Sau 2 năm công ty dừng hoạt động, 141 lao động vẫn chờ được trả lương, thưởng

Mặc dù đã ngừng hoạt động từ tháng 1/2017, nhưng đến nay, 141 người lao động của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ và đầu tư Trường Thành(thôn Tân Thành, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) vẫn chờ đợi để được thanh toán lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà công ty nợ của người lao động.

Các cấp Công đoàn cùng chính quyền tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc nhằm giúp đỡ người lao động. Tuy nhiên, đến nay, quyền lợi của họ vẫn chưa được giải quyết.

Chú thích ảnh
Tỉnh Bắc Giang làm việc về vấn đề nợ đọng bảo hiểm của Công ty Trường Thành ngày 10/4. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Với mục đích được gần nhà, tháng 6/2011 chị Lê Thị Kim Hải (sinh năm 1976, ở thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) đã xin nghỉ làm ở Công ty May Hàn Quốc tại thành phố Bắc Giang về làm việc tại Công ty Trường Thành. Trong suốt khoảng thời gian làm việc tại công ty, chị Hải tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đầu năm 2017, Công ty Trường Thành ngừng hoạt động, chị cùng mọi người mới biết Công ty còn nợ các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.

Chị Hải chia sẻ: Làm việc tại Công ty May Hàn Quốc, tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội 18 năm. Khi chuyển về Công ty Trường Thành, trong hợp đồng lao động, Công ty cam kết hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hàng tháng, Công ty vẫn trừ tiền lương của chị để đóng bảo hiểm, nhưng lại không đóng cho Bảo hiểm Xã hội. Giờ đây, do sổ bảo hiểm bị gián đoạn mất 3 năm không đóng, chị không chốt được sổ bảo hiểm, khiến chị muốn rút tiền một lần cũng không được mà tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cũng không được.

Tương tự, ra trường chị Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1990) cùng chồng xin vào Công ty Trường Thành làm việc. Sau khi ngừng hoạt động, Công ty Trường Thành vẫn nợ vợ chồng chị 3 tháng tiền lương, tiền thai sản, tiền bảo hiểm xã hội và 70 triệu đồng tiền đóng cổ phần. “Điều tôi mong muốn nhất hiện nay là Công ty Trường Thành đóng nốt số tiền mà Công ty nợ bảo hiểm xã hội, để chúng tôi tiếp tục được tham gia bảo hiểm xã hội". Chị Nhung cho biết.

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Bắc Giang Ngô Quyết Thắng, hiện nay, Công ty Trường Thành đang nợ bảo hiểm xã hội số tiền là hơn 2,8 tỷ đồng của 144 người lao động (bao gồm cả tiền lãi phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội); hơn 316 triệu đồng tiền lương, thưởng, tăng ca và 715 triệu đồng tiền đóng cổ phần của người lao động.

Trước sự việc trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cùng các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã phối hợp, thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động của công ty Trường Thành; chỉ đạo công đoàn ngành Công Thương phối hợp với công đoàn cơ sở khởi kiện Công ty Trường Thành ra tòa.

Ngày 3/8/2018 Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã có quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án giữa Công ty Trường Thành và người lao động với nội dung Công ty Trường Thành phải thanh toán số tiền hơn 2,5 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 141 người lao động (vì 3 người là lãnh đạo Công ty không có ủy quyền cho đại diện tập thể lao động Công ty Trường Thành). Ngày 17/8/2018 Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lạng Giang ban hành quyết định về việc thi hành án theo yêu cầu, buộc Công ty Trường Thành phải có trách nhiệm nộp đủ số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 141 người lao động.

Tuy nhiên, vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết, bởi Công ty Trường Thành vẫn đang nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Bắc Giang số tiền hơn 15,8 tỷ đồng (gồm hơn 13,1 tỷ đồng là nợ gốc và hơn 2,7 tỷ đồng tiền lãi). Trong khi đó, toàn bộ số tài sản của Công ty Trường Thành sau khi được bán đấu giá là hơn 14,8 tỷ đồng không đủ trả số tiền mà công ty đang nợ Ngân hàng BIDV Bắc Giang. Theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sẽ phải ưu tiên trả nợ cho tổ chức tín dụng. Như vậy, nếu thanh toán toàn bộ số nợ gốc và lãi cho ngân hàng BIDV Bắc Giang, doanh nghiệp sẽ không còn tiền để thanh toán các chế độ cho người lao động.

Liên quan đến vụ việc này, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Lan cho biết, theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, toàn bộ số tiền thu được khi bán đấu giá tài sản của Công ty Trường Thành phải thanh toán cho Ngân hàng. Tuy nhiên, việc thanh toán chế độ cho người lao động là quyền lợi chính đáng. Do đó, ngày 4/9/2018 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang có công văn gửi Ngân hàng BIDV Bắc Giang đề nghị ưu tiên thanh toán cho người lao động. Tuy nhiên, phía ngân hàng BIDV Bắc Giang có văn bản trả lời, nêu: không có cơ sở để BIDV Bắc Giang thực hiện việc ưu tiên thanh toán tiền bảo hiểm xã hội và tiền lương công nhân. Do đó, đến nay, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang chưa thanh toán cho các bên liên quan số tiền bán đấu giá tài sản của Công ty Trường Thành.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, Công ty Trường Thành mới nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đến hết tháng 2/2014. Đến đầu năm 2017, công ty ngừng hoạt động với số tiền nợ bảo hiểm là trên 2,8 tỷ đồng. Về việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm trong sổ, đề nghị người lao động của Công ty liên hệ với Bảo hiểm Xã hội huyện Lạng Giang để được xác nhận sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm đã đóng là hết tháng 2/2014. Thời gian sau tháng 2/2014 khi thu hồi được số tiền công ty còn nợ, cơ quan bảo hiểm sẽ xác nhận bổ sung trên sổ cho người lao động.

Nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, ngày 18/9/2018 UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp và Ngân hàng BIDV Việt Nam, đề nghị Ngân hàng BIDV Việt Nam tạo điều kiện cho phép Ngân hàng BIDV Bắc Giang không thu tiền lãi đối với khoản vay của Công ty Trường Thành (khoảng hơn 2,7 tỷ đồng) để có một phần kinh phí chi trả chế độ cho người lao động. Tuy nhiên, phía Ngân hàng chưa có văn bản trả lời lại.

Trước sự việc đó, ngày 10/4/2019, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp); Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Ngân hàng BIDV Việt Nam và các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết các chế độ với người lao động của Công ty Trường Thành.

Tại đây, đại diện Ngân hàng BIDV Việt Nam cho biết, đơn vị chia sẻ khó khăn với người lao động nhưng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sẽ phải ưu tiên trả nợ cho tổ chức tín dụng. Do đó, không có cơ chế nào để ngân hàng không thu tiền lãi và tiền nợ gốc của doanh nghiệp, đồng thời cũng không thể hỗ trợ người lao động theo nguồn an sinh mà ngân hàng đang thực hiện vì người lao động không nằm trong nhóm đối tượng được trợ giúp theo quy định mà BIDV đang áp dụng.

Đại diện Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, chưa có cơ chế nào để đơn vị không thu số tiền mà Công ty Trường Thành đang nợ bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng không có thẩm quyền để khoanh nợ đối với trường hợp này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề nghị, với số tiền mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã thu được sau khi tiến hành bán đấu giá tài sản của Công ty Trường Thành là 14,8 tỷ đồng sẽ ưu tiên trả nợ gốc của Ngân hàng BIDV (hơn 13 tỷ đồng). Số tiền còn lại ưu tiên thanh toán khoản nợ lương, thưởng, phép của công nhân là 316 triệu đồng. Tiếp đó, ưu tiên trả nợ gốc của Bảo hiểm Xã hội là hơn 2,3 tỷ để chốt sổ bảo hiểm cho người lao động.

Phần còn thiếu của bảo hiểm xã hội, tỉnh Bắc Giang sẽ có văn bản đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khoanh nợ gốc và lãi. Phần lãi của ngân hàng đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục bán đấu giá tài sản đảm bảo của bên thứ 3 để thanh toán cho Ngân hàng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn lãnh đạo Ngân hàng BIDV, các cơ quan liên quan đồng thuận, từng bước giải quyết vụ việc này.

Thúy Phương (TTXVN)
Gần 3.000 công nhân Công ty TNHH Việt Pan Pacific, Bắc Giang đi làm trở lại
Gần 3.000 công nhân Công ty TNHH Việt Pan Pacific, Bắc Giang đi làm trở lại

Theo đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Bắc Giang, sau 5 ngày ngừng việc tập thể, sáng 12/4, gần 3.000 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Pan Pacific (Bắc Giang) đã đi làm trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN