Giải pháp hạn chế nước biển dâng ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, nhiệt độ Trái đất tăng lên dẫn đến biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 27 trong 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á, nên nguy cơ bị đe dọa bởi nước biển dâng là rất lớn.


Những tác động đối với Việt Nam


Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu chiến lược khác bảo đảm cho an ninh năng lượng quốc gia.

 

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tỉnh Bạc Liêu đang đầu xây dựng trên 500 m kè chắn sóng chống sạt lở cửa biển Nhà Mát.
Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Theo kịch bản Biến đổi khí hậu năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu mực nước biển dâng 1 m sẽ có khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên 10% diện tích, 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; trên 2,5% diện tích, 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp.


Biến đổi khí hậu đang tác động tới các địa phương trên cả nước với những trận lũ lụt, hạn hán và bão mạnh hàng năm tăng nhanh và làm mực nước biển dâng cao.


Đặc biệt, mực nước biển dâng gây xâm nhập mặn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vùng ven biển ở Việt Nam, trong đó các tỉnh ven biển Tây Nam bộ là khu vực chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất với 1,77 triệu ha đất bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích. Trong khi chi phí xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt rất tốn kém.

Điển hình như các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre nước mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng từ 40 - 45 km, thậm chí có nơi vào sâu đến 70 km, tỉnh Hậu Giang đã bị nhiễm mặn với độ mặn 5 - 7%. Tại đồng bằng sông Cửu Long, các dự báo cho thấy đến năm 2100, vựa lúa này có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng do nước biển dâng. Mặt khác, nước biển dâng cao làm xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa, có thể làm cho khoảng 2,4 triệu ha đất bị nước biển xâm nhập.


Các nhóm giải pháp hạn chế nước biển dâng


Để đối phó với các hiểm họa, giảm nhẹ và từng bước thích nghi Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam có thể áp dụng các nhóm giải pháp sau đây: Trước hết là áp dụng nhóm giải pháp công trình, nhằm xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước trong vùng, giảm thiệt hại do nước gây ra. Thực tế cuộc sống cho thấy vai trò của công tác thủy lợi có ảnh hưởng rất to lớn đến chất lượng nước của các vùng. Vì thế cần phải đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát huy hiệu quả các hệ thống và công trình thủy lợi đã có, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch thủy lợi, thực hiện các dự án trong tương lai.


Do đó cần phải chú trọng chất lượng của công tác quy hoạch thủy lợi cho các vùng, các tiểu vùng trong toàn quốc, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm tính đồng bộ, hỗ trợ nhau trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nước, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các vùng một cách bền vững. Ví dụ như các biện pháp công trình kiểm soát lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, như làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Có thể hiểu đê bao là những đường, đê được xây dựng vững chắc cao hơn mực nước lũ thiết kế (chẳng hạn mực nước đỉnh lũ năm 2000) để các trận lũ lớn nước không tràn qua.


Việc xây dựng các đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông ở Việt Nam là rất cần thiết. Khi nước biển dâng cao, để bảo đảm an toàn cuộc sống của mọi người dân chúng ta có thể làm “đê cứng” (bê tông cốt thép dày). Tuy vậy, việc này vô cùng tốn kém, khả năng tài chính của ta chưa thể đáp ứng và phải mất rất nhiều năm và về lâu dài, chúng ta chỉ có thể làm đê cứng ở một số nơi xung yếu nhất.


Nhóm giải pháp thứ 2 là phi công trình. Đó là giáo dục tuyên truyền qua các hội thảo, hệ thống thông tin truyền thông, phát triển công nghệ dự báo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do Biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nhóm giải pháp này cũng bao gồm cả việc sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu cây trồng hợp lý để tránh thiệt hại và tăng hiệu quả, quản lý và duy trì chức năng của rừng phòng hộ.


Sự kết hợp hài hòa cả giải pháp công trình và phi công trình sẽ làm giảm vốn đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư. Giải pháp phi công trình dễ làm, khả thi, ít tốn kém và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên là “làm đê mềm” bằng cách “trồng rừng ngập mặn” ở tất cả những bãi sình lầy, những nơi có thể trồng được các loại cây: mắm, đước, bần, sú, vẹt, với chiều rộng từ 300 - 1.000 m, phía bên trong là đê, kết hợp với đường giao thông. Hai bên đường có thể trồng các loại tre, cây dầu mè, cỏ vetiver… là những loại cây, cỏ có tác dụng chống gió, bão, sóng thần, sạt lở… rất tốt. Ở những vùng nước ngọt, phèn trồng tre, bần, dừa nước, dừa, cỏ vetiver... dọc theo các bờ sông, bờ bao.


Ở ven biển các tỉnh miền Trung, việc bảo vệ các rừng phi lao, rừng dừa chắn gió bão, chắn sóng và nước biển dâng là rất cần thiết để bảo vệ mùa màng và khu dân cư vốn nằm trên những vùng đất cát rất nhạy bén với Biến đổi khí hậu.


Các thành phố lớn đóng vai trò là những cực tăng trưởng chủ đạo của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thiên tai, Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cùng với hậu quả của quá trình mở rộng các đô thị theo những quy hoạch không phù hợp và quản lý sử dụng đất yếu kém, đã khiến ngập lụt đô thị ở nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn, không chỉ ở các đô thị miền Trung (Huế, Hà Tĩnh, Tuy Hòa…) mà cả ở miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn,Tuyên Quang, Điện Biên…) và miền Nam (TP Hồ Chí Minh và các đô thị đồng bằng sông Cửu Long). Do đó, ở nhóm giải pháp này cần phải thực hiện xanh hóa cảnh quan đô thị.


Hiện diện tích cây xanh công cộng trong các đô thị nước ta rất nhỏ (khoảng 2,5 - 3,5 m2/người so với Quy chuẩn xây dựng (QCXD 01:2008) của Bộ Xây dựng (khoảng 5 - 7 m2/người), cũng như so với các thành phố lớn ở nước ngoài. Ưu tiên phân bố đất công để nhanh chóng nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn theo từng loại đô thị. Khuyến khích đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh trong các dự án đô thị và khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình huy động nguồn lực để xanh hóa cảnh quan đô thị (thảm cỏ che phủ mặt đất, cây xanh trên bề mặt công trình, sân trong, sân thượng và tầng lửng công trình).


Ngoài ra, nên quy hoạch xây dựng “đô thị nước” ở những nơi có đặc điểm về địa hình, điều kiện tự nhiên với nét nổi trội là hệ thống sông rạch chằng chịt, diện tích rừng ngập mặn lớn như ở đồng bằng sông Cửu Long. Thay vì xây dựng các rào cản kỹ thuật để chống chọi với nước lũ, các giải pháp quy hoạch cần tạo ra nhiều không gian hơn cho nước, để nước có thể thâm nhập vào đô thị theo cách có thể kiểm soát, qua đó giúp cải thiện vi khí hậu, cảnh quan, chất lượng nước, giảm chi phí xây dựng các công trình ngăn lũ và thoát nước. Hiểu theo nghĩa này thì trong một thành phố nước, những con sông chảy qua, những hồ chứa nước vừa là những biểu hiện cảnh quan sinh thái,cải thiện điều kiện tiểu khí hậu, nhưng đồng thời cũng là nơi cho nước "trú ngụ" khi có mưa lũ và nước biển dâng.


Mặt khác cần xây dựng các “mô hình cụm và tuyến dân cư an toàn”. Ở đồng bằng sông Cửu Long, từ nhiều năm nay đã thực hiện việc xây dựng các “cụm và tuyến dân cư an toàn” kết hợp với ao, hồ dự trữ nước ngọt ở những vùng đông dân, mà tương lai sẽ bị ngập sâu với cốt nền cao hơn mực nước năm 2100, chấp nhận “sống chung với nước dâng cao”. Trước hết, phải kể đến các mô hình như tôn nền các cụm, tuyến dân cư vượt lũ để xây dựng nhà ở. Hình thức thực hiện là tôn nền các cụm, tuyến dân cư cao hơn mức ngập lụt để xây dựng nhà ở. Trên cụm, tuyến dân cư xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống người dân.


Đây là 2 mô hình có nhiều ưu điểm nổi trội. Do nhà ở xây dựng trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và trong các bờ bao khu dân cư được bảo vệ, không bị tác động của lũ, lụt, vì vậy người dân được sinh sống an toàn, ổn định và có điều kiện để phát triển bền vững. Trong thời gian có lũ, lụt mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến những nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống, đó là việc khám chữa bệnh và học hành của người dân.

 

Văn Khoa - Song Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN