Rét hại bao phủ, Lào Cai chủ động phòng, chống cho cây trồng, vật nuôi

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, đêm về sáng ngày 14/11, do gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng đạt ngưỡng cực đại kéo theo nhiệt độ các khu vực trong tỉnh đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất. Người dân trên các địa bàn vùng cao của Lào Cai đang tích cực triển khai biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Chú thích ảnh
Rét hại bao phủ, Lào Cai chủ động phòng, chống cho cây trồng, vật nuôi. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Lúc 7 giờ 14/11, các Trạm khí tượng trong khu vực quan trắc được nhiệt độ thấp nhất ở một số nơi như sau: Thành phố Lào Cai giảm xuống còn 18,4 độ C; thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) 17,7 độ C. Vùng núi Bắc Hà rét đậm 13,8 độ C; thị xã Sa Pa thấp nhất với 11,7 độ C. Đặc biệt, tại Sa Pa tiết trời còn có mưa nhỏ và sương mù giăng kín trời nên càng làm tăng thêm mức độ lạnh rét. 

Đây là mức giảm nhiệt thấp nhất ghi nhận được ở Lào Cai trong đợt lạnh rét này, cũng là mức cực tiểu tính từ đầu tháng 10 đến nay. Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, ngày và đêm 14/11, không khí lạnh ảnh hưởng đến Lào Cai có cường độ ổn định. Theo đó, nền nhiệt các khu vực trong tỉnh ít biến đổi, thời tiết vùng thấp trời rét nhẹ, vùng núi rét sâu hơn, vùng núi cao rét đậm, có nơi rét hại bao phủ trên diện rộng.
                                                                            
Khi thời tiết chuyển rét cũng là lúc các hộ chăn nuôi trên địa bàn, nhất là tại các địa phương vùng cao Lào Cai khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bởi nếu không làm tốt khâu phòng, chống sẽ gây thiệt hại tới sản xuất và chăn nuôi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương, sau khi thu hoạch vụ mùa, phần lớn hộ dân ở Sa Pa, Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát... đã chủ động thu gom, phơi khô rơm và cất trữ cẩn thận để làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông; đồng thời, mua bạt quây kín chuồng nuôi gia súc, tránh gió lùa và nước mưa hắt vào.

Với rau, màu, ngành nông nghiệp khuyến cáo, khi xuất hiện sương muối, người dân cần dùng các biện pháp che chắn, tưới nước trên mặt lá làm tan sương, bón bổ sung phân kali, phân lân, phân hữu cơ hoai mục, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học để tăng cường khả năng chống rét cho cây trồng.

Đối với vật nuôi, người dân thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo, gieo ngô dày, tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng cách ủ chua, ủ men vi sinh. Lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi con trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên; sửa chữa, làm mới chuồng trại, dự phòng các loại vật liệu để che chắn chuồng (bạt, tấm nylon lớn…).

Hương Thu (TTXVN)
Mưa lớn gây ngập cục bộ, sạt lở chia cắt nhiều tuyến đường tại Quảng Ngãi
Mưa lớn gây ngập cục bộ, sạt lở chia cắt nhiều tuyến đường tại Quảng Ngãi

Mưa lớn kéo dài từ tối 13 đến trưa 14/11 đã gây ngập úng, sạt lở núi chia cắt cục bộ nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN