Quyết liệt ngăn chặn dịch cúm gia cầm tại tuyến biên giới

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, các địa phương trong cả nước đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các tỉnh có biên giới.

Tại huyện Hải Hà và thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), 2 địa phương giáp ranh với Trung Quốc cũng đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch cúm A/H7N9 và các dịch cúm gia cầm khác phát sinh, lây lan.


Có mặt tại Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái ngày 1/3, thông thường bộ phận kiểm dịch y tế ở hai bên cửa xuất nhập cảnh sẽ ở vị trí thứ 3, sau các đơn vị biên phòng, hải quan. Nhưng vào thời điểm này, bộ phận theo dõi máy đo thân nhiệt thuộc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh tại cửa khẩu đã được ưu tiên đưa lên vị trí hàng đầu để kiểm tra thân nhiệt, sớm phát hiện những người có thân nhiệt cao, có biểu hiện nghi mắc cúm A/H7N9 và những loại bệnh phải kiểm dịch khác.

Kiểm dịch viên ý tế tại cửa khẩu Móng Cái đang vận hành máy kiểm soát thân nhiệt. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Ông Hoàng Ngọc Lương, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế - Quảng Ninh cho biết, Trung tâm đã đưa máy đo thân nhiệt lên vị trí hàng đầu để phát hiện sớm và sàng lọc sớm những đối tượng nghi có dấu hiệu mắc bệnh để tư vấn, cách ly, hạn chế thấp nhất tình hình lây nhiễm của dịch bệnh; bố trí đủ lực lượng, phương tiện cho công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh.


Cùng với đó, đội kiểm dịch y tế quốc tế tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái còn phối hợp với Cục kiểm nghiệm, kiểm dịch xuất nhập cảnh Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) để kịp thời trao đổi thông tin về dịch bệnh để hạn chế thấp nhất dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.


Trung tâm đã thực hiện khai báo y tế, sàng lọc với những trường hợp đến từ vùng dịch cũng như tư vấn, khám cho những người có biểu hiện không tốt về sức khoẻ… Tính đến thời điểm này, chưa ghi nhận có trường hợp nào nghi ngờ mắc cúm A/H7N9 trên gia cầm cũng như trên người và các loại dịch bệnh khác tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái.


Ngoài ra, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh cũng đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh.


Trung tá Lê Văn Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, trước tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đơn vị đã chỉ đạo toàn bộ các trạm phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ người và hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu, giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đi về từ vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly và xử lý kịp thời.


Trung tâm dịch vụ kỹ thuật huyện Hải Hà đã cấp 870 lít hóa chất cho các xã, thị trấn phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, các ổ dịch cũ và những nơi có nguy cơ cao; tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đạt 28.826/160.000 liều. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của huyện đã kiểm soát được hơn 3.700 con gia cầm giết mổ tại các chợ trên địa bàn.


Còn tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, nơi hàng ngày trên dưới 1.000 lượt người Trung Quốc xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khấu nên nguy cơ xuất hiện dịch bệnh là rất cao. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Tổ kiểm dịch y tế Bắc Phong Sinh đã triển khai đưa máy đo thân nhiệt lên vị trí hàng đầu, chủ động trang thiết bị, vật tư y tế để phòng chống dịch bệnh, xử kịp thời, ngăn ngừa sự lây lan.


Bên cạnh tăng cường kiểm dịch y tế, lực lượng Bộ đội biên phòng cũng đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các điểm đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, các điểm thông quan, kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu. Mới đây nhất, vào ngày 28/2, tại bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức (Hải Hà), tổ công tác của Đồn Biên phòng Quảng Đức phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh đã phát hiện đối tượng Bế Văn Quý vận chuyển 12.000 con gà giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.


Theo thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quảng Đức, đơn vị đã quán triệt tới toàn bộ cán bộ, chiến sỹ thuộc các trạm tăng cường tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới cũng như trên biển, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa tại khu vực cửa khẩu.


Tại tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để triển khai có hiệu quả phòng chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút xâm nhiễm qua biên giới vào địa bàn tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9. Đồng thời, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, phân công thành viên thường xuyên đi cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong công tác phòng chống dịch.

Tất cả du khách nhập cảnh qua Cửa khẩu đều được tiến hành đo thân nhiệt tự động. Ảnh: Minh Tâm/TTXVN

Tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Khoa kiểm dịch y tế biên giới duy trì thường xuyên cán bộ y, bác sỹ trực thực hiện công tác giám sát và nắm bắt tình hình dịch bệnh. Toàn bộ du khách nhập cảnh qua Cửa khẩu được tiến hành đo thân nhiệt. Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh sẽ được đưa vào phòng cách ly để thực hiện xét nghiệm y tế khác.


Các phương tiện nhập cảnh đều phải đi qua máy phun khử độc tự động để phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Giang cũng cử một đội ngũ y, bác sỹ gồm đội cấp cứu và đội phòng chống dịch cơ động và các trang thiết bị y tế cần thiết để sẵn sàng xử lý dịch bệnh tại địa bàn Cửa khẩu.


Là tỉnh vùng cao biên giới, Hà Giang có trên 19 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại, sự nguy hiểm của vi rút cúm gia cầm; khuyến khích người dân khai báo khi phát hiện có gia cầm ốm chết bất thường, thực hiện tốt chương trình “5 không” trong chăn nuôi gia cầm.


Ông Hoàng Xuân Tư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Giang cho biết: Trước những diễn biễn phức tạp của dịch cúm A/H7N9, Chi cục Thú y đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia cầm, nhất là những khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch. Trang thiết bị dụng cụ, hóa chất để cung ứng cho các địa phương được chuẩn bị đầy đủ.


Chi cục Thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương triển khai biện pháp phòng chống dịch. Đội ngũ cán bộ cơ sở được tập huấn trong việc lấy mẫu giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm trên địa bàn, hạn chế thấp nhất không để dịch cúm xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang.


Tại các huyện biên giới của tỉnh như: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần và huyện Vị Xuyên, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường cán bộ, chiến sỹ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt các cửa khẩu, dọc tuyến biên giới.


Tại các đường mòn, lối mở các lực lượng chức năng thành lập lán chốt để kiểm soát buôn lậu gia cầm; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tính đến thời điểm này tại Hà Giang đàn gia cầm của địa phương vẫn an toàn.


Là tỉnh biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc dài 274 km. Chính vì vậy, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới phức tạp, khó kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, khu vực chợ biên giới, các đường mòn, lối mở.


Hơn nữa, thời gian gần đây hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy rất sôi động; tập quán, phương thức chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang còn nhỏ lẻ, chăn thả tự do… nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm rất cao.


Trước tình hình cúm gia cầm A/H7N9 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc cùng với một số ổ dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại các địa phương trong nước, đến thời điểm này tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm trên địa bàn nhưng các ngành chức năng ở tỉnh Bình Dương đã chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa.


Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Bình Dương, nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt I năm 2017, kéo dài cuối tháng 2 đến ngày 27/3/2017.


Theo đó, những cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh phải thực hiện phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi; tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận định kỳ mỗi tuần một lần; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn… trước khi ra vào cơ sở. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trước khi nhập và sau khi động vật được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt gia cầm, nơi giết mổ phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng…


Theo một cán bộ Trạm Thú y thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), mối lo dịch bệnh vẫn chỉ ở đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ ở mỗi hộ dân. Vì vậy, ở những đợt tiêm vacxin phòng cúm do đơn vị tổ chức đều ưu tiên dành cho đối tượng này. Các hộ dân nuôi gia cầm quy mô nhỏ vài chục con được vận động và tiêm vacxin miễn phí cho đàn gia cầm nhằm phòng vệ khả năng lây nhiễm cúm. Thời gian đầu mới tổ chức tiêm vacxin còn gặp nhiều khó khăn nhưng nay ý thức phòng bệnh của người dân đã được nâng lên.


Nhiều hộ chủ động liên hệ với cán bộ thú y cơ sở để được tư vấn phòng tránh bệnh từ đàn gia cầm. Bên cạnh đó, để góp phần hạn chế nguy cơ lây lan, bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 ngành thú y tỉnh Bình Dương yêu cầu các chốt kiểm dịch kiểm soát chặt chẽ trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa phương, tăng cường kiểm dịch và kiên quyết xử lý những trường hợp vận chuyển không theo quy định.

Nguyễn Hoàng - Minh Tâm - Hải Âu (TTXVN)
Tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người
Tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Trước thực trạng dịch cúm A (H5N1) xảy ra thời gian qua và có nhiều khả năng lây lan trên diện rộng, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp phòng, chống dịch cúm trên gia cầm, cũng như phòng, chống dịch cúm lây sang người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN