Phố xá Hà Nội lại lồi lõm, nhếch nhác vì những ‘con lươn’

Cảnh mặt đường nứt nẻ, lồi lõm ổ gà tại vị trí những "con lươn" sau đào đường, kéo dài hàng trăm mét, lại xuất iện dọc các tuyến phố Hà Nội. Tình trạng thiếu thống nhất hạ ngầm hệ thống cáp điện, viễn thông, cấp thoát nước... và mạnh ai nấy đào hiện nay, không chỉ gây lãng phí ngân sách Nhà nước cho bảo trì, sửa chữa đường sá, mà còn gây mất mỹ quan đô thị.

Dọc những tuyến phố xanh mát, kiểu mẫu được coi là có cảnh quan đô thị đẹp của Thủ đô như: Phố Huế, Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm), Liễu Giai (quận Ba Đình), Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) hay những tuyến phố nhỏ đường "xương cá"... tại các quận nội đô hiện nay, không khó để thấy hình ảnh những "con lươn" ngoằn ngoèo, tạo thành rãnh ổ gà kéo dài, gây nứt nẻ nền mặt đường xung quanh.

Thậm chí, ngay tại nhiều vị trí ngã tư, ngã năm trước hệ thống đèn tín hiệu giao thông của nhiều tuyến phố cũng xuất hiện tới 3-4 "con lươn" song song hoặc giao cắt nhau, làm mờ cả vạch sơn đường dành cho người đi bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông. Không chỉ người dân, mà nhiều chiến sỹ cảnh sát giao thông tuần tra trên đường đều cho biết, việc tùy tiện đào đường, sau khi hạ ngầm xong các hệ thống cáp, nhưng không hoàn trả lại mặt đường như cũ hoặc hoàn trả cẩu thả của các đơn vị đào đường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lãng phí, mặt đường nhếch nhác, mất mỹ quan hiện nay. Chưa kể, các "con lươn" này khi trời nắng thì chứa bụi bẩn, trời mưa thì tạo thành những rãnh nước nguy hiểm...

Đáng nói, "điệp khúc" đào rồi lấp, lấp lại đào" vẫn đang diễn ra phổ biến từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng liên quan của Hà Nội thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp triệt để, khiến tình trạng hàng loạt các tuyến phố trở nên nham nhở, chưa nói đến tình hình giao thông thêm bức xúc, ùn tắc trên những tuyến đường vốn đông đúc trước đây của Thủ đô.

Video phóng viên Báo Tin tức ghi nhận thực tế tại các tuyến phố Hà Nội: 

Nhìn "con lươn" chạy dọc phố Lý Thường Kiệt, anh Nguyễn Quang Hào, người dân sinh sống trên tuyến phố này cho hay: "Chỉ qua một đêm nghe tiếng máy cắt, đến sáng, người dân ở đây bỗng nhiên thấy đơn vị thi công đào tung lòng đường lên, sâu khoảng 80 cm, nghe nói để hạ ngầm cáp điện. Lúc thi công, đơn vị đào đường có dựng biển cảnh báo, nhưng sau khi thi công xong, mặt đường hoàn trả nham nhở...".

Hay phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) trước đây là tuyến đường nằm trong kế hoạch hạ ngầm cáp điện lực, viễn thông từ năm 2016. Mặt đường tuyến phố rộng chỉ 6 m, nhưng có tới 3 rãnh đào liên tục nhiều lần, băm nát mặt đường, khiến người dân đi lại khó khăn. Nhiều người dân phản ánh, quận Tây Hồ và các đơn vị chức năng chỉ nên cấp phép đào đường 1 lần, đồng bộ các dự án hạ ngầm, không nên mạnh đơn vị nào đơn vị đó thi công, khiến tuyến đường lồi lõm, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giao thông và cảnh quan đô thị... 

Chú thích ảnh
Phố Ngọc Lâm (quận Long Biên) vừa thảm nhựa xong đã bị đơn vị đào đường đào hạ ngầm ống nước.ngay
Chú thích ảnh
Ngay tại ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) có 2 "con lươn" song song tạo thành rãnh trên mặt đường.
Chú thích ảnh
Rãnh đào đường dọc phố Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) hằn lún từ 5 - 10 cm sau khi được hoàn trả.tại

Nhiều tuyến phố khác ở trung tâm cũng chịu chung cảnh mặt đường bị xẻ ngang dọc bởi đơn vị thi công đào hạ ngầm hoặc sửa chữa đường nước, nhưng khi xong việc chỉ lấp trả bằng đá dăm cấp phối. Bên cạnh sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của đơn vị thi công, đơn vị cấp phép, chịu trách nhiệm giám sát cũng không hậu kiểm, để mặt đường cứ đào lên rồi lại lấp như một "tấm áo rách", làm hư hỏng kết cấu mặt đường.

Chú thích ảnh
Tại phần đường dành cho người đi bộ trên phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng)  có tới 3 rãnh đào, sau khi hoàn trả làm mờ hết vạch sơn chỉ dẫn.
Chú thích ảnh
Ổ gà xuất hiện sau khi hoàn trả mặt đường trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm).
Chú thích ảnh
Cảnh nhếch nhác mặt đường bị nứt nẻ, chằng chịt vệt đào đường sau khi hoàn trả không khó gặp hiện nay trên nhiều phố.

Qua tìm hiểu vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý đô thị (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, việc cấp phép đào đường, vỉa hè hiện do nhiều bên quản lý, cấp phép như Sở Xây dựng, Sở GTVT và các quận, huyện. Do vậy, phải tùy dự án cụ thể mới biết được do đơn vị nào cấp phép, chịu trách nhiệm quản lý, giảm sát. Đối với Sở GTVT Hà Nội, trung bình mỗi năm cấp khoảng 100-120 giấy phép cho các đơn vị thi công, đây hầu hết là các công trình phục vụ dân sinh như cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông… 

Chú thích ảnh
Mặt đường phố Chợ Gạo (quận Hoàn Kiếm) chằng chịt những vệt đào đường sau khi hoàn trả và ổ gà...
Chú thích ảnh
Ổ gà và những "con lươn" sau đào đường gây mất an toàn giao thông trên phố Lý Thường Kiệt.
Chú thích ảnh
Mặt đường tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu nứt nẻ vì có tới 4 - 5 vệt đào đường chằng chịt, song song ngay sát nhau.

Bên cạnh đó, việc cấp phép đào đường luôn được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định như chủ đầu tư phải có đơn xin phép, hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm các văn bản pháp lý liên quan, nộp hồ sơ tại Sở từ 5-7 ngày theo quy định… Quá trình thi công phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Thanh tra Sở, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bảo đảm chất lượng công trình, cũng như bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công, hoàn trả mặt đường đúng hiện trạng ban đầu.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học GTVT, hệ thống hạ tầng đô thị trong đó có cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, chiếu sáng, hố ga... trên địa bàn Thủ đô hiện vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, các đơn vị không có kế hoạch kết nối, phải đào đường, đào hè nhiều lần. Do đó, các cơ quan chức năng cần yêu cầu các đơn vị thi công ẩu phải thảm lại mặt đường đảm bảo chất lượng như ban đầu, chứ không thể phạt hành chính, vì không đủ sức răn đe. 

Chú thích ảnh
Tương tự tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Ngô Quyền.
Chú thích ảnh
Những rành đào đường được hoàn trả hằn lún sâu như thế này dễ gây nguy hiểm cho người đi đường.
Chú thích ảnh
Mặt đường chằng chịt những vết chắp vá nham nhở tại ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng).

Về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, với những tuyến đường hoàn trả ẩu, thời gian qua, Sở GTVT đã nhiều lần đôn đốc, chấn chỉnh chủ đầu tư, nhà thầu phải khẩn trương khắc phục. Sở cũng đã đề nghị Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình ngầm có phương án khắc phục hoàn trả các mặt đường chưa đảm bảo, gây mất an toàn giao thông, trong đó có yêu cầu quản lý chặt chất lượng hoàn trả và có kế hoạch phối hợp đồng bộ thi công hạ tầng, để giảm tối đa việc đào đường.

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Hà Nội dừng đào đường, lát hè từ ngày 20/1
Hà Nội dừng đào đường, lát hè từ ngày 20/1

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa yêu cầu các nhà thầu dừng thi công, hoàn trả mặt đường trong thời gian từ ngày 20/1 - 2/2/2021 nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN