Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
|
Đề án bệnh viện vệ tinh đã bước sang năm thứ 4 và rất ý nghĩa với người dân cũng như các bệnh viện tuyến dưới. Bộ Y tế đã có những chỉ đạo gì để tạo nên thành công bước đầu cho Đề án, thưa ông?
Bước sang giai đoạn 2 này, Bộ Y tế đã mở rộng mô hình bệnh viện vệ tinh mở rộng ra 63 tỉnh thành trên cả nước. Hiện cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với trên 100 bệnh viện vệ tinh nằm trong Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 với 10 chuyên ngành là nội, ngoại – chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Nhờ hiệu quả của đề án bệnh viện vệ tinh mà một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đã nuôi sống trẻ sơ sinh nặng 600 gam và nuôi dưỡng bé sơ sinh nhẹ cân 600 gram như tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến dưới, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như cải tạo, đầu tư xây mới nhiều bệnh viện; thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện luân phiên bác sĩ; ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện; cải tiến quy trình khám, chữa bệnh; thí điểm mô hình bác sĩ gia đình.
Những giải pháp đó đã mang lại kết quả tích cực: Tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện đã cải thiện; thời gian chờ khám bệnh giảm; người dân được khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao tại nhiều bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm.
Mới đây, có một số BV tuyến huyện như Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Mường Khương, BVĐK huyện Mộc Châu, BVĐK huyện Quảng Xương… cũng được tham gia vào mạng lưới Đề án bệnh viện vệ tinh. Trong khi, trước nay, Đề án này chỉ thực hiện ở BVĐK tuyến tỉnh, tại sao lại có sự “xé rào” này?
Với mong muốn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới, Đề án bệnh viện vệ tinh luôn đặt ra mục tiêu phải triển khai hiệu quả. Để việc chuyển giao giữa các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện hạt nhân đạt kết quả tốt cần có sự khảo sát giữa tuyến trên và tuyến dưới, giữa nhu cầu của tuyến dưới và sự đáp ứng của tuyến trên.
Việc các bệnh viện huyện tuy là tuyến huyện nhưng vai trò khám, chữa bệnh gần như bệnh viện tuyến tỉnh, phục vụ cho một lượng lớn bệnh nhân trên địa bàn. Các bệnh viện huyện tham gia vào Đề án bệnh viện vệ tinh là dấu hiệu đáng mừng và đáng khích lệ, khẳng định sự năng động của các bệnh viện tuyến huyện không ngừng tìm các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân ngay tại địa phương. Với những bệnh viện dám nghĩ, dám làm, dám thực hiện những kỹ thuật mới để phục vụ nhân dân, Bộ Y tế đều khuyến khích.
Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ Đề án bệnh viện vệ tinh, thường xuyên trao đổi thông tin đã nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ tuyến dưới. |
Tới đây, Bộ Y tế sẽ có giải pháp cũng như kiến nghị gì để việc triển khai các đề án giảm quá tải hiệu quả hơn, thưa ông?
Để các giải pháp giảm quá tải bệnh viện được thực hiện mạnh mẽ, hiệu qủa, bền vững hơn ở các tuyến, các địa phương cần thực hiện tích cực Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Đó là, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
Bộ Y tế luôn chú trọng chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các bệnh viện; công bố danh sách các bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm bệnh viện hạt nhân để các bệnh viện vệ tinh lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các bệnh viện hạt nhân có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các bệnh viện vệ tinh. Không phân biệt bệnh viện nhà nước hay bệnh viện tư nhân trong lựa chọn bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine) trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các bệnh viện. Hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng vùng, miền. Triển khai nhân rộng kết quả thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, nhóm giải pháp giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt là: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới bệnh viện ngoài công lập, hợp tác với các bệnh viện nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách để phát triển y tế; Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.