Đại diện ngành y tế luôn khẳng định, việc điều chỉnh tăng viện phí sắp tới không làm ảnh hưởng nhiều đến đa số người dân, nhất là 62% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Ông Nguyễn Minh Thảo (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Việc điều chỉnh viện phí theo hướng tăng (dự kiến triển khai ngay trong năm 2012), sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người dân nói chung và người tham gia BHYT nói riêng, thưa ông?
Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là làm thế nào đẩy nhanh được độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cho khoảng 38% dân số chưa có thẻ BHYT. Đây thực sự là một vấn đề rất khó vì phần lớn đối tượng này là hộ cận nghèo, người lao động tự do, nông dân…, những người không có thu nhập ổn định, rất dễ sa vào “bẫy” đói, nghèo nếu chẳng may ốm đau.
Vì vậy, khi điều chỉnh viện phí theo hướng tăng thì Chính phủ cần quan tâm đến việc hỗ trợ người dân nhằm mở rộng độ bao phủ BHYT, đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Cụ thể, cần phải tăng mức hỗ trợ phí mua thẻ BHYT cho người nông dân, người cận nghèo (đang được hỗ trợ 50% mức phí đóng BHYT)…
Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) đang kiến nghị là khi viện phí được tính đúng, tính đủ thì cần chuyển khoản kinh phí mà ngân sách vẫn cấp hàng năm cho các bệnh viện công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua thẻ BHYT. Như thế, chúng ta chỉ thay đổi luồng dịch chuyển của đồng tiền từ ngân sách Nhà nước. Chỉ khi có thẻ BHYT thì việc tăng viện phí mới không là gánh nặng đối với người dân, nhất là những người có điều kiện kinh tế khó khăn.
Nhiều người cao tuổi chờ khám, điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo tôi, việc tăng viện phí cũng sẽ ảnh hưởng đến tài chính của đa số người tham gia BHYT, những người cùng chi trả 5- 20% chi phí khám chữa bệnh. Nếu giá viện phí tăng, tổng chi phí điều trị tăng lên thì cũng ảnh hưởng tới tài chính của người bệnh tham gia BHYT. Đặc biệt, đối với những đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, cùng chi trả mà lại mắc bệnh mãn tính như thận, ung thư, tiểu đường… thì việc tăng viện phí có thể sẽ là một gánh nặng, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Giải pháp cho vấn đề này là cần bổ sung quy định mức trần tối đa cùng chi trả viện phí là 12 tháng lương tối thiểu/năm, nhằm hạn chế mức cùng chi trả của người bệnh. Đơn cử, viện phí của một bệnh nhân suy thận trong 1 năm là khoảng 100 triệu đồng thì người bệnh sẽ phải cùng chi trả 20% tức là khoảng 20 triệu đồng. Nếu viện phí tới đây được điều chỉnh tăng 25% thì người bệnh này sẽ phải cùng chi trả 25 triệu đồng/năm. Nhưng nếu có quy định mức trần tối đa chi trả viện phí như đã nêu, người bệnh sẽ chỉ chi trả số tiền tương đương 12 tháng lương tối thiểu/năm, tức khoảng 10 triệu đồng/năm, phần viện phí còn lại sẽ do ngành BHXH chi trả.
Được biết, Bộ Y tế đã đề nghị nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng cận nghèo từ 50% lên thành 70% vào năm 2012. Nhưng thực tế, có địa phương đã nâng mức hỗ trợ này lên tới 80% mà người dân vẫn không “mặn mà” tham gia BHYT. Vậy có giải pháp nào khả thi hơn không, thưa ông?
Quyết định nâng mức hỗ trợ phí tham gia BHYT người dân hộ cận nghèo thành 70% đã là một cố gắng lớn của Chính phủ. Do đó, không thể nâng mức hỗ trợ lên cao hơn được nữa.
Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rằng tham gia BHYT là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khi ốm đau và đây cũng là trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng của mỗi công dân.
Bên cạnh đó, nếu các tổ chức xã hội hoặc ngân sách của các địa phương cùng tham gia hỗ trợ, tôi tin sẽ nhanh chóng nâng cao tỷ lệ người dân hộ cận nghèo tham gia BHYT.
Viện phí tăng, liệu có vỡ quỹ BHYT không, thưa ông?
Viện phí tăng chắc chắn sẽ tác động đến quỹ BHYT vì mức chi trả sẽ tăng so với hiện nay. Chúng tôi đang cùng đại diện Bộ Y tế đánh giá tác động của việc điều chỉnh viện phí đến sự an toàn của quỹ BHYT. Dựa trên kết quả này, BHXH VN sẽ kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh tăng mức đóng BHYT.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo khả năng chi trả của quỹ BHYT, chúng tôi cũng bàn với ngành y tế để có giải pháp kèm theo như: Điều chỉnh phương thức thanh toán sang định suất và ca bệnh, tăng cường kiểm soát, rà soát lại danh mục thuốc, hoàn thiện xây dựng các quy trình chuyên môn chuẩn,…
Theo tôi, danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả hiện quá rộng, gồm cả thuốc điều trị và hỗ trợ điều trị. Trong khi đó, ở các nước khác, hầu hết các thuốc hỗ trợ điều trị đều không được thanh toán hoặc thanh toán với tỉ lệ thấp. Chỉ tính riêng tiền thuốc, nếu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, không có tình trạng lạm dụng hoặc sử dụng những thuốc thay thế hiệu quả thì mỗi năm quỹ BHYT đã có thể tiết kiệm được cả nghìn tỷ đồng.
Các danh mục dịch vụ kỹ thuật được quỹ BHYT thanh toán hiện cũng rất rộng, giá thanh toán mà UBND các địa phương phê duyệt thường ở mức tối đa…
Quý IV/2011, ngành y tế phải hoàn tất phương án điều chỉnh 350 dịch vụ y tế để trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Liệu có đủ thời gian để thẩm định và đưa ra mức giá hợp lý không, thưa ông?
Hiện nay, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng thẩm định lại toàn bộ các giá dịch vụ cần điều chỉnh mà các bệnh viện đã đề xuất. Đại diện Bộ Tài chính và cơ quan BHXH VN cũng được mời tham gia Hội đồng thẩm định này. Điều đáng mừng là trong lần điều chỉnh viện phí này, Bộ Y tế tiến hành rất thận trọng, khoa học, chủ trương tiến hành thẩm định lại giá các dịch vụ rất độc lập, không mời đại diện các bệnh viện tham gia Hội đồng thẩm định. Hy vọng, với cách làm này, Bộ Y tế sẽ đưa ra sự điều chỉnh mức viện phí hợp lý, vừa tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Theo tôi, nếu Hội đồng thẩm định làm việc có trách nhiệm thì từ nay đến trước tháng 12/2011, Bộ Y tế có thể hoàn tất và trình Chính phủ phương án điều chỉnh 350 dịch vụ y tế theo hướng tăng. Cũng bởi vậy nên tại thời điểm này chưa thể khẳng định sẽ có bao nhiêu dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá hoặc mức tăng có hợp lý hay không.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)