Đề xuất bổ sung của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông, trong đó có thể tịch thu phương tiện nếu uy hiếp tính mạng người tham gia giao thông, nhất là đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép và cố tình vi phạm luật giao thông đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Mặc dù xung quanh đề xuất này còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đa số ý kiến phản ánh đồng tình vì mục tiêu “an toàn tính mạng” là trên hết.
Đồng thuận
CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn của lái xe. |
“Hàng ngày đi làm, chứng kiến tình trạng mô tô, xe gắn máy ngang nhiên đi vào đại lộ Thăng Long, tôi thấy rợn người. Tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, khi đó hậu quả sẽ khôn lường. Dù nhiều người đều biết đường cao tốc này cấm xe thô sơ, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Theo tôi nên tịch thu phương tiện để răn đe người tham gia giao thông...”, chị Nguyễn Thu Hương ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết.
Ông Phạm Long, cán bộ phường Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đồng tình cho rằng: “Đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia là hoàn toàn có cơ sở và cần phải thực hiện quyết liệt. Uống bia rượu hiện nay trong xã hội cần phải lên án, vì quá nhiều người tham gia giao thông lạm dụng. Giờ đi đâu, gặp ai cũng bắt đầu câu cửa miệng là nhậu, làm vài ly, người uống nhiều thì chê bai, khích người uống ít... Do vậy, đã đến lúc phải áp dụng ngay biện pháp đủ mạnh để răn đe vi phạm, mới mong giảm được TNGT. Mỗi năm, có hàng ngàn người chết vì TNGT do bia rượu gây ra là dẫn chứng cụ thể và thuyết phục nhất rồi”.
Anh Trần Ngọc Cảnh, chủ cho thuê xe tự lái trên phố Lê Thánh Tông, Hai Bà Trưng chia sẻ: Biết được chủ trương này, ngay từ bây giờ, khách muốn thuê xe của tôi đều phải ký quỹ để ràng buộc trách nhiệm trả xe trong bất cứ trường hợp nào và cam kết không uống bia rượu. Điều này nhằm đảm bảo tài sản của người cho thuê xe và an toàn của người thuê xe...
Theo tiến sĩ Trần Hữu Minh, giảng viên Đại học GTVT, từng có 10 năm làm chuyên gia quy hoạch giao thông tại Anh, lái xe chỉ uống một ly rượu vang hay nửa cốc bia, thì khả năng phản ứng tăng giảm tốc, xử lý tình huống của phương tiện đã bị ảnh hưởng. Người có nồng độ cồn trong máu ở mức 80mg/100ml có thể gây TNGT tăng gấp 2,7 lần so với người không sử dụng. Nhiều nước coi đây là hành vi nguy hiểm, nên đã cấm tuyệt đối. Nhìn vào nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do lái xe chiếm 70%, còn lại do hạ tầng, phương tiện, nên nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giảm được trên 10% số vụ tai nạn. Biện pháp tịch thu phương tiện để kiểm soát nồng độ cồn là đi đúng hướng với thế giới, cần tiến hành càng sớm càng tốt.
Còn Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam Mai Tuấn Anh ngao ngán: Không có quốc gia nào để xe thô sơ ngang nhiên đi vào cao tốc. Sau khi đưa vào khai thác, cả 3 tuyến cao tốc lớn là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai đều xảy ra tình trạng này dù có biển cấm. Nhưng khá phổ biến xe máy ngang nhiên đi xen kẽ với ô tô. Do vậy, biện pháp tịch thu phương tiện cố tình vi phạm cần làm sớm để răn đe và ngăn chặn TNGT trên đường cao tốc.
Đúng luật
Tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/3 với chủ đề “Nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông”, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng khẳng định: Trong quá trình xây dựng đề xuất, Ủy ban đã nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý. Hiện nay, quy định về vấn đề sở hữu tài sản trong Hiến pháp rất rõ, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định có thể tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm và có hành vi uy hiếp an toàn xã hội cao. Đó cũng được xem là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hay Chủ tịch UBND tỉnh, Cục trưởng Cục CSGT đủ thẩm quyền để tịch thu phương tiện gây ra hành vi uy hiếp an toàn xã hội.
“Bạn có thể hình dung, lái xe say rượu như kẻ cầm dao chém loạn xạ trên phố. Có nguy hiểm không? Theo tôi, là quá nguy hiểm, hành vi ấy có thể gây tai nạn không chỉ chết một vài người. Do đó, ở góc độ xã hội, nếu thấy đề xuất này nặng nề, hy vọng không ai vi phạm nữa”, ông Khuất Việt Hùng nói.
Bên cạnh đó, khi đề xuất kiến nghị này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã cân nhắc đến vấn đề phản ứng của xã hội, liệu rằng mức xử phạt này có nặng quá hay không. Nhiều chuyên gia nước ngoài đồng tình, tăng nặng mức phạt sẽ làm số người vi phạm giảm rõ rệt, sẽ có nhiều người không phải mất đi sinh mạng vì những kẻ vô trách nhiệm khác.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Lưu Văn Quang - Công ty Luật Nelson và Cộng sự lập luận: Biện pháp tịch thu phương tiện có thể là biện pháp khả thi và có thể có hiệu quả cao, nhưng để đưa biện pháp này vào thực tế thì chính những người ban hành phải xem xét dưới nhiều góc độ, nhằm đảm bảo được quyền lợi của người dân đi đôi với mục đích của nhà quản lý. Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; và trực tiếp nhất là Nghị định số 171/2013/NĐ - CP của Chính phủ.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm: Trong Nghị định 171/CP không quy định tịch thu phương tiện, nên Ủy ban đã kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định để có cơ sở thực hiện biện pháp này. Chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều, nhưng nhiều người ý thức tham gia giao thông không cao, nên vẫn vi phạm và hậu quả đáng tiếc là xảy ra TNGT gây chết người, vì thế cần một biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý nghiêm tình trạng vi phạm và ngăn chặn, đẩy lùi TNGT. Ngoài ra, biện pháp tịch thu phương tiện thể hiện thông điệp giáo dục và đảm bảo an toàn tính mạng cho người điều khiển phương tiện. Bởi sự thiệt hại về tính mạng con người là điều có thể nhìn thấy nếu cố tình tham gia giao thông trên đường cấm và điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia.
Tiến Hiếu