Như tin đã đưa, mưa lũ và sạt lở đất từ đêm 18/8 rạng sáng ngày 19/8, tại Lào Cai, đã khiến 2 người chết, 3 người bị thương và 1 người mất tích. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến 16h ngày 19/8, Lào Cai có 51 nhà, 7 công trình thủy lợi, 4 trường học bị hư hỏng, 28 cột điện bị gãy đổ, hàng trăm ha lúa và hoa màu bị vùi lấp. Đặc biệt, các tuyến đường giao thông ở Lào Cai bị sạt lở nghiêm trọng. Tổng thiệt hại ước tính trên 6 tỷ đồng.
Trong các ngày 18 và 19/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai do đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai làm trưởng đoàn cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện Bát Xát; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất tại xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa và nạn nhân bị lũ cuốn trôi tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa theo quy định.
UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo UBND xã Bản Hồ huy động lực lượng giúp hộ dân bị thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hỗ trợ khâm niệm người bị chết, đưa người bị thương đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Sa Pa. Đối với trường hợp bị lũ cuốn trôi, chính quyền thị xã Sa Pa đã chỉ đạo UBND xã Ngũ Chỉ Sơn huy động lực lượng tìm kiếm tại chỗ với tổng số 100 người (nòng cốt là lực lượng Đội xung kích phòng chống thiên tai của xã và người dân). Đến khoảng 11h ngày 19/8, các lực lượng đã tìm thấy thi thể nạn nhân cách nơi xảy ra lũ quét khoảng 20m về phía hạ lưu suối và bàn giao cho gia đình nạn nhân đưa về nhà tổ chức mai táng theo phong tục của địa phương. Chính quyền thị xã Sa Pa đã chỉ đạo các phòng Kinh tế, Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp UBND các xã Bản Hồ, Ngũ Chỉ Sơn thăm hỏi động viên với gia đình có người bị nạn, hỗ trợ kinh phí cho người bị chết, bị thương theo quy định.
Đối với người bị mất tích tại xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn là ông Nguyễn Văn Khâm (61 tuổi, dân tộc Kinh, trú tại thôn Đồng Lực, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), chính quyền địa phương đã tích cực tổ chức tìm kiếm song đến thời điểm hiện tại chưa tìm thấy nạn nhân. UBND huyện Văn Bàn và xã Nậm Xé đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tham gia tìm kiếm người mất tích.
Để khắc phục sự cố giao thông, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ nắm bắt tình hình sạt lở và tiến hành hót đất sụt, sạt tại các vị trí. Đến nay, các tuyến cơ bản đã được thông xe tạm thời. Tại km129+500 qua địa phận xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn sạt lở gây ách tắc cục bộ, đến 18h ngày 18/8 đã thông xe. Đường Tỉnh lộ 158 bị sạt, sụt 30 điểm, trong đó 1 điểm gây ách tắc giao thông thuộc thôn Tùn Qua, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát đến 16h ngày 19/8 đã lưu thông được. Đường Tỉnh lộ 156B đoạn qua xã Mường Vi bị sạt lở gây ách tắc giao thông cục bộ, hiện đã được khắc phục, thông tuyến trở lại.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã có thiệt hại đã chỉ đạo UBND cấp xã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, thống kê tình hình thiệt hại theo quy định; đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tự tại chỗ và hậu cần tại chỗ) nhằm sớm ổn định đời sống người dân.
Dự báo trong những ngày tới, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn Lào Cai tiếp tục có mưa vừa đến mưa to; kết hợp với lượng mưa trong những ngày vừa qua, đến nay đất đã ngấm no nước, độ liên kết đất yếu, do đó rất dễ xảy ra trượt, lở đất. Vì vậy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị triển khai tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê các vị trí có nguy cơ lũ ống, lũ quét, đặc biệt là sạt lở...; chuẩn bị tốt công tác phòng, tránh theo phương châm “bốn tại chỗ”; cắt tỉa cành, nhánh cây có nguy cơ gãy, đổ gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, đường dây điện, nhà ở…; khuyến cáo người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy, không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú, không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao phòng tránh, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.