Mưa lớn gây ngập trên phố Thái Hà. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Trước những diễn biến của cơn bão số 3 trên địa bàn Hà Nội, ngay trong chiều 19/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng thành phố để nắm bắt tình hình và triển khai nhiệm vụ kịp thời chủ động phòng chống bão hiệu quả.
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố cho biết, bão số 3 gây mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-150mm, gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 trên địa bàn Hà Nội. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau trận mưa đêm 18/8 và tính đến đầu giờ chiều 19/8, trên toàn thành phố đã có 100 cây xanh trên địa bàn bị đổ, 5 xe ô tô bị cây đè.
Tại một số quận, huyện như Tây Hồ, Gia Lâm, Chương Mỹ… xảy ra tình trạng mất điện, đến 13 giờ chiều 19/8, sự cố này đã được khắc phục xong. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, bão số 3 đã làm 11 nhà ở bị tốc mái và nhiều ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng: 8 nhà ở huyện Gia Lâm, 3 nhà ở quận Long Biên, 2 nhà ở quận Hai Bà Trưng.
Để ứng phó với cơn bão số 3, UBND thành phố Hà Nội đã khẩn trương yêu cầu UBND quận Đống Đa tổ chức di dời ngay các hộ dân đang sinh sống tại số nhà 177, 179, 181, 183 ngõ Thổ Quan 1, phường Ô Chợ Dừa (là các nhà thuộc diện nhà nguy hiểm) ra khỏi nhà nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Đống Đa bố trí nhà tạm cư để các hộ dân ổn định nơi ở trong mùa mưa bão; hướng dẫn UBND quận tổ chức lập phương án phá dỡ các nhà nguy hiểm nêu trên, đảm bảo an toàn cho người và các công trình liên quan.
Cây đổ trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đang vận hành 152 trạm bơm tiêu với 668 máy bơm các loại, tổng lưu lượng bơm tiêu khoảng hơn 1 triệu m3/giờ để chống úng ngập. Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, do mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Nhuệ tại Trạm bơm Đồng Bông I và Thanh Liệt dâng cao, khiến việc tiêu thoát nước từ nội thành gặp khó khăn. Với một số khu vực bị ngập như Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng (trước công ty Cầu 7), Tân Triều, Ngọc Hồi, Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Lộc, Minh Khai - Mạc Thị Bưởi, Hoàng Mai... Công ty đã huy động hơn 2.000 cán bộ, nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới để phục vụ giải thoát nước tại các vị trí được phân công.
Trước công tác phòng chống bão số 3 của thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ để đảm bảo công tác chống bão diễn ra hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương thực hiện công tác kiểm tra, rà soát nhà cũ, nhà yếu một lần nữa để không xảy ra các tình huống nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình phải tăng cường công tác thông tin, cập nhật nhanh chóng, kịp thời diễn biến bão lụt để người dân biết và có sự chuẩn bị. Đồng thời, thành phố cần quyết liệt xử lý vấn đề ngập úng nhằm đảm bảo lưu thông trên các tuyến đường.
Cảnh báo của Công ty Thoát nước số 7 tại phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã nêu 8 vấn đề cần thực hiện triển khai ngay trong công tác ứng phó với cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả khi cơn bão đi qua. Cụ thể, Chủ tịch yêu cầu các đơn vị thường trực công tác phòng chống bão lụt phải ứng trực 100% quân số, trong đó có các đơn vị thoát nước, công viên cây xanh. Các thiệt hại do cơn bão gây ra cần được thống kê ngay và báo cáo về một đầu mối là Văn phòng UBND thành phố để tổng hợp, báo cáo, xử lý. Huy động 100% lực lượng, máy móc, đặc biệt là đối với vấn đề cây xanh, do nền đất yếu, mưa ngấm rễ chùm bị xâm hại nên cần phải ưu tiên các biện pháp đề phòng, giải tỏa khi dự báo nguy hiểm.
Chính sự vào cuộc chủ động và quyết liệt, cộng với các quyết sách kịp thời của chính quyền Hà Nội, trong đó có quyết định cho học sinh nghỉ học chiều 19/8 nên khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đổ vào, Hà Nội đã không còn cảnh chen lẫn tắc đường, dầm mình đón trẻ em đi học về. Những thiệt hại vì thế đã giảm nhẹ đi rất nhiều.