TP Hồ Chí Minh không đưa cách học tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vào giảng dạy vì... quá lạ!

Sách “Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1” của GS.Hồ Ngọc Đại không chỉ có cách đánh vần lạ mà còn có những từ ngữ xa lạ mà ngay cả những người nghiên cứu ngôn ngữ học cũng không thể hiểu được từ này có nghĩa là gì.

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài cho biết, sách “Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1” có những vấn đề không thể chấp nhận được, xét trên toàn bình diện về ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp và văn bản.

Theo đó, Thạc sĩ Phan Thế Hoài đã chỉ ra những điểm không thể chấp nhận được, đó là phân biệt giữa âm và chữ để dạy cách đánh vần cho học sinh, nhằm giúp các em viết đúng chính tả là điều không tưởng. Bởi vì, không có một ngôn ngữ nào trên thế giới mà đánh vần như thế nào thì viết đúng chính tả như thế đó. Ví dụ, ở Iran, tiếng Farsi (Ba Tư) khi phiên theo mẫu tự La-tinh cũng gây bối rối: phát âm là “kôm”, có thể được phiên thành “qom”, “ghom”, “kom”.

Chú thích ảnh
Những từ ngữ khó hiểu trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của G.S Hồ Ngọc Đại.

Kế tiếp, vấn đề từ vựng trong cuốn sách này không mang tính phổ thông. Nghĩa là, học sinh nhiều vùng miền khác nhau không thể hiểu được nghĩa một số từ, ngữ xa lạ kể cả giáo viên. “Ví dụ, từ “quện nhau”. Thú thật, chúng tôi là những người nghiên cứu ngôn ngữ học cũng không thể hiểu được từ này có nghĩa là gì. Hoặc từ “gà qué”, muốn hiểu “qué” là gì thì có lẽ phải truy nguyên từ vựng. Rồi đến những từ láy như: “lai rai”, “lải nhải”, “ngài ngại”, “trình trịch”… không hiểu học sinh mới 6 tuổi cần biết để làm gì?”, ông Phan Thế Hoài cho biết.

Chú thích ảnh
Câu văn trích dẫn trong sách không đáp ứng về mặt ngữ pháp.

Thứ ba, một số câu văn trích dẫn trong sách không đáp ứng về mặt ngữ pháp. Chẳng hạn như văn bản “Vẽ gì khó” có những câu thoại như “ma quỷ đã ai thấy bao giờ, thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạnh họe” thì quá mức tệ hại vì ngữ pháp lủn củn, rối rắm.

Thứ tư, một số văn bản trích dẫn không đáp ứng được thuần phong mĩ tục và thiếu tính giáo dục, đó là văn bản “Vẽ gì khó” không hề được chú nguồn, mang bóng dáng của văn hóa Trung Hoa và học sinh tiểu học cũng không thể học được gì từ văn bản này.

Còn theo cô Huỳnh Thị Thanh Huê, giáo viên dạy lớp 1 ở một trường tiểu học TP Hồ Chí Minh, nội dung trong cuốn sách có những từ ngữ địa phương như  “gà qué, con rơi (dơi)… sẽ gần như đi ngược với các chương trình đang dạy và được dạy trước đó. “Nếu muốn cải cách ngôn ngữ Tiếng Việt thì nên lấy ngôn ngữ chuẩn quốc gia từ trước đã dùng không nên thay đổi và áp dụng tiếng địa phương”, cô Huê đề nghị.

“Nếu không sớm chấm dứt thử nghiệm sách “Công nghệ giáo dục” của GS. Hồ Ngọc Đại thì sẽ gây ra hệ lụy khôn lường cho nền giáo dục nước nhà”, Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài chia sẻ thêm.

Chị Trịnh Thị Thiệp có con đang học lớp 1 tại một trường tiểu học quận 12, bức xúc nói: “Tôi có đọc qua nội dung trong cuốn sách “Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1” của G.S Hồ Ngọc Đại. Sau khi đọc xong, nói thật tôi khá bất ngờ vì cách dùng từ hết sức chợ búa và những câu chuyện trong sách không mang tính giáo dục và vô nghĩa. Nói thật là những từ ngữ người lớn còn chưa hiểu thì làm sao trẻ con hiểu được. Tôi không hiểu sao lại đưa cuốn sách đó vào giảng dạy cho học sinh lớp 1”.

Trước những lo ngại của phụ huynh về những bất cập trong sách “Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1” đang được áp dụng tại 49 tỉnh, thành trên cả nước, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định: TP Hồ Chí Minh không đưa sách này vào giảng dạy.

Đan Phương/Báo Tin tức
Đánh vần theo sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục
Đánh vần theo sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục

Cách dạy này đang tạo nên những ý kiến trái chiều trong dư luận nhiều ngày qua. Tuy nhiên ít người biết được rằng, cách dạy đánh vần này đã tồn tại hàng chục năm và được ứng dụng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN