Tại hai xã Ea Trol và Ea-Bia của huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đang rộ lên tình trạng thuê đất của đồng bào dân tộc thiểu số để đào bới tìm vàng sa khoáng.
Từ thị trấn Hai Riêng đi qua địa bàn hai xã trên chỉ một đoạn đường khoảng 5 cây số nhưng có đến 4 điểm khai thác vàng tự phát. Mỗi điểm có ít nhất 10 người dựng lán trại tạm bợ và họ vô tư đào đất tìm đá mà theo họ bên trong có vàng. Quan sát cho thấy công đoạn khai thác khá đơn giản, chỉ cần đào lớp đất mặt sâu khoảng 30 cm đến 40 cm là xuất hiện lớp đá trắng; sau đó họ dùng cuốc hoặc xà beng nạy lên rồi đập vỡ bỏ vào bao đem về xay, đãi vàng.
Một người đang khai thác là anh Trần Nhật Quang ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng cho biết: “Khu đất rộng khoảng 3.000 mét vuông này là của một người dân tộc thiểu số ở buôn Dành (xã Ea Bia) vừa mới thu hoạch sắn xong, tôi thuê lại với giá 7 triệu đồng và được quyền “sử dụng” trong thời gian 3 tháng. Hôm nay là ngày đầu tiên, tôi và 5 người khác mới đào được 20 bao đá, trọng lượng khoảng 1 tấn, không biết trữ lượng bao nhiêu, nhưng hy vọng sẽ có vàng vì gần khu vực này trước kia đã có người làm”.
Tại một điểm khác cách trung tâm xã Ea Trol khoảng 2 cây số là một triền đất có độ dốc rộng chừng 2 hecta thuộc địa bàn buôn Ly. Nhìn từ xa trông khá đẹp và tương đối bằng phẳng, nhưng khi đến gần thì đất đá, hầm hố ngổn ngang và tại đây hàng chục người đang đào đất tìm đá đãi vàng. Anh Hồ Văn Vọng ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng cho biết: “Toàn bộ diện tích đất này đã được mọi người thuê lại của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ 4 tháng nay và được quyền khai thác đến đầu năm 2012. Vì diện tích rộng nên mỗi người phải góp từ 500 nghìn đồng mới thuê được. Riêng gia đình tôi bỏ ra 6 triệu đồng thuê một khoảnh nhỏ để tìm vàng”.
Theo một số người đãi vàng cho biết thì mỗi ngày một người đào 2 bao đá với trọng lượng khoảng 100 kg, nếu may mắn thì sau khi đãi có thể kiếm được 300 nghìn đến 400 nghìn đồng. Trường hợp nếu gặp loại đá màu hồng, chân chì thì chắc chắn có vàng…
Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trol, ông Nay Y Bình thừa nhận vào cuối thập niên 80, đã có một số người đào đất sản xuất để tìm vàng nhưng sau đó dừng hẳn, nhưng nay tình trạng này xuất hiện trở lại. Mặc dù chính quyền địa phương đã đến tận nhà vận động bà con dân tộc thiểu số không nên cho thuê đất để tăng gia sản xuất nhưng chưa đạt kết quả bao nhiêu, vì nhiều người thấy lợi trước mắt.
Có thể nói, tình trạng đi thuê đất sản xuất tìm vàng đang là vấn đề đáng lo ngại ở huyện Sông Hinh vì đất không đưa vào sản xuất dẫn đến trễ mùa vụ, đồng thời mùa mưa lũ sắp đến nơi đây sẽ bị trôi rửa lớp đất mặt, làm giảm độ phì nhiêu của đất và gây nguy hiểm cho cuộc sống người dân. Đó là chưa nói đến việc có thể lạm dụng tình trạng trên để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp đất đai hay thù hằn cá nhân giữa các gia đình.
Thiết nghĩ, lãnh đạo huyện Sông Hinh cần tuyên truyền vận động người dân thấy tác hại của việc cho thuê đất sản xuất để đào xới tìm vàng và sớm có biện pháp xử lý tình trạng đào vàng tự phát trên.
Thế Lập