Thực trạng nguồn nước các lưu vực sông - Bài 2: Sức ép về phát triển kinh tế-xã hội

Ngoài những tồn tại, điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, tiềm ẩn sự cố gây ô nhiễm môi trường nước mặt… Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức về nhu cầu sử dụng nước gia tăng đột biến, trong khi nguồn nước tự nhiên bị suy giảm do phụ thuộc vào phần lớn lượng nước từ ngoài biên giới, cùng với tác động của biến đổi khí hậu gây nên hạn hán và bão lũ.

Chú thích ảnh
Nhà máy nước sạch BOO Phú Ninh (Quảng Nam). Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Ở Việt Nam, phần lớn các đô thị tập trung dọc theo các sông lớn (thành phố Hà Nội bên sông Hồng, thành phố Việt Trì bên sông Đà, thành phố Đà Nẵng bên sông Hàn, Thành phố Hồ Chí Minh bên sông Sài Gòn ....).

Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến sử dụng tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông. Dân số thành thị không ngừng tăng theo thời gian và phân bố không đồng đều theo vùng địa lý, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, nơi có kinh tế phát triển.

Quá trình đô thị hóa diễn ra càng nhanh, mạnh thì phân hóa về thu nhập giữa thành thị và nông thôn cũng không ngừng gia tăng. Chất lượng cuộc sống được nâng cao cũng khiến cho nhu cầu tiêu dùng nói chung, trong đó nhu cầu sử dụng nước nói riêng tăng lên đột biến.

Báo cáo của Viện Quy hoạch Thủy lợi nêu rõ, năm 2018 ngành nông nghiệp tuy chỉ đóng góp 14,68% vào giá trị GDP nhưng là ngành sử dụng nước lớn nhất, ước tính khoảng 80-85% và có xu hướng tăng 2,25% vào năm 2020, tăng trưởng 1% hằng năm đến năm 20303. Nước mặt sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp lên đến hơn 66.000 triệu m3/năm, chiếm trên 82% tổng lượng nước sử dụng ước tính ở Việt Nam.

Ngoài nhu cầu sử dụng nước cho tưới tiêu, nhu cầu sử dụng nước cho chăn nuôi trong những năm gần đây cũng gia tăng. Riêng trong chăn nuôi lợn thịt, nếu tính trung bình mỗi con lợn người nuôi phải sử dụng khoảng 30 lít nước/ngày làm mát và vệ sinh chuồng trại, hàng năm với khoảng 26 triệu con lợn thịt đã thải ra khoảng gần 300 triệu m3 nước, tương ứng với lượng nước thải ra. Chưa kể các loại gia súc, gia cầm khác.

Với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành dịch vụ đã và đang góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Trong đó, ngành du lịch cần nguồn nước đủ để duy trì và phát triển ở hầu hết các hoạt động, từ khai thác những điểm du lịch sẵn có trong tự nhiên như thác nước, sông, suối, hang động... đến các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... Việc khai thác du lịch không bền vững, nhất là phát triển ồ ạt các hình thức du lịch sinh thái nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về bảo tồn tự nhiên và bảo vệ môi trường, làm cho môi trường tự nhiên nói chung, môi trường nước nói riêng tại nhiều khu vực bị suy thoái, ô nhiễm có xu hướng gia tăng.

Mặt khác, phát triển thủy điện của Việt Nam đang chịu sức ép về nguồn nước cung cấp, do các quốc gia trong khu vực ở đầu nguồn nước đã và đang xây dựng nhiều công trình thủy điện, ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy và khả năng cung cấp nước cho các con sông, nhất là ở khu vực hạ lưu. 

Trên dòng chính sông Mê Kông hiện có 7 công trình đập thủy điện đã được xây dựng trên phía thượng nguồn, dự kiến đến năm 2030 sẽ có 11 đập được xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông này. Trong đó, 3 đập đang được xây dựng và 1 đập sẽ xây dựng vào năm 2022 cùng với 78 con đập trên dòng phụ của sông Mê Kông. Các đập thủy điện không chỉ làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn sự di chuyển của cá, giảm luồng trầm tích, sụt giảm phù sa, gia tăng mất mát sinh học, mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ xói lở bờ sông, lòng sông, xâm nhập mặn, tác động tích lũy xuyên biên giới đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Để đáp ứng các yêu cầu trữ lượng, điều tiết dòng chảy phục vụ cấp nước trong mùa khô và phòng, chống, giảm lũ, lụt trong mùa mưa, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển hệ thống các hồ chứa nước. Thống kê sơ bộ cả nước có trên 2.900 hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch xây dựng với tổng dung tích trên 65 tỷ m3, khoảng 2.100 hồ đang vận hành với tổng dung tích hơn 34 tỷ m3; khoảng 800 hồ thủy điện tổng dung tích trên 56 tỷ m3 nhưng mới có 59 hồ đã đi vào vận hành. Việc hình thành các hồ chứa thủy điện tuy phục vụ hiệu quả việc nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp và phục vụ du lịch. Nhưng vào mùa kiệt, một số khu vực hạ du của các dự án có nhà máy chuyển dòng sang lưu vực khác bị ảnh hưởng, do thiếu nguồn nước để tưới tiêu.

Chú thích ảnh
Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Dự kiến đến năm 2030, lượng điện được sản xuất từ điện than đạt mức 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53% tổng sản lượng điện toàn quốc. Trong khi đó, lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo hiện chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3,7% tổng lượng điện sản xuất (tăng lên không đáng kể vào năm 2030, chiếm 11% tổng cơ cấu nguồn). Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng, con số này sẽ tăng lên hơn 60 nhà máy vào năm 2030, tổng lượng nước sử dụng làm mát của các nhà máy nhiệt điện than sẽ lên tới 216 triệu m3/ngày đêm. Trong khi tất cả các hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ và tiêu hủy sau vòng đời của các nhà máy nhiệt điện than đều có liên quan đến việc sử dụng nguồn nước, hoặc có tác động đến nguồn nước.

Mỗi giai đoạn trong vòng đời của than từ khai thác - xử lý - vận chuyển - đốt than để sản xuất điện và thải loại đều có tác động tiêu cực tới nguồn nước. Trong quá trình khai thác than, một lượng lớn nước ngầm sẽ bị hút khỏi lòng đất để có thể tiếp cận đến các mỏ than, ngoài ra nước còn được dùng để tưới giảm nhiệt nhằm giảm nguy cơ cháy nổ từ quá trình khai thác than. Điều này ảnh hưởng đặc điểm địa chất thủy văn vùng khai thác, làm hạ và giảm áp mực nước ngầm và ảnh hưởng đến các con sông trong khu vực.

Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau và có trên 1.100 doanh nghiệp khai khoáng. Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh, như tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ…

Trong đó, khai thác mỏ than lộ thiên làm phát sinh một lượng đất đá thải khá lớn; đất đá bị đào xới; đồng ruộng, khe suối phía dưới các bãi thải bị bồi lấp do sạt lở, xói mòn khi mưa lũ. Trong khai thác vàng, bên cạnh các cơ sở được cấp phép vẫn còn những cơ sở khai thác chui, không tuân thủ quy định về quản lý và xử lý nguồn thải, dẫn đến nguy cơ nước thải chưa qua xử lý, chứa một số hóa chất độc hại như xianua, thủy ngân, thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Điển hình như tình trạng khai thác trái phép tại Mỏ vàng Bồng Miêu dẫn đến các sông trong khu vực ô nhiễm nặng. Các đống chất thải trong quá trình khai thác vàng, khai thác cát từ lòng sông đã ngăn cản, làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở đất bờ sông, đê điều, gây úng lụt cục bộ.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến tài nguyên nước của Việt Nam, làm cho nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước kéo dài. Nhiều khu vực có nước ngọt cũng sẽ bị xâm nhập mặn, ô nhiễm gia tăng do dòng chảy không còn khả năng tự làm sạch, khả năng chống chọi với thiên tai, trong đó hạn hán tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh về nước và phát triển xanh, bền vững.

Bài cuối- Những bất cập trong quản lý cần tháo gỡ

Văn Hào (TTXVN)
Thực trạng nguồn nước các lưu vực sông: Bài 1- Nhiều yếu tố không bền vững
Thực trạng nguồn nước các lưu vực sông: Bài 1- Nhiều yếu tố không bền vững

Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830-840 tỷ m3. Tuy vậy, Việt Nam chỉ là quốc gia có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN