Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra dự án cầu sông Chanh trong buổi chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Quảng Ninh ngày 19/8. Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN |
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17 giờ ngày 19/8, bão số 3 không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm 11 nhà bị sập, 6 nhà bị tốc mái, 22 cột điện và cột viễn thông bị đổ hoặc bị nghiêng, 1 trạm biến áp bị đổ khiến nhiều nơi bị mất điện cục bộ. Bão số 3 làm sạt lở gần 200 m kênh mương, ngập lụt hơn 50 ha lúa và hoa màu, hàng ngàn cây xanh bị đổ gẫy.
Trước và trong bão số 3, Quảng Ninh đã phải tổ chức di dời gần 2.000 hộ dân với hơn 4.700 nhân khẩu trên địa tỉnh, trong đó huyện Hải Hà di dời tới hơn 1.000 hộ.
Hiện nay, các huyện miền Đông của tỉnh như: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… đã xuất hiện lũ trên các sông suối, các ngầm tràn đều bị ngập nước. Chính quyền địa phương đã bố người canh gác và chắn barie cấm người và các phương tiện lưu thông qua ngầm, suối.
Dự kiến, đêm nay và ngày mai (20/8), toàn tỉnh Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lũ quét trên các sông suối, ngập úng ở vùng trũng và nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Hồi 11 giờ ngày 19/8, mực nước tại trạm Bình Liêu - sông Tiên Yên đo được ở mức 79,32m, lũ nhỏ dưới mức lũ vừa 68 cm. Do mưa còn tiếp tục xảy ra, dự báo trong 1 đến 2 giờ tới, mực nước tại trạm Bình Liêu - sông Tiên Yên, có thể đạt mức 8015cm (80,15 m), thuộc loại lũ vừa và còn tiếp tục lên. Hiện các địa phương vẫn tiếp tục thống kê thiệt hại về tài sản trong bão số 3.
* Nhiều tuyến đê Hải Dương sạt lở do ảnh hưởng của bão số 3
Do ảnh hưởng của hoàn lưu Áp thấp nhiệt đới và bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa trung bình là 144,5mm, một số nơi có lượng lớn hơn là Bình Giang: 180 mm; Kim Thành 163,4mm; Ninh Giang 162 mm. Gió mạnh nhất đo được tại các trạm khí tượng cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Mưa lớn tại thành phố Hải Dương, một số tuyến phố bị ngập cục bộ như: Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Quán Thánh ngập từ 0,3 – 0,5 m. Mưa lớn, gió mạnh đã làm một số cây bóng mát, cây ăn quả bị gẫy, đổ, làm ngập cục bộ diện tích lúa mùa, cây rau màu vụ hè thu nhưng do chủ động bơm gạn tháo nên đã tránh được nhiều thiệt hại.
Mưa, lũ đã gây ra nhiều sự cố tại các công trình đê điều như: Trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy, huyện Nam Sách xuất hiện một số cung sạt, cụ thể: Từ vị trí từ K16+070 đến K16+074 đê hữu sông Kinh Thầy xuất hiện hiện tượng xói mái đê phía sông: Chiều rộng hố xói (theo đê) 4 m; chiều dài hố xói (theo mái đê) 3.9 m, sâu 1.35 m.
Hố xói sâu vào mặt đê 0.3 m (mặt đê đã được bê tông rộng 6 m). Mái đê phía sông 2/1. Từ vị trí từ K9+977 đến K10+024 đê hữu Kinh Thầy xuất hiện cung sạt dài 47m, lấn sâu vào bãi 1.5 - 2 m, tụt sâu 1.9 - 2.3 m. Vị trí gần nhất cách chân đê 30m. Từ vị trí từ K10+040 – K10+088 đê hữu Kinh Thầy xuất hiện cung sạt dài 48 m, lấn sâu vào bãi 1.5 - 2 m, tụt sâu 1.9 - 2.3 m. Vị trí gần nhất cách chân đê 35 m.
Để ứng phó với bão số 3, hơn 200 mét kè Quy Phú, đê hữu sông Hồng, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã được gia cố. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN |
Trên tuyến đê tả sông Kinh Thầy, thị xã Chí Linh xuất hiện một số cung sạt, cụ thể: Từ vị trí từ K1+650 đến K1+656 đê tả Kinh Thầy xuất hiện hiện tượng sạt lở bãi sông lấn sâu vào bãi từ 07, - 2 m, chiều dài cung sạt 6 m, cung sạt tụt thẳng đứng, cách chân đê 30 m.
Từ vị trí K1+712 đến K1+758 đê tả Kinh Thầy đã có diễn biến sạt lở và đang phát triển tiếp. Hiện nay cung sạt dài 38 m lấn sâu vào bãi từ 2-2,5m, cách chân đê 16m, cung sạt tụt sâu 2,5m, vách đứng. Mặt bãi có nhiều vết nứt, tiếp tục có diễn biến sạt lở mạnh lấn sâu vào hàng tre chắn sóng, (sáng ngày 19/8 cung sạt tiếp tục sạt sâu vào bãi 0.8 m).
Từ vị trí K1+762 đến K1+778 Cung sạt dài 16m, lấn sâu vào bãi 2.5 m, tụt sâu 1 - 2 m. Vị trí gần nhất cách chân đê phía sông 21.5 m. Từ vị trí K1+782 đến K1+794 Cung sạt dài 12 m, lấn sâu vào bãi 2.0 m, tụt sâu 1 - 2 m. Vị trí gần nhất cách chân đê phía sông 22 m.
Trên tuyến đê hữu sông Kinh Thầy, huyện Kinh Môn xuất hiện cung sạt mái đê phía đồng, cụ thể: Từ vị trí K41+381 đến K41+387 Sạt mái đê phía đồng dài 6 m, sâu 1 m, lấn vào mặt đê 1 m, nguyên nhân do ao sát chân đê do mưa bão dâng cao làm đất bão hòa nước, mái phía đồng thẳng đứng nên gây sạt.
Trên tuyến đê tả Lạch Tray, huyện Kim Thành xuất hiện cung sạt mái đê phía sông, cụ thể: Từ vị trí K4+970, đỉnh cống Đầm Tôm, Sạt mái đê phia sông (đỉnh cống) dài 4 m, sâu 1,2 m lấn sâu vào mặt đê 0,4 m. Nguyên nhân mang cống và phần đất đắp mái đê dốc đứng, do mưa kéo dài làm bão hòa nước dẫn đến sạt lở.
Trên tuyến đê tả sông Luộc, huyện Tứ Kỳ khu vực trước cửa Âu Thuyền cống An Thổ (cửa cống An Thổ) tiếp tục bị sạt lở, cụ thể: Từ vị trí K47+639 đến K47+729 đê tả sông Luộc, chiều dài cung sạt trên 25m, tiếp tục sạt vào chân đê, hiện tại điểm sạt gần nhất cách chân đê 2 – 3 m. Sự cố sạt bờ vùng sông Đông Mai tại vị trí Đồng Ngoài, chiều dài cung sạt từ 25 – 30 m, sạt sâu vào sát chân vùng từ 1,5 – 2 m.
Do mưa và gió lớn đã khiến một số trạm bơm ở các huyện Kim Thành, Ninh Giang, Kinh Môn, Thanh Hà, Gia Lộc gặp sự cố.
Hiện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đang tổ chức kiểm tra và khẩn trương khắc phục các sự cố; đồng thời phân công lực lượng ứng trực 24/24 với phương châm 4 tại chỗ để kịp thời xử lý các điểm xung yếu trên các tuyến đê.
Để tập trung khắc phục nhanh các hậu quả do bão gây ra và chủ động đối phó với diễn biến mưa, lũ có thể xảy ra tiếp theo, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương chỉ đạo ngành điện khẩn trương khắc phục các sự cố về điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng.
Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp bị úng ngập thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, bơm tiêu úng để cứu lúa, hoa màu. Một số địa bàn trọng điểm như Chí Linh, Kinh Môn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã lập phương án, sẵn sàng di chuyển người dân đến nơi an toàn để tránh lũ quét và sạt lở đất…
* Đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong bão số 3
Bộ Y tế vừa có Công điện số 834/ CĐ- BYT yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Bộ Y tế, đơn vị trực thuộc Bộ khu vực miền Bắc, miền Trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3; chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão.
Các đơn vị triển khai các phương án chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó, phát huy phương châm bốn tại chỗ, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại sức khỏe và tính mạng về người và tài sản do mưa, bão gây ra.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão số 3; sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão...; đồng thời tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra.
Các đội cấp cứu cơ động tổ chức trực ban luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh; chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân gặp sang chấn tâm lý sau mưa, bão.
Các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra; xây dựng kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng.
Các đơn vụ phối hợp các sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, phương pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão. Khi có lệnh của cấp có thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực chưa tổ chức di dời được phải sẵn sàng có hình thức phòng tránh an toàn cho người và tài sản.
Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão tổ chức trực ban, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Đồng thời chỉ đạo các Bệnh viện trực thuộc Bộ tổ chức các đội cấp cứu ứng trực, sẵn sàng cơ động chi viện khi có lệnh; trực tiếp đi kiểm tra tại một số điểm nhằm nâng cao tính sẵn sàng của các đơn vị.
Cục Y tế Dự phòng chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, vệ sinh phòng, chống dịch tại các địa phương; chủ động dự trữ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh; kịp thời hỗ trợ, chi viện các địa phương khi cần thiết; cần tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng các khuyến cáo hướng dẫn về công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.