Sử dụng thuốc nội để giảm chi phí điều trị

Trong những năm qua, ngành dược của nước ta không ngừng phát triển, thuốc nội không những đáp ứng được 50% nhu cầu chữa bệnh trong nước mà còn xuất khẩu sang một số thị trường khác. Tuy nhiên, để người Việt tin và sử dụng thuốc Việt thì vẫn là thách thức lớn đối với ngành dược trong nước.

 

Thuốc nội cạnh tranh yếu


Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện ngành dược Việt Nam có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc, bao gồm 98 doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc đều phải đáp ứng các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất thuốc, kiểm nghiệm, bảo quản... Do đó, chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng. Các thuốc sản xuất trong nước đã bao phủ 27/27 nhóm tác dụng dược theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh các dạng thuốc truyền thống như viên nén, viên nang, thuốc nước... nhiều dạng bào chế mới phục vụ điều trị đã được nghiên cứu, sản xuất như: thuốc đông khô, khí dung, thuốc viên nang, thuốc giải phóng, hoạt chất chậm...


 

Sử dụng thuốc nội sẽ giảm chi phí điều trị bệnh tật của người dân.

 

Theo ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Dược Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam, hiện giá thuốc trúng thầu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với giá thuốc của các nước trong khu vực và các nước trên thế giới. Thực tế trong nhiều năm qua, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm luôn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, năm 2012, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 5,2%, trong khi mức độ tăng CPI là 6,81%. Điều đó cho thấy giá thuốc Việt Nam sản xuất rất hợp lý.


Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là tỷ lệ sử dụng thuốc do các doanh nghiệp trong nước sản xuất vẫn còn khá thấp và thuốc trong nước vẫn còn phải cạnh tranh khá gay gắt với thuốc ngoại. Theo thống kê của Bộ Y tế, chi phí cho việc mua các loại thuốc sản xuất tại Việt Nam ở các bệnh viện tuyến Trung ương chỉ đạt 11,9%, tuyến tỉnh 33,9% và tuyến huyện là 61,5% trong tổng số chi phí tiền thuốc điều trị. Điều này cho thấy, càng ở các bệnh viện tuyến trên thì tỷ lệ sử dụng thuốc nội càng thấp và chi phí điều trị bệnh tật vì thế cũng tăng lên. Nếu sử dụng thuốc ngoại, một ca mổ tim có chi phí từ 100 - 150 triệu đồng; một đợt điều trị cao huyết áp hoặc bệnh tiểu đường có chi phí từ 20 - 30 triệu đồng... Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc nội để điều trị thì sẽ giảm được chi phí điều trị rất nhiều.


“Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành dược là sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả. Việc dùng thuốc sản xuất tại Việt Nam có chất lượng, giá thành hợp lý mà khỏi bệnh thì chẳng những chúng ta tiết kiệm được chí phí chữa bệnh, góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh, cho gia đình và xã hội mà còn tiết kiệm nguồn lực để phát triển đất nước”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

 

Nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc nội


Sau 20 năm ngành dược Việt Nam đã đầu tư rất lớn để có những nhà máy sản xuất thuốc mang thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay các nhà máy sản xuất thuốc của Việt Nam mới chỉ hoạt động trung bình đạt 47% công suất. Điều đó có nghĩa chúng ta có thể sản xuất ra sản lượng thuốc gấp đôi hiện nay.


“Thuốc sản xuất trong nước sẵn sàng phục vụ người dân với chất lượng tốt, hiệu quả điều trị cao và giá bán hợp lý. Vấn đề còn lại là việc sử dụng thuốc còn phụ thuộc chủ yếu vào việc kê đơn của thầy thuốc, vì thuốc là hàng hóa đặc biệt, người bệnh không tự quyết định lựa chọn thuốc mà phải do thầy thuốc chỉ định. Vì vậy, cần tuyên truyền cho các thầy thuốc ưu tiên kê đơn thuốc nội trong điều trị. Bên cạnh đó, Bảo hiểm y tế (BHYT) cần có chính sách để ưu tiên thanh toán cho thuốc nội. Về phía Nhà nước, cần có một chính sách lớn, ưu tiên mua thuốc Việt Nam sử dụng trong bệnh viện công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình dự trữ”, ông Nguyễn Quý Sơn nói.


Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc nội; đồng thời góp phần tăng tỉ lệ sử dụng thuốc nội, mới đây Bộ Y tế đã xây dựng đề án “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam”. Tuy nhiên, theo bà Song Hương, Vụ BHYT, Bộ Y tế để triển khai có hiệu quả mục tiêu của đề án thì cần rà soát, sửa đổi bổ sung danh mục thuốc sản xuất trong nước được thanh toán qua quỹ BHYT cho phù hợp với thực tế, theo mục tiêu bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế thanh toán thuốc BHYT theo hướng ưu tiên thanh toán thuốc sản xuất trong nước, khuyến khích cơ sở y tế ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam; đồng thời tuyên truyền để người dân và cả thầy thuốc thấy được những cái lợi và hoàn toàn tin tưởng, yên tâm khi lựa chọn sử dụng thuốc sản xuất trong nước.


Bài và ảnh: Đan Phương

Sử dụng thuốc nội để giảm chi phí điều trị
Sử dụng thuốc nội để giảm chi phí điều trị

Trong những năm qua, ngành dược của nước ta không ngừng phát triển, thuốc nội không những đáp ứng được 50% nhu cầu chữa bệnh trong nước mà còn xuất khẩu sang một số thị trường khác. Tuy nhiên, để người Việt tin và sử dụng thuốc Việt thì vẫn là thách thức lớn đối với ngành dược trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN