tham Lương - Bến Cát và cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Người dân TPHCM đã quen thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt
Người dân TPHCM đã quen thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt

Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), tổng hợp hình thức thanh toán tiền điện tại TPHCM cho thấy có sự dịch chuyển nhanh chóng sang các hình thức không tiền mặt khi tỉ lệ thanh toán qua ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking, trích nợ tự động... chiếm ưu thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN