Giãn cách xã hội phải có mục tiêu cụ thể
Sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 317 xã, phường, thị trấn; 26 huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương báo cáo, phân tích rõ, chi tiết các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch tại cơ sở, nhất là việc thực hiện giãn cách xã hội, các biện pháp về y tế; phân tích nguyên nhân khiến dịch bệnh vẫn dây dưa...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương cần bám sát các chỉ đạo, nhất là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như các Chỉ thị 1099 và Chỉ thị 1102, các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch. Đặc biệt là chủ trương chuyển hướng lấy “xã, phường, thị trấn là pháo đài; người dân là chiến sỹ; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch”.
Theo đó, công tác chỉ đạo, lãnh đạo phải nắm chắc các chủ trương, chính sách, phương pháp về phòng, chống dịch, sau đó phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn đến tận người dân để người dân tham gia phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tương tác qua lại giữa các cấp, các ngành. Thống nhất các mẫu báo cáo, biểu mẫu, quy trình theo hướng ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm, dễ đánh giá, dễ giám sát, sát với tình hình. Thống nhất tích hợp các nền tảng, ứng dụng công nghệ để người dân chỉ sử dụng một ứng dụng (app) trong phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đưa ra mục tiêu cụ thể khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch gồm: giãn cách bao lâu, ở những địa phương nào và đạt được mục tiêu gì, đặc biệt là giải pháp để thực hiện mục tiêu đó. Cố gắng càng sớm, càng tốt, nhưng chậm nhất đến 30/9 phải kiểm soát được dịch bệnh.
Quá trình thực hiện tiếp tục chuyển hướng từ tập trung sang vừa tập trung, vừa phân tán: chỉ đạo, chỉ huy tập trung, nhưng thực hiện phải phân cấp, phân quyền, nhất là phân quyền cho cơ sở. Tổ chức xét nghiệm thần tốc để phát hiện và cách ly nguồn lây sớm, tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải thiết lập các Trạm Y tế lưu động để người dân có thể tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất. Các địa phương tăng cường lực lượng y tế cho cơ sở, đáp ứng ngay tại xã, phường; tập trung điều trị cho các ca bệnh nặng, các ca có bệnh nền, phụ nữ có thai; siết chặt kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài; tiếp tục đảm bảo an sinh, an dân, trật tự, an toàn xã hội.
Hà Nội xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ sau ngày 15/9
Chiều 13/9, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Sau khi nghe Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội báo cáo về kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch, đặc biệt là chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng thần tốc trong những ngày vừa qua, Thường trực Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu, trong đó có gần 8.000 cán bộ y tế của 12 tỉnh, thành phố về hỗ trợ cho thành phố.
Từ đó, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch và một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9.
Trước đó, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đặt ra 3 mục tiêu cụ thể hàng đầu để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách là: Đến ngày 15/9, hoàn tất tầm soát xét nghiệm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi (nếu tiến độ cung cấp vaccine được đảm bảo); thông qua đó, cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, làm cơ sở để xem xét nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở rộng các hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Tại cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn vào chiều 12/9, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động xây dựng phương án phục hồi kinh tế - xã hội cho giai đoạn nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, ông Quyền yêu cầu các địa phương phải tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau ngày 21/9.
Đối với vùng 2, vùng 3, ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ...
Giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 242/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận, chỉ rõ: Trên thực tiễn, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch hiện nay vẫn chưa được kết nối, liên thông, chưa tạo thuận lợi cho cả người dân và các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch cũng như công tác quản lý của chính quyền các cấp. Đặc biệt, người dân gặp không ít khó khăn, lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng phòng, chống dịch khác nhau.
Yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buôc người dân phải khai báo lại từ đầu. Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Trước mắt chỉ đạo kết nối, liên thông ngay các cơ sở dữ liệu phát sinh từ các ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng (hiện do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý) và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý để phục vụ phòng, chống dịch. Chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống COVID - PCCOVID).
Bộ Y tế chỉ đạo toàn hệ thống y tế thực hiện cập nhật, kết nối thông tin cần thiết cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, kết quả xét nghiệm, kết quả quả tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu về Bảo hiểm Y tế.
Bộ Công an, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ các thông tin cần thiết cho công tác phòng chống dịch trong cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới (PCCOVID).
Ngày 13/9, Việt Nam có 11.172 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 298 ca tử vong
Tính từ 17 giờ ngày 12/9 đến 17 giờ ngày 13/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.172 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, gồm 4 ca nhập cảnh và 11.168 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 5.926 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 301 ca. Tại TP Hồ Chí Minh giảm 712 ca, Bình Dương tăng 463 ca, Đồng Nai giảm 206 ca, Long An tăng 42 ca, Tiền Giang tăng 81 ca.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.446 ca/ngày.
Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 624.547 ca nhiễm, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.348 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 620.165 ca, trong đó có 383.004 bệnh nhân đã được công bố khỏi
Trong ngày 13/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 11.200 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 385.778 ca.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.035 ca.
Trong ngày 13/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 298 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (228 ca), Bình Dương (32 ca), Đồng Nai (10 ca), Long An (7 ca), Tiền Giang (5 ca), Đồng Tháp (5 ca), Cần Thơ (3 ca), Khánh Hòa (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Phú Yên (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), An Giang (1 ca).
Bổ sung dữ liệu 83 ca tử vong từ thời gian trước đó tại: Bình Dương (9 ca), Đồng Tháp (52 ca), An Giang (22 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 279 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.660 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
TP Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, sau khi so sánh các kết quả trên với mục tiêu Nghị quyết 86 đề ra là đến ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh kiểm soát được dịch bệnh và so với tiêu chí của Bộ Y tế thì TP Hồ Chí Minh còn một số nội dung chưa đạt. Chính vì thế, để đảm bảo kết quả phòng, chống dịch bền vững hơn và từng bước nới lỏng, phục hồi hoạt động kinh tế xã hội sao cho hài hòa, Thành phố quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.
Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7 có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+ để đảm bảo kết quả phòng, chống dịch bền vững; đồng thời có thêm sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch bệnh.
Từ sau ngày 15/9 đến cuối tháng 9, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung các hoạt động để củng cố kết quả chống dịch trong thời gian qua như tập trung cho việc tiêm vaccine để phủ vaccine toàn dân. Hiện TP Hồ Chí Minh đã phủ vaccine mũi 1 cho trên 90% người dân và phấn đấu đạt được tỷ lệ mũi 1 cao nhất dù có thể khó đạt 100%. TP Hồ Chí Minh cũng đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để những trường hợp tới hạn sẽ được tiêm và xem xét đẩy nhanh thời hạn tiêm sớm hơn nhằm đạt mục tiêu phủ vaccine để nhanh chóng mở lại các hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung củng cố năng lực của y tế cơ sở, cụ thể là các Trạm y tế cố định, lưu động; đồng thời quan tâm đầu tư, phát triển y tế dự phòng và y tế công cộng. Song song đó, TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng năng lực điều trị để nâng khả năng tiếp nhận và điều trị khi tiến hành mở cửa.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị kỹ hơn kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9.
Không để nhân viên y tế tại TP Hồ Chí Minh làm việc không có ngày nghỉ
Ngày 13/9, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi đến UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến, Khu cách ly F0 toàn thành phố… về việc tăng cường hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế tại các Bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên.
Theo đó, Sở đề nghị các đơn vị đã rút nhân viên ra khỏi Bệnh viện dã chiến, lập tức bổ sung nhân lực thay thế đầy đủ, bảo đảm quân số, tránh tạo áp lực công việc lên nhân viên còn lại. Ngoài ra, đảm bảo thời gian nghỉ sau khi kết thúc ca trực cho các nhân viên y tế, không để họ làm việc liên tục trong thời gian dài mà không có ngày nghỉ; hạn chế sử dụng nhân viên y tế vào vị trí hành chính nhằm đảm bảo công tác chuyên môn.
Trong tình hình thiếu nhân lực hành chính, Sở đề nghị bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên vào các vị trí hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính. Các đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền. Nhân viên y tế không may mắc COVID-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày. Không áp dụng chế độ của người bệnh dành cho nhân viên y tế. Mặt khác, lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong khu điều trị đối với nhân viên y tế, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế.
Đồng thời, Sở tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế huy động nhân lực chuyên môn tham gia hỗ trợ tại các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện điều trị COVID-19 của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng có khả năng cấp cứu, hồi sức để phân bổ cho các đơn vị. Sở huy động lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân, hành chính, hậu cần tại các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện điều trị COVID-19, Khu cách ly F0 nhằm giảm tải cho nhân viên y tế.
Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện điều trị COVID-19, Khu cách ly F0 ký hợp đồng thỏa thuận làm việc đối với tình nguyện viên là người F0 khỏi bệnh tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch và thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với tình nguyện viên theo quy định.