TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo an toàn khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi

Hiện nay, các trường học tại TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ những lo lắng và băn khoăn về việc tiêm vaccine cho trẻ.

Người mong được tiêm, người lo lắng

Chỉ sau gần 1 tháng đi học trực tiếp trở lại, đã có gần 10.000 học sinh tại TP Hồ Chí Minh mắc COVID-19; trong đó, nhiều nhất là các học sinh chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trước tình hình này, nhiều phụ huynh “sốt ruột” vì không biết khi nào trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Sau gần 1 tháng đi học trực tiếp trở lại, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 10.000 trẻ em và học sinh mắc COVID-19.

Anh Nguyễn Ngọc Đức (thành phố Thủ Đức) có con đang học lớp 3 cho biết, đi học được một tuần thì trong lớp có bạn bị F0 nên bé phải nghỉ học 1 tuần ở nhà học online. "Trẻ con rất khó tuân thủ các biện phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách như người lớn, đặc biệt khi các bé đi học nên khả năng lây nhiễm trong trường học rất cao. Tôi nghĩ chỉ có tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19 thì mới hạn chế được tình trạng lây nhiễm và hạn chế được tình trạng trẻ bị mắc COVID-19 trở nặng. Hiện nhà trường cũng đã lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ tiêm vaccine và tôi đồng ý liền. Không biết khi nào bọn trẻ mới được tiêm vaccine, cứ học rồi nghỉ, nghỉ rồi học thế này khổ cả phụ huynh lẫn nhà trường”, anh Nguyễn Ngọc Đức nói.

Còn chị Trần Thị Oanh (quận Gò Vấn) có hai cô con gái đang học lớp 1 và lớp 3 cho biết, nhà trường cũng đã lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ tiêm vaccine. Trong lớp con chị, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con tiêm vaccine cũng khá cao, chỉ hai phụ huynh không đồng ý cho con tiêm với lý do trước đó con đã bị mắc COVID-19.

“Ban đầu tôi cũng khá lưỡng lự, không biết có nên đồng ý hay không đồng ý cho con tiêm vaccine. Mình người lớn không sao, còn trẻ con thì phải suy nghĩ rất kỹ, vì một quyết định của mình cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả tương lai của bọn trẻ. Sau khi suy nghĩ và đọc nhiều thông tin, tôi cũng quyết định đồng ý cho bọn nhỏ tiêm vaccine. Tôi chỉ mong sao khi tổ chức tiêm vaccine cho trẻ, cơ quan chức năng cần thận trọng và đảm bảo an toàn”, chị Trần Thị Oanh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Hiện các trường đang tiếp tục lấy ý kiến phụ huỵnh về việc tiêm vaccine cho trẻ. Qua ghi nhận, tuy tỉ lệ phụ huynh đồng ý tiêm cho trẻ cao nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con đã bị mắc COVID-19 trước đó không đồng ý tiêm vaccine cho trẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh (Quận 12) cho biết, giáo viên chủ nhiệm cũng đã lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ, trong lớp có 47 em thì chỉ có 8 phụ huynh không đồng ý tiêm vaccine cho con, trong đó có chị. Đưa ra lý do không đồng ý tiêm vaccine cho con, chị Thanh nói: “Thời điểm này tôi chưa muốn cho con tiêm vaccine vì bé vừa mắc COVID-19 xong”.

Tương tự, chị Mai Phương (Quận 5) cũng là một trong số phụ huynh không đồng ý tiêm vaccine cho con cho biết, vào tháng 10/2021 vừa qua, hai bé nhà chị cũng đã mắc COVID-19. "Trẻ mắc COVID-19 cũng không bị nặng và vẫn vui chơi, chạy nhảy, ăn uống như bình thường. Đến thời điểm này, cả hai đứa đều khỏe mạnh và không thấy dấu hiệu của hậu COVID-19", chị Phương cho biết.

Trẻ đã mắc COVID-19 vẫn có thể tiêm vaccine

Trước những lo lắng của phụ huynh, bác sĩ Tống Hồ Tứ Phương, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) cho biết, khi Bộ Y tế đã có quyết định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ thì đã có những nghiên cứu rất kỹ về những hiệu quả vaccine mang lại. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để học sinh có thể an tâm đến trường.

Chú thích ảnh
Theo thống kê, hiện các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho hơn 300 trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19.

Theo bác sĩ Tống Hồ Tứ Phương, cũng giống như người lớn, trẻ được tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có thể bị mắc COVID-19 nhưng tỷ lệ lây nhiễm sẽ thấp hơn và bị nhẹ hơn. Bên cạnh đó, khả năng trẻ bị hậu COVID-19 cũng sẽ nhẹ nhàng hơn so với trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Bác sĩ Tứ Phương dẫn chứng, trước kia, vào thời điểm đỉnh của dịch, khi người dân chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, chỉ cần trong nhà có một người mắc COVID-19 thì 99% người trong nhà sẽ bị mắc theo. Còn bây giờ, khi vaccine đã được bao phủ, tỷ lệ lây nhiễm rất thấp.

“Trẻ mắc COVID-19 trong cơ thể đã có kháng thể với virus, tuy nhiên sau 3-6 tháng, kháng thể này sẽ giảm đi và trẻ vẫn có thể mắc lại. Do đó, dù trẻ đã mắc COVID-19 rồi phụ huynh vẫn nên cho trẻ đi tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, bác sĩ Tống Hồ Tứ Phương cho biết thêm.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, trẻ mắc COVID-19 thường có những biểu hiện rất nhẹ và thoáng qua trong vài ngày như sốt, ho húng hắng, sổ mũi, ói, đau bụng tiêu chảy hoặc không có triệu chứng rồi tự khỏi. Tuy nhiên, phụ huynh không nên chủ quan vì sau khi mắc COVID-19 có thể để lại các di chứng hậu COVID-19.

Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức nhận định: "Vaccine là biện pháp phòng ngừa nhiễm SARS-CoV-2, qua đó sẽ giảm nguy cơ mắc MIS-C ở trẻ em. Theo một nghiên cứu thống kê, tỉ lệ trẻ em từ 12-18 tuổi đã tiêm 2 liều vaccine có thể ngăn ngừa được MIS-C tới 91%. Vậy nên, phụ huynh cần kiểm tra vấn đề sức khỏe của con, cho con đi tiêm vaccine theo khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế, để con có được miễn dịch tốt nhất".

Chú thích ảnh
Trẻ được tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và nhập viện. 

Về kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 -12 tuổi và kế hoạch này cơ bản đã hoàn tất. Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 970.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 cần tiêm.

Theo đó, nhóm trẻ đi học sẽ do ngành giáo dục lập danh sách và tiêm tại các cơ sở giáo dục; trẻ không đi học sẽ được tiêm tại các điểm tiêm cố định hoặc lưu động do UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức bố trí điểm tiêm, số trẻ này sẽ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp; trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế sẽ do các cơ sở y tế tổ chức tiêm. Nguyên tắc tiêm sẽ thực hiện tiêm cho trẻ lứa tuổi cao đến thấp. Dự kiến sẽ tiêm mũi 1 trong vòng 10 ngày và mũi 2 cũng sẽ hoàn tất trong vòng 10 ngày. Khoảng cách tiêm giữa mũi 1 và 2 sẽ theo quy định của Bộ Y tế.

“Việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ ở lứa tuổi này cần phải chuẩn bị kỹ hơn so với người lớn. Do đó, Trung tâm cũng đã phối hợp các bệnh viện tổ chức tập huấn cho các đội tiêm, trung tâm y tế quận, huyện trên địa bàn thành phố”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, các cán bộ y tế tham gia tiêm cho trẻ được tập huấn gồm hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; hướng dẫn theo dõi, xử trí sốc phản vệ sau tiêm vaccine; cách xử trí cấp cứu tại điểm tiêm chủng và quy trình chuyển tuyến đối với trẻ có chỉ định tiêm tại bệnh viện và chuyển viện khi có phản ứng sau tiêm xảy ra.

Bài và ảnh: Đan Phương/ Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Trẻ mắc COVID-19 nhập viện gia tăng
TP Hồ Chí Minh: Trẻ mắc COVID-19 nhập viện gia tăng

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 28/2, 3 bệnh viện nhi tại TP Hồ Chí Minh đang có 197 trẻ điều trị nội trú, trong đó 9 trẻ cần hỗ trợ hô hấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN