Nhu cầu tuyển lao động tăng
Đầu tuần tháng 5, anh Lê Thế Anh (Hoài Đức, Hà Nội) đã đến sàn giao dịch việc làm Hà Nội làm thủ tục khai báo tháng thứ 3 nhận bảo hiểm thất nghiệp và tìm việc làm mới. “Tôi vốn là nhân viên khách sạn đã nghỉ việc. Trong thời gian qua, tôi về nhà phụ giúp việc gia đình. Nay tôi đang học nghề và dự định chuyển sang ngành logistic, giao nhận hàng. Đơn vị mới đã nhận hồ sơ, phóng vấn và tôi sẽ đi làm trong tuần tới”, anh Lê Thế Anh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Cảnh, chuyên viên tuyển dụng Công ty cổ phần kỹ thuật SIGMA cho biết: Đơn vị cần tuyển 200-400 nhân sự ở các vị trí kỹ thuật về lắp đặt, điện, nước. Bình quân với lao động mới vào làm việc sẽ được trả theo ngày công là 300.000 đồng/ngày. Sau 2 tháng làm việc sẽ ký hợp đồng và trả lương có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp, ngoài ra còn hỗ trợ về chỗ ở đi lại nếu làm ở địa bàn xa. Hiện nhu cầu tuyển dụng của công ty lớn do các dự án xây dựng tại nhiều địa bàn đang gấp rút thi công. Dù vậy nhưng việc tuyển đủ số lượng vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ góc độ phân tích thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) đánh giá: Nhìn vào số lượng tuyển dụng của các đơn vị cho thấy thị trường lao động đang hồi phục mạnh mẽ. Đáng chú ý tại các phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết nối các tỉnh phía Bắc cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực may mặc, lắp ráp điện tử, xây dựng… tại các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… đăng ký tuyển dụng lên tới hàng trăm và vài nghìn lao động.
“Trong khi đó, thị trường lao động tại Hà Nội lại tuyển dụng mạnh khối ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, kho bãi, xây dựng, thông tin, truyền thông… Tình hình này phản ánh đúng hoạt động du lịch sôi động trở lại sau khi Hà Nội cùng cả nước mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế từ 15/3, các hãng hàng không mở rộng thêm nhiều đường bay tới các nước trong khu vực và quốc tế. Số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Phân tích ngành nghề, bên cạnh lĩnh vực du lịch đang tăng cường tuyển dụng cao, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, kho bãi có nhu cầu tăng xu hướng tuyển dụng, tăng 31,57%. Công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao do nhu cầu mở rộng và phát triển kinh doanh trong năm 2022. Theo quan sát, các doanh nghiệp có nhiều nhu cầu tuyển dụng nhân sự giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) – dữ liệu lớn (Big Data) – crypto và Chuỗi khối (Blockchain). Ước tính, nhu cầu tuyển dụng từ 5.000 – 1.000 vị trí, tập trung vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như nhân viên phát triển IT, chuyên gia mạng máy tính, kỹ sư phần mềm, lập trình viên.NET, quản trị viên hệ thống CNTT, kiến trúc sư điện toán đám mây,... “Trong quý II/2022, nhu cầu tuyển dụng thị trường lao động tại Hà Nội khoảng 120.000 nhân sự mới”, ông Vũ Quang Thành ước tính.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã tạo động lực cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm 2022, đồng thời tác động tích cực đến lao động, việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp.
Cụ thể, quý I/2022, dịch COVID-19 vẫn tác động tiêu cực tới hơn 16,9 triệu người (từ 15 tuổi trở lên), nhưng giảm 7,8 triệu lao động so với quý IV/2021. Số lao động bị mất việc làm hiện còn khoảng 900.000 người, chiếm 1,2% tổng số lao động. Thị trường lao động những tháng đầu năm 2022 đã có những tín hiệu khởi sắc, dần quay trở lại xu hướng phát triển như: Số người từ 15 tuổi trở lên quay trở lại thị trường lao động; giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp và tăng lao động trong ngành dịch vụ, thương mại. Cùng với đó, thu nhập của người lao động được cải thiện, tăng nhiều so với quý IV/2021 và cùng kỳ năm trước; số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần…
Về nhu cầu tuyển dụng lao động và tình hình thiếu hụt lao động, theo báo cáo nhanh của các địa phương, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2019, 2020. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%). Đáng chú ý, trong quý I/2022 có xảy ra sự thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120 nghìn lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và thiếu hụt ở một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...
Sớm triển khai chính sách hỗ trợ tới người lao động
Theo Bộ LĐTBXH, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 100% công suất nên đã xuất hiện tình trạng thiếu nhiều lao động giản đơn. Hơn nữa, do nhu cầu chuyển dịch của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng đơn hàng đang tăng lên, khiến tình trạng thiếu lao động càng rõ rệt.
Một số nguyên nhân chính thiếu hụt lao động như nhiều lao động chọn lập nghiệp tại quê hương, không quay trở lại nơi làm việc, chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, người lao động chưa được đào tạo để đáp ứng tiêu chí mới của nhà tuyển dụng về trình độ, tay nghề… trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số. Các chính sách thu hút, tuyển dụng của doanh nghiệp chưa hấp dẫn; chi phí sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố lớn ngày càng cao, trong khi lương của người lao động thấp; công tác thông tin, kết nối cung - cầu lao động, dự báo tình hình thị trường lao động còn hạn chế…
Dự báo trong năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hơn 5 triệu lao động, vẫn còn tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ, thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm. Bộ LĐTB&XH đề xuất một số giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động thu hút, tuyển dụng lao động; đào tạo nâng cao chất lượng cung lao động; tổ chức kết nối cung-cầu lao động…
Liên quan đến công tác đào tạo nghề, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, hiện chất lượng học viên vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ lao động do các trường nghề đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu sử dụng ngay, không cần đào tạo lại là rất thấp. “Trong khi đó, việc kết nối cung cầu thị trường lao động trên quy mô liên tỉnh, liên vùng đã triển khai nhưng còn yếu”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.
Ông Lê Văn Thanh cũng cho biết thêm, vừa qua, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia thông qua phương án tăng lương tối thiểu từ 180.000 - 260.000 đồng/người/tháng theo từng vùng (tăng bình quân 6%) so với hiện hành, là hợp lý, giúp cải thiện mức sống của người thu nhập thấp, đặc biệt là khối lao động giản đơn, từ đó, bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như các doanh nghiệp.
Trước tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra chủ yếu tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND các tỉnh có các biện pháp giúp doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc duy trì, thu hút lao động vào làm việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động. Theo đó, các bộ, ngành tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.