Phân rõ các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão lũ

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định 2901/QĐ-BTNMT công bố Kết quả phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng gió cho các vùng sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ. Báo cáo được cập nhật trên cơ sở dữ liệu và các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất và được phân vùng trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, việc phân vùng gió mạnh, mưa lớn cho các khu vực ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ sẽ giúp cho cơ quan chức năng, các địa phương có thêm những thông tin quan trọng, hữu ích trong công tác chỉ đạo, phòng chống thiên tai. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Sau cơn bão lịch sử Haiyan năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương xây dựng các phương án ứng phó với siêu bão. Để có cơ sở xây dựng các phương án ứng phó, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, công bố kết quả bước đầu về phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu đã thực hiện. 

Thi công kè mềm, gây bồi tạo bãi phục vụ mục tiêu trồng rừng phòng hộ. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Năm 2015, theo kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiên cứu, cập nhật kết quả phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão và phân vùng gió cho các vùng ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành nghiên cứu, tính toán và tổng hợp đưa ra báo cáo cập nhật. 

So với báo cáo phân vùng bão, xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam năm 2014, kết quả phân vùng bão lần này có nhiều điểm mới về cả số liệu, phương pháp. Khác với báo cáo năm 2014, việc phân vùng bão chỉ thực hiện cho dải ven biển Việt Nam, trong báo cáo cập nhật lần này việc phân vùng bão được thực hiện trên toàn lãnh thổ, vùng ven biển và đảo ven bờ của Việt Nam. Kết quả là có 8 vùng gồm: 5 vùng ven biển và 3 vùng nằm sâu trong đất liền. Số liệu được cập nhật đầy đủ hơn nên một số thông tin về thời gian bão, tần số bão, ranh giới các vùng đã có một số điều chỉnh và được cập nhật. Việc phân vùng nước dâng do bão đã bổ sung khu vực ven biển từ Cà Mau đến Kiên Giang. Phần xác định vận tốc gió bão cực đại và mưa lớn cho các khu vực khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ cũng là một trong những điểm mới của báo cáo này. 

Theo đó, toàn lãnh thổ Việt Nam, vùng ven biển và đảo ven bờ được phân thành 8 vùng ảnh hưởng của bão với các đặc trưng cụ thể của các vùng. Vùng I-Đông Bắc bao gồm các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Thải Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Vùng II-Tây Bắc gồm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Vùng III-Quảng Ninh đến Thanh Hóa là các tỉnh thuộc đồng bằng, trung du Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Vùng IV-Nghệ An đến Thừa Thiên Huế gồm các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. 

Vùng V-Đà Nẵng đến Bình Định gồm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Vùng VI-Phú Yên đến Ninh Thuận gồm các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Vùng VII-Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Vùng VIII-Bình Thuận đến Cà Mau và Kiên Giang gồm các tỉnh Nam Bộ và các tỉnh ven biển từ Bình Thuận đến Cà Mau - Kiên Giang.

Vùng nguy cơ gió mạnh, mưa lớn là Vùng I: Đông Bắc gió trong bão có thể đạt cấp 11 - 12, giật trên cấp 13. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 550 - 600 mm. Vùng II: Tây Bắc gió trong bão có thể đạt cấp 10-11, giật trên cấp 13. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 350 - 400 mm. Vùng III: Quảng Ninh đến Thanh Hóa gió trong bão có thể đạt cấp 15 - 16, giật trên cấp 17. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 700 - 750 mm. Riêng tại khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, gió trong bão có thể đạt cấp 16, giật trên cấp 17, tại các đảo như Bạch Long Vĩ, Cô Tô,... nguy cơ cấp gió bão và gió giật trong bão mạnh nhất có thể cao hơn trong đất liền từ 1 - 2 cấp. Vùng IV: Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế gió trong bão có thể đạt cấp 15-16, giật trên cấp 17. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 1000 - 1050 mm. Tại các đảo ven bờ như Cồn Cỏ, Hòn Ngư, gió trong bão mạnh nhất có thể cao hơn trong đất liền từ 1 - 2 cấp. Tại khu vực vùng núi phía Tây của Nghệ An, Hà Tĩnh, gió bão thấp hơn khu vực ven biển do cường độ bão đã suy yếu sau khi di chuyển vào sâu trong đất liền. 

Vùng V: Đà Nẵng đến Bình Định gió trong bão có thể đạt cấp 14-15, giật trên cấp 16. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 650 - 700 mm. Vùng VI: Phú Yên đến Ninh Thuận gió trong bão có thể đạt cấp 14 - 15, giật trên cấp 16. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 650 - 700 mm. Vùng VII: Tây Nguyên gió trong bão có thể đạt cấp 10 - 11, giật trên cấp 12. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 450 - 500 mm. Vùng VIII: Bình Thuận đến Cà Mau, Kiên Giang gió trong bão có thể đạt cấp 11 - 12, giật trên cấp 13. Mưa một ngày lớn nhất có thể đạt từ 300 - 350 mm. Đối với các đảo ven bờ như Phú Quý, Côn Đảo nguy cơ cấp gió bão và gió giật trong bão mạnh nhất có thể cao hơn trong đất liền từ 1 - 2 cấp. 

5 vùng có nguy cơ nước dâng do bão tại dải ven biển Việt Nam bao gồm Vùng I: Quảng Ninh đến Thanh Hóa nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 3,5 m, trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến 4,9 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,7 - 2,0 m. Vùng II: Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có thể chia thành 2 khu vực: Khu vực II-l, từ Nghệ An đến Hà Tĩnh nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 4,5 m, trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 5 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,2 - 1,7 m. Khu vực II-2, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 3,9 m, trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 4,2 m. Biên độ thủy triều dao động từ 0,5 -1,2 m. Vùng III: Đà Nẵng đến Bình Định nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra tới 1,8 m, trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,3 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,0 -1,2 m. Vùng IV: Phú Yên đến Ninh Thuận nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 1,7 m, trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,2 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,2 - 1, 4 m. 

Vùng V: Bình Thuận đến Cà Mau, Kiên Giang có thể chia thành 3 khu vực. Khu vực V-l, từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 1,2 m, trong tương lai, khi có bão mạnh đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,0 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,4 - 1,8 m. Khu vực V-2, từ TP.Hồ Chí Minh đến mũi Cà Mau nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 2 m, trong tương lai, khi có bão mạnh đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,7 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,8 – 2 m. Khu vực V-3, từ mũi Cà Mau đến Kiên Giang nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 1,2 m, trong tương lai, khi có bão mạnh đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,1 m. Biên độ thủy triều trong khu vực này dao động trong khoảng từ 0,8-1,1 m.





Văn Hào (TTXVN)
Nguy cơ nước biển dâng cao thêm 1 mét
Nguy cơ nước biển dâng cao thêm 1 mét

Tan băng ở Nam Cực sẽ làm mực nước biển dâng cao thêm 1 mét từ nay đến năm 2100, nếu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn giữ tốc độ cao như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN