Ông Bùi Trọng Vinh, Phó trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần phải đánh giá toàn diện xung quanh khu vực xảy ra sự cố, cần thiết phải khoan địa chất tại các vị trí xảy ra nứt đất và khu vực lân cận.
Theo ông Kanno Takaki - đại diện Công ty cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản), mưa nhiều có thể làm hệ thống thoát nước bị vỡ, làm quá trình trượt gãy nhanh hơn. Ông Kanno Takaki lưu ý, cần ưu tiên biện pháp thoát nước tại khu vực xảy ra sự cố để tránh nứt gãy thêm. Sẽ sớm lắp thiết bị quan trắc để đo việc giãn nở của công trình, nên lắp các thiết bị báo động tự động để chủ động ứng phó với sự cố.
Vết nứt trong nhà dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN |
Kết luận tại buổi làm việc, Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Đây là hiện tượng bất thường, từ trước đến nay chưa từng xảy ra tại khu vực này. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng loại trừ các yếu tố dẫn đến nứt đất như khu vực xảy ra sự cố có công trình xây dựng, đoạn đường nứt đất không có xe trọng tải lớn đi qua, không có hoạt động đào đất xây dựng… Qua đó có thể khẳng định, về mặt chuyên môn các vết nứt không nằm trong đới nứt gãy (tương tự như cao nguyên Di Linh).
Đồng chí Phạm S chỉ đạo UBND thành phố Đà Lạt và đề nghị các nhà khoa học xem xét các yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng nứt đất như: Các hố thoát nước chảy ngang qua khu phố Nguyễn Văn Trỗi, việc nứt đất có thể do kết cấu của một số công trình xây dựng trước đây nhà làm bằng móng đơn, kiểm tra lại thông tin của người dân cung cấp là khu vực này nằm trên một bãi rác tự nhiên khiến nền đất yếu, kết hợp với mưa kéo dài làm đất dễ trượt gãy…
Báo cáo nhanh tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình cho biết: Trong đêm 26/4 đã vận động 45 hộ dân di dời đến nơi ở an toàn. Đến khoảng 10 giờ ngày 27/4 có 2 nhà dân bị nứt thêm tại đường Nguyễn Văn Trỗi, một số khu vực có bùn trồi lên. Thành phố đã yêu cầu các khách sạn trong khu vực nguy hiểm ngưng đón khách dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới. Hiện đã có 3 căn nhà bị phá vỡ kết cấu, 28 căn nhà khác cần được kiểm tra về mặt pháp lý để đánh giá kết cấu xây dựng.
Theo bà Đồng Thị Bích Hằng, ngụ tại 94/17 đường Trương Công Định, các vết nứt ngày càng kéo dài và lên cao, hiện người dân đang nhanh chóng thu dọn, di dời.
Trong khi đó bà Trương Mỹ Hương - ngụ tại Nguyễn Văn Trỗi cho biết, cả đêm hôm qua (26/4) bà con phải di dời đi chỗ khác để đảm bảo tính mạng, rất mong các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân để người dân ổn định cuộc sống. Hiện một số hộ đã di dời dần tài sản khỏi những căn nhà bị sụt lún nguy hiểm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, thành phố Đà Lạt.
Trước đó, sau khi đích thân kiểm tra hiện trường sụt lún đất gây nứt
hàng loạt ngôi nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng
Nguyễn Xuân Tiến cùng lãnh đạo tỉnh đã chủ trì cuộc họp khẩn để có biện
pháp xử lý.
Qua thống kê, các cơ quan chức năng xác định có tới
47 hộ với 219 nhân khẩu nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng sụt lún, thuộc
các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định và Phan Đình Phùng.
Thành phố Đà Lạt cũng đã đặt bảng cấm tất cả ô tô lưu thông trên đường
Nguyễn Văn Trỗi.
Lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường nứt đất. |
Sáng 26/4, các hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Lạt bất ngờ phát hiện nhiều vết nứt nham nhở trong nhà và trên đường. Một số cánh cửa không đóng hoặc mở được vì bị xô lệch do bị ảnh hưởng bởi tình trạng nứt đất, một số nhà có hiện tượng nghiêng về phía sau. Khu vực bị ảnh hưởng do tình trạng nứt đất kéo dài gần 49m, còn vết nứt trên mặt đất gần như song song với mặt đường Nguyễn Văn Trỗi dài khoảng 30m.
Được biết, khu vực xảy ra sự cố bất thường có cao độ từ mặt đường Phan Đình Phùng tới đường Nguyễn Văn Trỗi là 20 mét.
Hiện các nhà khoa học của trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Vật lý địa cầu đang khảo sát để đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân hiện tượng lún đất, nứt nhà bất thường để có biện pháp khắc phục kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.