Giảm số ca mắc COVID-19 trong ngày
Từ 18 giờ ngày 15/8 đến 18 giờ ngày 16/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.652 ca nhiễm mới tại 43 tỉnh, thành phố; trong đó 8 ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước.
Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 930 ca. Tại TP Hồ Chí Minh giảm 1.175 ca, Bình Dương tăng 164 ca, Long An tăng 85 ca, Đồng Nai tăng 42 ca, Khánh Hòa tăng 96 ca.
Luỹ tích từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 283.696 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.886 ca nhiễm).
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là 279.681 ca, trong đó có 104.203 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày 16/8, có 4.473 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 106.977 ca.
Tiểu ban điều trị cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 368 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (315 ca), Bình Dương (29 ca), Long An (8 ca), Tiền Giang (4 ca), Hà Nội (2 ca), Bình Định (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Đồng Nai (1 ca), Đồng Tháp (1 ca), Hưng Yên (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Sóc Trăng (1 ca), Tây Ninh (1 ca), Thừa Thiên Huế (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước ta tính đến 16/8 là 6.141 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê
Chiều 16/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký thay Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện số 1081/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Công điện, trước tình hình diễn biến của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội tiếp tục tranh thủ thời gian, tập trung cao độ chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương nhất việc xét nghiệm, bóc tách hết F0 (riêng đối với một số khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ). Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm... để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Theo Công điện, các địa phương không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý đảm bảo an toàn. Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý. Các tỉnh, thành phố thống nhất với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo. Đặc biệt lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn.
Nhiều chính sách hỗ trợ người dân các địa phương vùng dịch
Trong ngày 16/8, tại các tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều chính sách mới được chính quyền địa phương ban hành nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động ở lại thành phố. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ có gói hỗ trợ tiền thuê trọ và lương thực, thực phẩm cũng như tiêm vaccine cho người lao động ở lại thành phố gặp khó khăn.
"Đây là đạo lý, bởi khi chưa có dịch, họ đem sức lao động đóng góp cho thành phố này phát triển. Họ góp phần sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho thành phố. Trong điều kiện hiện nay, trách nhiệm của ta là chăm lo đầy đủ cho họ", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
TP Hồ Chí Minh cũng gia hạn giấy nhận diện có mã QR đã cấp cho các phương tiện để lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đồng thời, ngày 16/8, ông Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh, gồm 19 thành viên, có nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch chăm sóc và điều trị cho người mắc COVID-19 theo từng giai đoạn, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Tổ chuyên gia còn tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Sở Y tế trong việc xây dựng mô hình phòng chống dịch COVID-19 trong từng giai đoạn cụ thể; tổ chức hội chẩn, tư vấn từ xa, huấn luyện về cách sử dụng trang thiết bị và các phương pháp hỗ trợ hô hấp trong điều trị COVID-19 nhằm nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu cho người mắc COVID-19 ở các tầng điều trị (đặc biệt là các bệnh viện tầng 3); đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc cho người mắc COVID-19 cách ly tại nhà.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cũng để nâng cấp, trang bị cho các cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của các quận huyện; triển khai thêm tại một số quận, huyện, thành phố Thủ Đức các bệnh viện dã chiến, lắp đặt hệ thống oxy hóa lỏng; nâng cấp các bệnh viện dã chiến thu dung để nâng cao năng lực điều trị các bệnh viện dã chiến số 2, 3, 6, 8, 11; đảm bảo các bệnh viện được trang bị đầy đủ oxy, các loại thuốc kháng viêm, kháng đông, huy động thêm nguồn lực từ các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19.
Cũng tại TP Hồ Chí Minh, dự án “Gian hàng yêu thương” vừa được Business Matching Program - JCI Việt Nam (thuộc Hội Doanh nhân TP Hồ Chí Minh) cho ra mắt nhằm hỗ trợ người dân được mua thực phẩm tươi, sạch và giúp các địa phương tiêu thụ lượng nông sản đang bị tồn đọng khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chiều 16/8, tại Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận phối hợp các đoàn thể thực hiện chương trình an sinh xã hội, giúp đỡ người dân trong diện hộ nghèo và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, trong tháng 8 và tháng 9/2021, chương trình “Vòng tay Việt-Sài Gòn” cam kết sẽ trao tặng 1 triệu suất ăn/tháng dưới hình thức quà nhu yếu phẩm và suất ăn đã chế biến cho các đối tượng là hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo trong hơn 4.000 khu phong tỏa; công nhân mất việc, người lao động mất thu nhập cần cứu trợ trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19; các nhân viên y tế tuyến đầu nếu các bệnh viện, tổ chức y tế có nhu cầu...
Tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về quy định về trình tự, thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của Thường trực Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. Theo đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được UBND cấp xã lập danh sách đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đảm bảo theo quy định gửi UBND cấp huyện qua phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). UBND cấp phường xã tổ chức chi trả hỗ trợ một lần bằng tiền mặt cho đối tượng trên địa bàn xong trước ngày 25/8/2021 theo phương thức chi trả đang thực hiện tại địa phương. Trong ngày 16/8, nhằm chia sẻ khó khăn, vất vả với những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận chống dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã thăm, tặng quà đội ngũ y, bác sĩ, người lao động tại Bệnh viện Bắc Thăng Long và trao 1.000 “Túi An sinh Công đoàn” cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại Khu công nghiệp (KCN) Nội Bài.
Tại Đà Nẵng, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã triển khai các giải pháp linh hoạt nhằm đảm bảo dòng chảy hàng hóa cũng như không để đứt gãy chuỗi cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân khi Đà Nẵng thực hiện 7 ngày “tạm dừng hoạt động” trên địa bàn nhằm tập trung ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát dịch COVID-19 từ 16/8.
Chiều 16/8, tại tỉnh An Giang, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ký kết Kế hoạch phối hợp về hỗ trợ nhân dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.
Còn tại “điểm nóng” Bình Dương Ngày 16/8, UBND tỉnh Bình Dương và Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức công bố đưa vào hoạt động giai đoạn 2 Bệnh viện dã chiến Thới Hòa thêm 3.400 giường; đồng thời gấp rút mở rộng thành khu điều trị bệnh nhân COVID-19 lớn nhất tỉnh với 12.000 giường để thu dung hết F0 về điều trị.
Bệnh viện dã chiến Thới Hòa (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) được phân thành 4 khu điều trị A,B,C và D có tổng quy mô 12.000 giường, với nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tập trung ở tầng 1 và tầng 2.
Trước đó, khu A đã đưa vào vận hành đã tiếp nhận điều trị cho 2.240 ca F0. Tính đến sáng 16/8, Bệnh viện dã chiến Thới Hòa đã điều trị khỏi bệnh, cho 580 F0 xuất viện.
Xử lý nghiêm nhiều đối tượng vi phạm phòng dịch COVID-19
Ngày 16/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phan Đình Phủ (28 tuổi) về tội chống người thi hành công vụ.
Trước đó, sáng 3/8, Phan Đình Phủ, trú ở xã Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) cầm 1 con dao dài 37cm đi đến chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên Tỉnh lộ 838 thuộc địa phận thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ). Tại đây, Phủ lớn tiếng truy hỏi: "Ai là người đã giữ phương tiện của tao". Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở chốt đã thuyết phục Phan Đình Phủ bỏ con dao xuống đất nhưng đối tượng này vẫn tiếp tục xông tới quậy phá và dùng tay đánh liên tụcvào mặt một cán bộ công an đang làm nhiệm vụ. Lực lượng chức năng lập tức khống chế đối tượng để xử lý theo quy định.
Chiều 16/8, Công an huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một lái xe “luồng xanh” do vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 15/8, trong quá trình kiểm soát phương tiện vào địa phận tỉnh Bạc Liêu, chốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Công an huyện Vĩnh Lợi đặt trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), phát hiện xe tải mang biển kiểm soát 51C-862.15 chạy theo hướng Sóc Trăng-Bạc Liêu có chở thêm 2 người. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định lái xe là T.N.T. (sinh năm 1983, trú tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), 2 người còn lại là vợ chồng anh H.V.L. và chị T.T.M.T. (tạm trú tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Cả 3 người đều có đầy đủ các giấy tờ xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Ba người khai nhận, do có quen biết từ trước nên khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vợ chồng anh L. đã thuê lái xe T.N.T. chở từ huyện Bình Chánh về xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) với giá 3 triệu đồng. Lực lượng chức năng còn phát hiện xe tải của T.N.T. chạy không đúng tuyến đường đã đăng ký trên thẻ nhận diện “luồng xanh”.
Xét thấy hành vi chở thuê người từ vùng dịch về địa phương là gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, Công an huyện Vĩnh Lợi đã ra quyết định phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với lái xe T.N.T. do vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Vợ chồng anh H.V.L. và chị T.T.M.T. được đưa đi cách ly tập trung theo quy định.
Ngày 16/8, Đại tá Trần Trọng Hiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết, qua tuần tra, kiểm soát, Công an tỉnh Phú Yên đã phát hiện, bắt giữ 7 đối tượng ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mang theo hung khí. Qua test nhanh, lực lượng chức năng phát hiện có 4 người dương tính với ma túy. Công an Phường 5 đã lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 nam thanh niên về hành vi “Sử dụng trái phép chất ma túy”, đồng thời tham mưu với chính quyền Phường 5 xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 người này do vi phạm quy định về phòng, chống dịch.