Tăng cường rà soát, giám sát các trường hợp trở về từ vùng dịch

Từ 0 giờ ngày 3/8/2020, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu dừng tất cả hoạt động karaoke, vũ trường, massage, quán bar, các lễ hội tập trung đông người cho đến khi có thông báo mới. 

Tỉnh đã kích hoạt lại các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ Đà Nẵng từ ngày 1-28/7/2020 và các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế.

Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo điều hành, học tập, làm việc, giải quyết thủ tục hành chính... nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Sở Y tế tỉnh khẩn trương triển khai việc xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ các trường hợp từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các trường hợp nghi ngờ đi từ các tỉnh lân cận về từ ngày 1-28/7.

 Ngày 3/8, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa Lương Ngọc Trương cho biết, đến thời điểm này, Thanh Hóa chưa phát hiện trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Tỉnh đã giám sát, lấy mẫu xét nghiệm cho 347 người liên quan đến các địa điểm theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế, kết quả 265 người âm tính, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả. 

Thanh Hóa đã rà soát, giám sát 7.445 trường hợp trở về từ các địa phương có dịch, đồng thời tổ chức cách ly cho 108 người tại các khu cách ly tuyến huyện và 129 người tại Trung tâm Giáo dục an ninh quốc phòng (Trường Đại học Hồng Đức). Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục rà soát, giám sát, quản lý chặt chẽ, tổ chức cách ly phù hợp tất cả các trường hợp nguy cơ, trong đó tập trung giám sát tất cả những người đã ở Đà Nẵng và các vùng có dịch về/đến Thanh Hóa từ ngày 1/7. Thanh Hóa cũng tiếp tục tăng cường giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm với các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp; các trường hợp có các triệu chứng sốt, ho, khó thở chưa xác định được nguyên nhân; mở rộng đối tượng, xét nghiệm lại cho các đối tượng đã hoàn thành cách ly tại các địa phương khác về Thanh Hóa.

Tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt lại hệ thống giám sát, phòng, chống dịch COVID-19 trong tất cả các bệnh viện nhằm kiểm soát chặt chẽ những người đến bệnh viện, từ đó phân luồng, sàng lọc bệnh nhân kịp thời, không bỏ sót bệnh nhân có yếu tố dịch tễ COVID-19. Các bệnh viện cũng đã dự phòng chu đáo về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Liên quan đến bệnh nhân số 620 ở Hà Nam, chiều 3/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa đã gửi thông báo khẩn đề nghị những người có mặt trên xe khách Kim Chi (biển kiểm soát 43B - 031.26) đi từ Đà Nẵng ra Hà Nội từ ngày 27/7 đến ngày 29/7, khẩn trương liên hệ với trạm y tế, cơ quan y tế nơi gần nhất hoặc qua số điện thoại 0916.803.115 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa) để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe.

* Tính đến chiều 3/8, tất cả các trường hợp tại tỉnh Bình Dương liên quan đến ổ dịch ở Đà Nẵng đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, tại tỉnh Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Phun khử khuẩn trước khi đưa công dân vào địa điểm cách ly tập trung tại Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Liên quan đến người dân trở về từ Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác đến nay đã có 26 trường hợp tiếp xúc gần đã được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, kết quả đều âm tính. Hiện còn 9 trường hợp đang chờ kết quả.Trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang thực hiện cách ly y tế tập trung với 399 trường hợp.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Dương vừa thành lập các khu cách ly y tế có thu phí. Theo đó, tại Khách sạn Đại Nam (phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một) có 84 phòng, Khách sạn The Mira 2 (phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một) với 92 phòng, là nơi tiếp nhận cách ly có thu phí theo nhu cầu của các trường hợp có yêu cầu.

* Tỉnh Kon Tum đang giám sát, cách ly gần 3.500 ca có yếu tố dịch tễ (nhập cảnh, đến, ở, về từ vùng dịch)  trong đó số ca đang thực hiện cách ly tập trung là  632 ca; giám sát, cách ly các ca tiếp xúc gần với ca có yếu tố dịch tễ (cách ly tại nhà) gần 6.000 ca…

Tỉnh Kon Tum triển khai chốt kiểm tra và tổ liên ngành kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19. Tại Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ngành Y tế duy trì khu vực tiếp nhận khách nhập cảnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lên vị trí số 1 để tiến hành áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh vào Kon Tum; trang bị  hệ thống đo thân nhiệt từ xa bằng camera ảnh nhiệt hồng ngoại. Ngoài ra, tỉnh Kon Tum đã thành lập và kích hoạt các đội đáp ứng nhanh để sẵn sàng đáp ứng ngay khi có thông tin trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh; thành lập 11 cơ sở cách ly tập trung; chuẩn bị  đầy đủ trang thiết bị, phương tiện,  hóa chất, vật tư y tế…

Tỉnh Kon Tum yêu cầu người dân không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu được hoạt động nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch cho người lao động…

* Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, tính đến sáng 3/8, Cà Mau có 268 người đang cách ly tại nhà, có 26 người đang cách ly tại cơ sở tập trung trong thời gian 14 ngày theo quy định. Qua lấy mẫu xét nghiệm tất cả người cách ly tập trung đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, sức khỏe ổn định.

Ngày 3/8, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong tỉnh không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19. Cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật cần thiết; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà hoặc đến nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa người với người khi giao tiếp, hạn chế tối đa tập trung đông người. Các hộ dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường, không để ao tù, nước đọng để phòng, chống dịch bệnh; thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn.

Công an tỉnh Cà Mau chủ trì cùng với chính quyền địa phương, ngành Y tế, Giao thông Vận tải khẩn trương, tăng tốc rà soát, truy vết những người từ nước ngoài về, những người đi, đến và về từ vùng có dịch, lập danh sách cách ly theo quy định theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Ở từng ấp, khóm thành lập các tổ, đội giám sát trong nhân dân, giám sát cách ly đối với các đối tượng tại gia đình. Các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn tỉnh hạn chế việc thăm nuôi, tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp giữa thân nhân, người ngoài với các phạm nhân, trại viên, bệnh nhân, học viên.

Sở Y tế - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh kiểm tra, rà soát thật kỹ việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế (nhất là các test, kit, hóa chất xét nghiệm), thuốc, đội ngũ y, bác sĩ để sẵn sàng đón nhận, điều trị cho bệnh nhân nếu có các ca mắc COVID-19. Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, các ngành liên quan chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Khẩn trương rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp về từ vùng dịch
Khẩn trương rà soát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp về từ vùng dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là Đà Nẵng, các địa phương đang khẩn trương rà soát, lấy mẫu xét nghiệm người về từ vùng dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN