Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành; sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; các hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp có liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu rõ: Thời gian qua, hoạt động lấn biển đã và đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố có biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang và một số địa phương khác có chiều hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các quy định của pháp luật về lấn biển để điều chỉnh các quan hệ xã hội này, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Chính vì vậy, việc xây dựng Nghị định nêu trên là nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, tổ chức các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Đây cũng là nội dung cần thiết nhằm tranh thủ tối đa góp ý để nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, vừa bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng theo quy định của pháp luật, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của cuộc sống góp phần ghi nhận và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Tóm tắt nội dung dự thảo Nghị định quy định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ pháp chế Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết: Dự thảo Nghị định đã kế thừa và tiếp thu các quy định hợp lý, khoa học đã được kiểm nghiệm và chứng minh từ thực tế trong các văn bản quy phạm pháp luật đất đai cùng những quy định khác có liên quan.
Dự thảo Nghị định hiện gồm 4 chương và 81 điều, trong đó có những nội dung về căn cư ban hành; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và từ tổ chức, cá nhân Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, các nội dung của Nghị định này cần phải được xây dựng trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự thảo để đăng tải ý kiến tham gia góp ý của nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và trang thông tin điện tử của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Đề xuất, kiến nghị phạm vi điều chỉnh, những nội dung cơ bản cần quy định trong Nghị định về lấn biến, theo Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), hoạt động lấn biển có khả năng tác động đến điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự - an toàn xã hội nhưng còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh. Dự kiến, những nội dung chủ yếu cần quy định trong Nghị định bao gồm rất nhiều vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm, chưa có thực tiễn thực hiện. Do vậy, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động lấn biển và tình hình quản lý, đánh giá các văn bản quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động lấn biển; nghiên cứu thông tin, tư liệu, kinh nghiệm quốc tế, điều ước quốc tế có liên quan đến hoạt động lấn biển; xây dựng nội dung đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến góp ý, thẩm định; tổ chức soạn thảo Nghị định trình Chính phủ xem xét để ký ban hành trong năm 2021.
Tại hội thảo, đại điện các hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp có liên quan đã góp ý dự thảo Nghị định như: tên của Nghị định; bổ sung định nghĩa tài sản với gắn liền với khu vực biển nuôi trồng thủy sản; giải quyết phức tạp, phát sinh trong việc giao quyết định nuôi trồng thủy sản; bổ sung quyền nghĩa vụ giám sát của các cơ quan cá nhân… Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong Nghị định này nhằm thúc đẩy việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiến ra biển để nuôi trồng, đánh bắt hải sản trong các vùng biển xa bờ, nuôi biển sâu và làm giàu từ biển; góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các ý kiến góp ý cũng sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tổng hợp và hoàn chỉnh trước khi chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ ban hành theo đúng quy định của pháp luật.