Một đoạn đầy rác thải và bọt hóa chất phủ đầy mặt sông Nhuệ, đoạn qua phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN |
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có diện tích 7.665 km2, chiếm 10% diện tích toàn lưu vực sông Hồng, thuộc địa phận của 5 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Theo số liệu thống kê đến tháng 12/2015, tổng số dân các tỉnh, thành phố nằm trong lưu vực sông xấp xỉ 12 triệu người, mật độ dân số trung bình khoảng 1160 người/km2. Hiện số người sống và làm việc trong thành thị đã tăng lên đáng kể.
Đồng thời, sự phát triển mạnh các đô thị, làng nghề, công nghiệp, dịch vụ khiến lưu vực sông này tiếp nhận nguồn nước thải lớn. Tính trung bình tổng lượng nước thải của các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông gồm nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, y tế đổ vào khoảng 621.000m3/ngày đêm. Nhưng phần lớn lượng nước thải chưa được xử lý đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước lưu vực sông này.
Nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa sông Nhuệ - sông Đáy trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, ngày 29/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 57/2008 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Theo đó, giai đoạn 2015 – 2016, cả 5 địa phương nêu trên đã triển khai hàng trăm dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường... Tuy vậy, để đạt mục tiêu mà Đề án đặt ra vẫn là vấn đề nan giải.
Chất lượng nước đang suy giảm Tại Hội nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy lần thứ 8 diễn ra tại Hòa Bình tháng 1/2017 vừa qua, báo cáo đánh giá hiện trạng chất lượng nước giai đoạn 2015-2016 tại lưu vực này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp; công tác phối hợp giữa các địa phương chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả…
Cụ thể tại sông Nhuệ, đoạn chảy qua khu vực Hà Đông (Phúc La) cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch nước đã bắt đầu bị ô nhiễm. Giá trị các thông số BOD5, COD tại các điểm đo đều vượt quy chuẩn loại A1 nhiều lần (QCVN 08:2015-MT/BTNMT); riêng thông số Coliform, N-NH4+ vượt loại B1. Chất lượng nước tiếp tục suy giảm và kém nhất ở đoạn sông chảy qua địa phận huyện Thường Tín, Phú Xuyên. Tại đây, giá trị các thông số cơ bản như BOD, COD, TSS, N-NH4+…vượt quy chuẩn cho phép hàng chục đến hàng trăm lần. Hầu như tôm cá không thể sống nổi trên cấc đoạn sông này.
Theo nhận xét của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài: Chất lượng nước sông Nhuệ trong gia đoạn 2015-2016 vẫn rất kém, thậm chí còn có xu hướng kém hơn các giai đoạn trước. Trên dòng sông này, trừ đoạn sông thượng nguồn tại cống Liên Mạc, còn lại môi trường nước sông bị suy giảm mạnh (WQI), chỉ đáp ứng được cho mục đích giao thông thủy. Một số đoạn sông còn bị ô nhiễm nặng không đáp ứng được cho mục đích nào. Ngoài ra kết quả phân vùng cũng cho thấy có 3 trên tổng cộng 6 đoạn sông có chất lượng không phù hợp với mục đích sử dụng nước.
Về chất lượng nước trên sông Đáy: Theo kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, tổng số đoạn sông được đánh giá phù hợp cho các mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản gồm 14 đoạn (các đoạn sông chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình-Nam Định và đoạn hợp lưu sông Đào đến hợp lưu sông Ân).
Tuy vậy, nhìn chung chất lượng nước sông Đáy cũng bị suy giảm, nhất là ở đoạn thượng lưu thuộc khu vực cầu Mai Lĩnh, bởi tiếp nhận nước thải từ các quận, huyện: Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ. Còn các nhánh sông khác thuộc lưu vực sông Nhuệ-Đáy tại thời điểm quan trắc tháng 7/2016, chất lượng nước còn tương đối tốt, phần lớn các điểm có giá trị WQI nằm trong khoảng 50-75, có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản.
Chất lượng nước của các con sông nội thành Hà Nội thuộc lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy rất kém, giá trị thông số qua các đợt quan trắc đều vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Chẳng hạn giá trị DO tại các điểm trên sông Tô Lịch (Nghĩa Đô, Cầu Mới), sông Lừ (Phương Liệt, Định Công), sông Sét (cầu Sét), sông Kim Ngưu (Tựu Liệt) nằm trong khoảng 1-1,3mg/L. Hàm lượng Amoni dao động từ 2,1-10,5mg/L...
Nguồn thải gia tăng
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 10/2016, trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy có khoảng 1.982 nguồn thải. Trong đó có 1.662 nguồn thải là cơ sở sản xuất , kinh doanh; 39 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 cơ sở y tế và 144 làng nghề. Thành phố Hà Nội là địa phương có tổng số nguồn thải cao nhất chiếm tới 60% trên toàn lưu vực. Trong khi đó số lượng nguồn thải tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình và Ninh Bình cũng có chiều hướng gia tăng.
Thống kê sơ bộ của Cục Quản lý tài nguyên nước, năm 2016 trên toàn lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3,811 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi chiếm 67% với khoảng 2,55 triệu m3, nước thải sinh hoạt chiếm 16% với 610 nghìn m3, nước thải công nghiệp 16,68% với 636 nghìn m3, nước thải y tế chiếm 0,4% khoảng 15 nghìn m3.
Thống kê nhanh của Tổng cục Môi trường đối với nguồn thải có lưu lượng xả thải lớn hơn 1000m3/ngày đêm thì có tới 57 nguồn thải: Hà Nam 7 nguồn, Hà Nội 24 nguồn, Hòa Bình 9 nguồn, Ninh Bình 6 nguồn và Nam Định 8 nguồn. Điều đáng lưu ý là tuy Ninh Bình là địa phương có số lượng nguồn thải ít nhất, nhưng tổng lưu lượng xả thải lại lớn nhất. Lý do vì lượng lớn nước thải làm mát của Nhà máy cổ phần nhiệt điện Ninh Bình xả thải ra sông Đáy lên đến 178.050m3/ngày đêm, chiếm 68,75% tổng lưu lượng xả thải của cả tỉnh.
Như vậy có thể thấy rằng, việc phát sinh nguồn ô nhiễm nước sông Nhuệ-sông Đáy chủ yếu từ các nguồn thải từ sinh hoạt, công nghiệp và y tế. Trong đó nguồn thải từ các làng nghề, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trên lưu vực sông, hầu hết không được xử lý triệt để, hoặc trực tiếp xả xuống sông Nhuệ-sông Đáy.