Cùng thời điểm, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến góp ý và dự kiến trình các cơ quan chức năng thời gian tới.
Về vấn đề này, phóng viên TTXVN có chùm hai bài viết nêu rõ nguyên nhân của tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng gia tăng tại TP Hồ Chí Minh và ý kiến của các chuyên gia, người lao động trong việc góp ý để dự thảo Luật phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động.
Bài 1: 'Ồ ạt' rút bảo hiểm xã hội một lần
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2021, hệ thống Bảo hiểm Xã hội ghi nhận thêm khoảng 4,23 triệu người tham gia nhưng có 4,06 triệu người rời bỏ. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, hiện tượng người lao động xếp hàng dài tại các cơ quan Bảo hiểm Xã hội để rút bảo hiểm xã hội một lần đã xảy ra.
Cứ mất việc là rút bảo hiểm xã hội một lần
Mất việc làm sau khi COVID-19 bùng phát, đến nay, đã hơn 1 năm, anh Thạch Sa (45 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) quay trở lại cơ quan Bảo hiểm Xã hội để đăng ký rút bảo hiểm xã hội một lần. Một năm qua, anh Sa phải đi xin việc thời vụ. Thời gian rảnh, anh chạy xe ôm để mưu sinh. Trong khi đó, vợ con anh đã chuyển hẳn về quê ở từ khi COVID-19 bùng phát. “Ban đầu, mình cũng định bám trụ Thành phố. Tuy nhiên, sau đợt dịch, mình suy nghĩ lại, cuộc sống ở thành phố khó khăn mà bấp bệnh quá. Rút tiền bảo hiểm để về quê còn có vốn xoay sang việc khác”, anh Sa tâm sự.
Cùng với 1.200 công nhân khác, tháng 12/2022, chị Nguyễn Thị Trân (42 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) bị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cắt giảm lao động. Chồng chị Trân bị mất việc từ tháng 3/2022, sau khi COVID-19 diễn ra. Từ đó, chồng chị chạy xe ôm công nghệ, chị Trân xin làm thời vụ cho một xưởng sản xuất nhựa tư nhân quy mô nhỏ. Thu nhập vốn đã ít ỏi lại càng bấp bênh khi công việc lúc có lúc không. “Chúng tôi đã cố gắng đi tìm việc làm. Nhưng giờ ở đâu cũng thấy cho nghỉ nhiều mà ít tuyển dụng mới. Tuổi của mình đã lớn nên ít nơi muốn tuyển. Hè này, khi các cháu kết thúc năm học, cả gia đình sẽ chuyển hẳn về quê”, chị Trân cho biết. Để có chi phí trang trải lúc về quê, chồng chị sẽ đi rút bảo hiểm xã hội một lần, chị Trân phải chờ đến tháng 12/2023.
Đây là tâm lý chung của nhiều lao động tại TP Hồ Chí Minh sau khi mất việc làm thời gian qua. Sau khi COVID-19 bùng phát cũng là lúc nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, các đơn hàng bị hủy, việc làm ít dần. Thực trạng này đã khiến hàng vạn người lao động mất việc. Lúc này, nhiều người nghĩ đến khoản tiền bảo hiểm xã hội một lần sau khi đã hưởng hết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tình trạng người dân xếp hàng tại các cơ quan Bảo hiểm Xã hội để làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội thỉnh thoảng lại tái diễn.
Tháng 4/2023, nhiều người dân đã xếp hàng xuyên đêm trước trụ sở Bảo hiểm Xã hội huyện Hóc Môn để chờ đến lượt làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng người lao động tập trung đông để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm Xã hội Hóc Môn tái diễn do số người nộp hồ sơ tập trung quá đông, trong khi khả năng tiếp nhận hồ sơ của đơn vị có giới hạn. Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong quý I/2023, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 40.000 hồ sơ và giải quyết cho 25.000 trường hợp nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần. So với quý IV/2022, số lượng hồ sơ tăng 6,1%.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, số lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội liên tục gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Điều này không những ảnh hưởng đến cuộc sống khi về già của người lao động mà còn có những tác động tiêu cực đến mục tiêu an sinh xã hội của Nhà nước.
Vì sao người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần?
Lấy tiền để giải quyết khó khăn trước mắt là một trong những lý do khiến tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ồ ạt. Tuy nhiên, một lý do khác được nêu lên đó là tâm lý lo ngại sẽ chỉ được rút tối đa 50% bảo hiểm xã hội một lần theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). “Tôi nghe nói sang năm khi Luật mới thông qua, chỉ được rút 1 nửa thôi nên tôi rút luôn từ bây giờ, càng để lâu càng khó rút”, anh Lê Văn Mười (36 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ khi chờ làm thủ tục tại Bảo hiểm Xã hội thành phố Thủ Đức. Anh Mười nhẩm tính, nếu rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ nhận được hơn 100 triệu đồng. Với số tiền này, anh có dự định cùng với bạn để mở một sạp bán trái cây.
Bên cạnh đó, khó chờ đến thời điểm để được hưởng lương hưu hoặc lo ngại lương hưu thấp, không đủ sống cũng là lý do khiến nhiều người lao động sớm rút bảo hiểm xã hội một lần. Anh Huỳnh Văn Phát (45 tuổi, công nhân tại một khu chế xuất trên địa bàn Quận 7, TP Hồ Chí Minh) cho biết, những công nhân cao tuổi như anh dễ bị sa thải bởi năng suất lao động không còn cao, đi tìm việc mới rất khó. Vì thế, việc rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy vốn tìm hướng mưu sinh khác là cứu cánh đối với anh. Dù đã có gần 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, anh Phát vẫn quyết định không chờ để hưởng lương hưu. “Trước mắt, mình phải kiếm cách mưu sinh đã, lấy tiền bảo hiểm để xoay ra làm chứ đợi lương hưu biết đến bao giờ, rồi lương hưu có đủ để sống không?”, anh Phát tâm tư.
Theo các cán bộ Công đoàn, nhiều công nhân làm việc trong những ngành nghề nặng nhọc, cường độ làm việc cao như: may mặc, giày da, điện tử.... sức khỏe bị giảm sút khá nhiều sau tuổi 45. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng giảm lao động lớn tuổi, tuyển những lao động trẻ hơn để trả lương thấp. Những lao động ngoài 40 khi bị cắt giảm rất khó tìm được công việc mới phù hợp. Khi mất việc làm, đa số họ lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần và rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho rằng, vấn đề cốt lõi là lương hưu thiết kế trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay rất thấp. Mặc dù hàng năm, cơ quan Bảo hiểm Xã hội có tính toán đến mức trượt giá nhưng lương hưu vẫn không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Một người quen của ông Hải từng là Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở ở một doanh nghiệp lớn nhưng khi nghỉ hưu chỉ nhận mức lương hưu 2,7 triệu đồng. Lương hưu không đủ sống khiến người này phải tìm thêm việc làm để kiếm tiền. “Nếu tính theo mức hưởng lương hưu bây giờ, rất nhiều người lao động chỉ có thể nhận 2 - 3 triệu đồng khi nghỉ hưu. Số tiền này hoàn toàn không đủ sống”, bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Intel Products Việt Nam nhìn nhận. Mức lương hưu thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng như các quy định hiện nay sẽ rất khó giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Thống kê cho thấy, TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 222.000 người đang nhận lương hưu với mức hưởng trung bình gần 6 triệu đồng/tháng; trong đó có hơn 45.000 người nhận lương hưu dưới 3,8 triệu đồng/tháng - mức thu nhập này còn thua cả chuẩn nghèo của Thành phố. Cuộc sống trước mắt khó khăn, mức lương hưu thấp khiến cho nhiều người không nghĩ đến việc ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội, chờ hưởng lương hưu.
Bài cuối: Ổn định chính sách, hài hòa quyền lợi