Tạo sức hấp dẫn từ thương hiệu du lịch Việt

Truyền thông về thương hiệu du lịch Việt Nam đang cần bước đột phá và chuyên nghiệp hơn nhằm thu hút mạnh mẽ hơn du khách quốc tế. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp du lịch tại buổi tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam", do Tổng cục Du lịch tổ chức ngày 5/4, tại Hà Nội.

Tọa đàm về liên kết truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam



Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thông qua Chương trình Hành động Quốc gia về du lịch (triển khai từ năm 2000) và chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia (từ năm 2008), công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã có những bước tiến đáng kể, thu hút lượng lớn quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt, công tác truyền thông trong nước đã tạo nên sức hấp dẫn tăng trưởng khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch cũng như tỉ trọng ngày càng tăng của ngành du lịch đối với GDP của cả nước.

Ông Lê Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch đưa ra 3 yếu tố cấu thành thương hiệu du lịch Việt Nam của Tổng cục Du lịch, đó là: Thương hiệu du lịch vùng, địa phương (7 vùng); thương hiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch (4 loại sản phẩm chính); thương hiệu doanh nghiệp.


 Thời gian tới, sẽ có 4 hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, gồm xây dựng logo và slogan mới cho du lịch Việt Nam; phát triển và quảng bá thương hiệu 4 dòng sản phẩm du lịch; xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch vùng, địa phương; hỗ trợ và khuyến khích phát triển thương hiệu doanh nghiệp du lịch.


Bên cạnh đó, sẽ có những hoạt động truyền thông để quảng bá cho thương hiệu du lịch như tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, roadshow, các sự kiện du lịch; sản xuất và phát hành ấn phẩm, vật phẩm, băng đĩa hình du lịch; e-marketing; các hoạt động quan hệ công chúng, báo chí, ngoại giao.


Có bốn giải pháp đẩy mạnh truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam được Tổng cục Du lịch đề xuất, gồm: Tăng cường đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước; củng cố bộ máy cơ quan xúc tiến du lịch từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh liên kết trong các hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam, tăng cường quan hệ đối tác công tư; phát động phong trào toàn xã hội tham gia vào hoạt động xây dựng và truyền thông thương hiệu du lịch Việt Nam.


Để đạt hiệu quả này, theo kiến nghị của các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch sớm có kế hoạch xúc tiến quảng bá trung hạn và dài hạn để doanh nghiệp và các doanh nghiệp cùng tham gia; đồng thời thuê các đơn vị làm quảng bá chuyên nghiệp từng thị trường mục tiêu để làm xúc tiến quảng bá.


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN