Chiều ngày 30/8, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã có hướng dẫn cụ thể về việc chi trả hỗ trợ đợt 3 cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh sau thời gian trì hoãn do trục trặc ở khâu nhập liệu.
Hiện đã có một số địa phương ở các quận, huyện và thành phố Thủ Đức bắt đầu thực hiện việc chi trả hỗ trợ đợt 3 cho người dân. Dự kiến, ngày mai (1/10) các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ đồng loạt thực hiện giải ngân cho người dân có danh sách nhận theo hệ thống SafeID Delivery.
Là địa bàn đầu tiên triển khai chi trả đợt 3 cho người dân, ông Trần Hữu Tài, Chủ tịch UBND Phường 12 (Quận 3) cho biết, tổng số người dân được duyệt chi hỗ trợ đợt 3 ở phường là 5.564 người. Để phục vụ việc chi trả gói hỗ trợ cho người dân được nhanh chóng, phường bố trí 38 cán bộ chia làm 18 tổ đến tận nhà phát tiền hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, nhờ áp dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật số liệu nhanh chóng, chính xác nên việc chi trả cho người dân cũng nhanh hơn.
"Mặt khác, khi thực hiện việc chi trả, tại mỗi nhóm, cán bộ phường cùng lực lượng tình nguyện chia thành 2 êkíp phối hợp cùng Tổ trưởng tổ dân phố đến phát tận nhà dân hoặc lần lượt gọi tên từng người đến xác nhận, khai báo theo ứng dụng chung và ký nhận hỗ trợ. Trong ngày 30/9, có gần 40 nhóm xuống tận nhà dân để vừa chi nhanh, kịp thời, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Mỗi nhóm gồm 5 người phụ trách chi hỗ trợ cho 5 tổ dân phố với khoảng hơn 600 trường hợp/ngày", ông Trần Hữu Tài cho biết.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, danh sách hỗ trợ đợt 3 dựa trên danh sách từ các đợt hỗ trợ 1 và 2, sau đó bổ sung thêm các đối tượng khác. Vì vậy, đợt hỗ trợ lần này có 5 nhóm, gồm nhóm 1: Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn; nhóm 2: Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…); nhóm 3: Người phụ thuộc của nhóm 2. Cụ thể là cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
Nhóm 4 là cha, mẹ, vợ/chồng, con của những người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia BHXH và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 mà có hoàn cảnh khó khăn (ở nhà làm nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…) sống cùng một hộ và đang có mặt ở TP Hồ Chí Minh; nhóm 5: Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, gói hỗ trợ lần 3 này được thực hiện nhằm giúp người dân có thêm điều kiện để vượt qua giai đoạn khó khăn vì giãn cách, vì vậy không phân biệt người có hộ khẩu, tạm trú hay lưu trú. Gói này có quy mô lớn, cho hơn 7,3 triệu người với mức hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng; tổng kinh phí gói hỗ trợ là 7.347 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách Thành phố.
"Nguyên tắc hỗ trợ đợt này là chi đúng, chi đủ, lập danh sách không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú hay lưu trú và đặc biệt là không được để lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân", ông Võ Văn Hoan nói.
Điểm mới của đợt chi trả này là các địa phương sử dụng phần mềm “SafeID Delivery” được cài trên điện thoại di động do Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phát triển, để hỗ trợ chi trả đợt 3 cho người dân.
Cụ thể, QTSC đã cung cấp tài khoản, tập huấn sử dụng ứng dụng cho chính quyền cơ sở; đồng thời phối hợp, hỗ trợ chính quyền rà soát, lọc danh sách người không hưởng lương, thực hiện chi hỗ trợ theo danh sách được phê duyệt thông qua ứng dụng này trên điện thoại. Cụ thể, mỗi phường, xã, thị trấn (312 phường, xã) sẽ được QTSC cấp một tài khoản để quản trị, do chủ tịch UBND cấp phường, xã, thị trấn phụ trách theo dõi, chỉ đạo. Còn mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức có 2 tài khoản quản trị cấp cho chủ tịch UBND và trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội để theo dõi tiến độ chi trả, kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn trong quá trình thực hiện. Ứng dụng giúp chính quyền kiểm tra được các thông tin người nhận, tránh trùng lắp và thống kê được các đối tượng nào còn thiếu sót.
Để hỗ trợ cho việc thống kê, rà soát, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan BHXH đã cung cấp trường dữ liệu về 4 nhóm đối tượng không thuộc diện hỗ trợ của gói thứ 3 này cho QTSC. Trong đó, khoảng 2 triệu người lao động đang tham gia BHXH và trên 240.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Đây chính là cơ sở để QTSC và chính quyền phường, xã sở tại đối chiếu, lọc danh sách tránh trùng lắp đối tượng khi chi trả đợt 3.
Trong khi đó, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, QTSC có nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương hiệu chỉnh, sàng lọc dữ liệu, giảm bớt trùng lắp… để hoàn thiện danh sách đối tượng được nhận hỗ trợ trước khi thẩm định, phê duyệt; xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu để chi trả nhanh hơn, đảm bảo tính chính xác, minh bạch cao hơn. Đây cũng là dữ liệu để sau này TP Hồ Chí Minh quản lý các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ.
“Phần mềm sẽ quản lý toàn diện các thông tin của từng người dân trong thành phố, bao gồm các thông tin về nhân thân, địa chỉ, các thuộc tính xã hội cũng như các chính sách mà người dân đã và đang được thụ hưởng. Các thông tin này được quản lý tập trung, từng bước hoàn chỉnh, bổ sung thành cơ sở dữ liệu dùng chung của TP Hồ Chí Minh khi triển khai công tác an sinh trên địa bàn trong thời gian tới”, ông Từ Lương cho biết thêm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, sau khi nhận được danh sách của UBND phường, xã, thị trấn, QTSC đảm trách việc rà soát, đối chiếu và tách lọc các nhóm danh sách người không hưởng lương giữa hai bên để gửi ngược lại cho chính quyền cấp cơ sở này. Khi nhận danh sách đã được tách lọc, UBND phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện các bước rà soát, cập nhật bổ sung và xét duyệt danh sách gửi lại lần 2 cho QTSC.
Sau một thời gian rà chiếu, khi có danh sách chính thức, chính quyền phường, xã, thị trấn sẽ trình UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ; dữ liệu cũng đưa cho QTSC để nhập lên hệ thống thông tin quản lý chi trả trên phạm vi toàn thành phố. Tính đến nay, các khâu liên quan đến nhập liệu, rà soát các đối tượng được hưởng đã và đang dần hoàn thiện, vì vậy các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đã có cơ sở để thực hiện chi trả cho người dân từ ngày mai (1/10).