Xã Văn Hoàng thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Nội) được hình thành từ xa xưa bên dòng sông Nhuệ, người dân một nắng hai sương bám sông để trồng lúa, chăn nuôi và đánh cá sinh sống. Theo chính quyền xã và người dân, từ ngày dòng sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, trên địa bàn xã xảy ra hiện tượng nhiều người mắc bệnh ung thư.Dòng nước đen đặc quánhĐi trên bờ đê sông Nhuệ vào xã Văn Hoàng, mặt đường ổ gà và lồi lõm, dòng sông rộng khoảng gần 40 m, màu nước sông đen, nổi bọt và bốc mùi hôi thối. Chúng tôi hỏi người dân về tình trạng ô nhiễm của dòng sông Nhuệ, ai cũng lắc đầu nói không thể chịu được. Ông Nguyễn Văn Sinh, 80 tuổi ở thôn Nội gay gắt nói: “17 năm trở lại đây, nước sông bị ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng đến nguồn nước nên dân trong làng bị ung thư rất nhiều. Chính quyền các cấp phải có giải pháp để đời sống người dân bớt khổ”.
Dòng sông đang được nạo vét và mở rộng để khơi thông dòng chảy, tuy nhiên dọc bờ sông người dân vẫn đổ rác thành bãi. |
Thôn Nội (xã Văn Hoàng) nằm sát bên sông Nhuệ, số người mắc bệnh ung thư nhiều hơn các thôn khác và người dân một mực cho rằng nguyên nhân gây ra ung thư là do dòng nước sông Nhuệ ô nhiễm. Trưởng thôn Nội, ông Nguyễn Văn Hải, lấy bút giấy thống kê những người chết và người mắc bệnh ung thư. Trong 5 năm trở lại đây thôn Nội có hơn 30 người chết do bệnh ung thư, hiện có 9 người mắc bệnh. Chúng tôi tới thăm gia đình ông Dương Văn Ngác có vợ là bà Nguyễn Thị Hoan chết do bệnh ung thư. Ông Ngác thắp nén hương, gạt ngang dòng nước mắt nói: “Tội nghiệp cô ấy, mới phát hiện bệnh được 2 tháng đã ra đi. Người dân chúng tôi đang phải sống chung với dòng nước ô nhiễm, khổ lắm các anh à!”
Để giảm tác hại do ô nhiễm môi trường từ dòng sông Nhuệ, huyện Phú Xuyên đã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ dòng sông Nhuệ như: không vứt và đổ rác thải ra sông, các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành quy định bảo vệ môi trường. Tổ chức, huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia vớt bèo, chất thải cản trên sông ảnh hưởng tới dòng chảy, phát quang hai bên bờ sông. |
Theo thống kê của UBND xã Văn Hoàng, 10 năm trở lại đây, cả xã có hơn 100 người chết vì bệnh ung thư, hiện có 26 trường hợp bị ung thư đang trị xạ. Nói về nguyên nhân, ông Dương Văn Sỳ, Bí thư Đảng bộ xã khẳng định: Theo tôi, nguyên nhân chính là do dòng nước sông Nhuệ bị ô nhiễm trầm trọng. Trước kia dòng sông trong xanh, người dân ra tắm và đánh bắt cá, quây ao nuôi trồng thủy sản, gánh nước về sinh hoạt… nhưng từ khi dòng sông bị ô nhiễm, nhiều người mắc bệnh ung thư nên ai cũng sợ hãi. Số lượng người mắc bệnh ung thư tăng dần, người chết do bệnh này cũng nhiều nên chính quyền xã rất lo lắng. Trong những buổi họp, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, HĐND huyện, chúng tôi đều phản ánh về vấn đề này nhưng rồi vẫn “để đấy”.
Ngày 30/5/2014, UBND huyện Phú Xuyên có báo cáo về tình hình triển khai các chương trình, nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn gửi thành phố Hà Nội, gửi cả Bộ Tài nguyên và Môi Trường. Báo cáo trình bày hiện trạng tình hình sản xuất kinh doanh 2 bên bờ sông “Trên địa bàn huyện có 98 làng nghề, trong đó có 39 làng nghề truyền thống, có một số làng nghề ven sông Nhuệ làm phát sinh chất thải rắn”. Huyện Phú Xuyên cũng đã tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các làng nghề ở 2 bên bờ sông Nhuệ, gây ảnh hưởng tới chất lượng nước.
Trong phần những kết quả đạt được có nội dung “Hiện nay trên đoạn sông Nhuệ chảy qua địa bàn huyện bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước có màu đen, mùi hôi thối, khó chịu; lượng chất thải rắn, bèo khá nhiều do chúng theo dòng chảy từ phía đầu nguồn chảy về”. UBND huyện Phú Xuyên kiến nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường cần kiểm tra, xử lý những cơ sở gây ô nhiễm ở phía đầu nguồn. Trả lời phóng viên về tình trạng ô nhiễm môi trường dòng sông Nhuệ chảy qua địa bàn huyện, ông Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Đình Chiêu nói: “Lưu vực sông Nhuệ bị ô nhiễm là do nước thải sinh hoạt xả từ đầu nguồn về, kéo theo nhiều chất thải rắn. Việc này huyện chúng tôi biết và có kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, nhưng bất lực vì nó là vấn đề của cấp thành phố và Trung ương”. Ông Chiêu còn đưa ra lý do, nước sông Hồng đổ vào sông Nhuệ bị ngăn lại, nên lưu lượng nước đầu nguồn sông Nhuệ giảm, lượng chất thải ứ đọng lại dòng sông, gây hôi thối.
Cần nguồn nước sạchUBND xã Văn Hoàng cho biết các gia đình hiện nay phải khoan giếng lấy nước sạch sử dụng, nhà nào có điều kiện thì mua máy lọc nước. Thông thường nửa năm mới thay củ lọc nước, nhưng thực tế hiện nay được hai tháng củ lọc nước đã đen quánh và phải thay mới hoặc tháo rửa sạch, giếng phải khoan sâu trên 40 m thì mới có nguồn nước trong. Ngày nắng nóng, dòng nước sông đen, bốc mùi hôi thối trong phạm vi một cây số… Nhu cầu nước sạch của nhân dân ở đây là rất bức thiết.
Theo ông Dương Văn Công, trạm trưởng Trạm y tế xã Văn Hoàng: “Chính quyền phải nhanh đầu tư xây dựng nhà máy nước, cung cấp nước sạch cho nhân dân sử dụng để giảm việc ảnh hưởng ô nhiễm từ dòng sông Nhuệ. Việc người dân bị ung thư ngày một tăng là đúng, dù chưa có đơn vị chuyên môn nào chứng minh nguyên nhân do dòng sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng. Đứng ở góc độ chuyên môn y tế, tôi thấy dòng nước sông bị ô nhiễm, mùi hôi thối thì dù ít dù nhiều là có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân”.
“Trước nhu cầu cần nguồn nước sạch của nhân dân, chính quyền xã Văn Hoàng đã kêu gọi con em quê hương thành đạt ủng hộ, giúp đỡ xây dựng nhà máy nước. Kết quả, có đơn vị đứng ra kêu gọi nguồn vốn giúp xã Văn Hoàng, nhưng phải chờ chính quyền huyện đồng ý mới triển khai xây dựng”, ông Dương Văn Sỳ cho biết.
Trao đổi về nội dung nhu cầu cấp thiết cần nước sạch của người dân xã Văn Hoàng, ông Nguyễn Đình Chiêu nói: “Huyện đã có quy hoạch xây dựng nhà máy nước để cung cấp nước sạch cho các xã dọc sông Nhuệ, không thể triển khai làm ở riêng một xã nào đấy. Khi nào mới xây dựng thì chưa biết được, vì phụ thuộc vào nguồn vốn”.