Nước sông ở huyện Ba Chẽ dâng cao làm ngập nhiều nhà dân. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN |
Ông Đỗ Ngọc Nam, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Ba Chẽ, Quảng Ninh cho biết: Nước sông lên cao khiến hai tuyến đường chính vào huyện Ba Chẽ là đường 330 A và 330 B hiện bị ngập lụt cục bộ khiến giao thông giữa huyện với các địa phương khác bị gián đoạn.
Tính đến 19 giờ 30 phút, Ba Chẽ vẫn bị cô lập hoàn toàn. Theo ông Nam, nước rút rất chậm, phải mất nhiều giờ đồng hồ nữa nước mới có thể rút hết, khi đó giao thông sẽ được thông. Hiện nay, nước sông Ba Chẽ đang dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập lụt cục bộ. Trước đó, từ 11 giờ ngày 19/8, lũ trên sông Ba Chẽ đã có dấu hiệu dâng cao.
Trước tình hình này, lực lượng chức năng và lực lượng vũ trang huyện Ba Chẽ đã khẩn trương di dời toàn bộ tài sản, hàng hoá của 95 hộ tiểu thương tại Chợ Trung tâm Ba Chẽ và 126 hộ dân trên địa bàn thị trấn có nguy cơ ngập lụt về nơi tránh trú an toàn.
Lực lượng chức năng huyện Bà Chẽ huy động xuồng chở người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN |
Chiều 19/8, UBND tỉnh ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về chủ động biện pháp phòng chống mưa to gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh do hoàn lưu sau bão số 3. Công điện nêu rõ, tính đến thời điểm 17 giờ, ngày 19/8, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ nay đến hết ngày 20/8 tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tổng lượng mưa cả đợt từ đêm 19/8 đến hết ngày 20/8 ở vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 250 mm. Dự báo toàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, mực nước các sông suối trong tỉnh sẽ xuất hiện lũ.
Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ do hoàn lưu sau bão số 3 gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương, các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện khẩn trương một số nhiệm vụ sau: Theo dõi thường xuyên chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, đến tận tổ dân, khu phố và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, thấp.
Các địa phương chủ động có phương án đề phòng, sẵn sàng di dời và thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn khi mưa, lũ lớn, sạt lở đất đá xảy ra; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, các hồ đập; đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở.
Thực hiện nghiêm việc tổ chức kiểm soát, cử người trực, canh gác 24/24h thường xuyên và có biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập, đò ngang, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi có mưa, lũ xuất hiện. Chủ tịch UBND các địa phương, đặc biệt là tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, chỉ đạo cụ thể Chủ tịch UBND các xã, phường kiểm tra cụ thể từng thôn, bản, khu phố, tổ dân, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá, khu vực ven sông, suối có nguy cơ lũ ống, lũ quét; kiểm tra, rà soát cụ thể các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét; thông báo cho nhân dân biết để chủ động sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết chỉ đạo, đôn đốc các hộ dân phải sơ tán về nơi an toàn, trên nguyên tắc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.