Tuy nhiên, những năm gần đây luồng lạch vào khu neo đậu đang bị người dân lấn chiếm để nuôi trồng thủy sản gây nhiều khó khăn cho tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão. Tình trạng này xảy ra đã lâu nhưng địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Khu neo đậu tránh trú vịnh Xuân Đài thuộc vũng Chào (xã Xuân Phương) có diện tích 60ha, gồm 90 trụ neo dưới nước, 5 trụ neo trên bờ, được tỉnh Phú Yên xây dựng năm 2011, đây là khu kín gió có thể tiếp nhận khoảng 1.000 tàu cá với công suất 500CV neo đậu an toàn trong mùa mưa bão.
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, từ khu vực cảng cá Dân Phước (phường Xuân Thành) nhiều đoạn trên luồng nước đã được phân định bằng phao và cờ hiệu đến khu neo đậu tránh trú bão vũng Chào bị người dân lấn chiếm để nuôi trồng thủy sản, đường vào khu neo đậu bị bó hẹp, một số khu vực bị mất hệ thống phao, cờ hiệu phân luồng khiến cho người lái tàu, thuyền không thể phân định được luồng lạch chính ra vào khu neo đậu, nhất là đối với tàu công suất lớn.
Theo Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu, mặc dù chính quyền địa phương liên tục kiểm tra nhắc nhở nhưng tình hình vi phạm luồng lạch vẫn không có dấu hiệu giảm. Ngoài các hộ dân tại địa phương tự ý lấn chiếm, thời gian gần đây nhiều hộ dân từ huyện Tuy An đã kéo các bè nổi nuôi tôm hùm, cá đến lấn chiếm luồng lạch khu neo đậu tránh trú bão vịnh Xuân Đài. Qua thống kê của chính quyền địa phương, hiện đang có trên 30 hộ dân có lồng bè nuôi trồng thủy sản lấn chiếm luồng lạch ra vào khu neo đậu. Tại thị xã Sông Cầu có xã Xuân Phương với 13 trường hợp, xã Xuân Đài có 10 trường hợp, Xuân Thịnh có 2 trường hợp. Bên cạnh đó là 6 trường hợp di dời lồng bè từ huyện Tuy An đến.
Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu đã thành lập Tổ liên ngành 916 để tuyên truyền, kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt các trường hợp vị phạm nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài.
Thiếu tá Dương Đức Tứ Hải, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Xuân Đài, Tổ trưởng Tổ liên ngành 916, cho biết, hiện nay việc kiểm tra xử lý vi phạm các lồng bè nuôi trồng thủy sản xâm lấn luồng lạch khu neo đậu gặp rất nhiều khó khăn, do một một số trường hợp không hợp tác chấp hành việc di dời lồng bè, không kê khai đúng tên, họ, cản trở việc xác định chủ lồng bè. Sau các đợt kiểm tra, vận động thực tế Tổ liên ngành đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu giao trách nhiệm cho hai địa phương phường Xuân Thành và xã Xuân Phương xác minh tên, họ, địa chỉ, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp không chấp hành di dời lồng bè vi phạm; rà soát bổ sung các phao nổi bị mất xác định lại luồng lạch từ cửa vịnh Xuân Đài đến khu neo đậu để thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh trú bão trong mùa mưa năm 2021.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Phú Yên, cho biết, khu neo đậu tránh trú bão vịnh Xuân Đài đang phát huy tốt vai trò là nơi tránh trú an toàn cho tàu, thuyền của ngư dân trong mùa mưa bão. Hàng trăm có hàng trăm lượt phương tiện ra vào khu neo đậu tránh trú. Trong cơn bão số 9, 10 và 12 năm 2020 lực lượng chức năng đã hướng dẫn cho gần 400 lượt tàu thuyền vào neo đậu bảo đảm an toàn. Để giải quyết tình trạng người dân tự ý lấn chiếm luồng lạch ra vào khu neo đậu, Ban Quản lý Cảng cá Phú Yên đang rà soát thả bổ sung hệ thống phao bị mất, xác định lại luồng lạch từ cửa vịnh Xuân Đài đến lạch chính vào khu neo đậu.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cảng cá sẽ phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu kiểm đếm, yêu cầu người dân di dời lồng bè ra khỏi luồng lạch khu neo đậu để đảm bảo luồng lạch thông thoáng đối với tàu thuyền ra vào khu neo đậu thuận lợi trong mùa mưa bão. Đồng thời, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân không tái lấn chiếm mặt nước luồng lạch khu neo đậu tránh trú bão vịnh Xuân Đài để nuôi thủy sản. Về lâu dài, Ban Quản lý Cảng cá Phú Yên đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đầu tư kinh phí để trang bị mới hệ thống phao tiêu, đèn hiệu cảnh báo bền vững hai bên luồng lạch trên toàn tuyến.
Tỉnh Phú Yên đang bước vào mùa mưa, bão, các cơ quan chức năng của tỉnh cần giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm luồng lạch ra, vào khu neo đậu để tàu thuyền ra vào tránh trú bão thuận lợi, an toàn trong mùa mưa, bão.