Bên cạnh đó, bộ tiếp tục rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách làm cơ sở hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng và khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng và tăng cường quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý. Đồng thời, Bộ Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bố trí sử dụng, xử lý tài sản dôi dư theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp lại của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định…
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 249 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương. Đồng thời, theo số liệu báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, hội đặc thù và các địa phương, tổng số cơ sở nhà, đất (bao gồm cả nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%) thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý theo quy định đến hết tháng 5/2024 là 262.438 cơ sở nhà, đất. Đến nay, 199.293 cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và 63.401 cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc theo dõi, hạch toán tài sản công theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thông tư hướng dẫn; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với quản lý, sử dụng tài sản công; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công…
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính việc quản lý tài sản công hiện vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như hệ thống pháp luật điều chỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là việc khai thác các tài sản công chuyên ngành còn chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đặc biệ, cơ chế phân cấp quản lý tài sản công còn bất cập, dồn nhiều lên cơ quan cấp trên, việc sắp xếp lại nhà, đất, xe ô tô còn chậm cả ở khâu phê duyệt và tổ chức thực hiện; vi phạm trong quản lý, mua sắm, xử lý tài sản công còn diễn ra…