Xác định 43 dự án “ma” Alibaba lừa đảo hơn 2.500 tỷ đồng
Ngày 24/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thái Luyện (sinh năm 1985, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Điều tra ban đầu, Công an TP Hồ Chí Minh đã xác định được 43 dự án Alibaba tự vẽ ra, rao bán cho 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỷ đồng, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh.
43 dự án này gồm: Alibaba Bình Châu, Alibaba Tân Thành Center City, Alibaba Tân Thành Center City (1, 5, 6, 7), Alibaba Tân Thành Riverside, Alibaba Tân Thành Homy City, Alibaba Tóc Tiên Residence (2, 3), Alibaba Phú Mỹ Central City (1, 3), Alibaba Long Phước (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 11, 12, 14, 15, 16), Alibaba Diamond City 2 (Long Phước 14+15), Alibaba Long Phước Industry, Alibaba Phước Bình Central Park (2, 3), Alibaba Long Thành, Alibaba Long Thành Capital, Alibaba Phước Thái Capital, Alibaba An Phước, Khu dân cư Quốc tế Lilama, Ali Aqua Nhơn Trạch, Aliamega Xuân Lộc, Alibaba Bàu Cạn Riverside, Alibaba Song Lon Residence, Alibaba Thắng Hải Newtimes City, Ali Venice City.
Tiếp đó, ngày 26/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh, hai em trai của Nguyễn Thái Luyện, đứng tên các công ty con thuộc Công ty Alibaba là Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh (trụ sở tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Công ty CP Địa ốc Long Thành Ali (trụ sở tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai); đồng thời, đứng tên trong nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan.
Theo cơ quan Công an, Nguyễn Thái Luyện, cùng Nguyễn Thái Lĩnh thành lập ra Công ty Alibaba và các công ty thành viên (có quy mô trên 2.600 nhân viên), thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp, với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha để vẽ dự án. Các dự án "ma" này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... nhưng được Alibaba tổ chức quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho các khách hàng.
Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 1.000 đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty Alibaba. Cơ quan điều tra khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tiếp tục giao dịch mua bán đất nền tại các dự án của Công ty Alibaba để tránh bị lừa đảo; kêu gọi các nhân viên của Công ty Alibaba hoặc người có liên quan tự nguyện hợp tác, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cho Cơ quan điều tra. Mọi hành vi che giấu, tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng để tiêu hủy tài liệu, tẩu tán tài sản... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Làm rõ hành vi cản trở điều tra của các bị cáo trong vụ án VN Pharma
Ngày 25/9, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử 12 bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh ung thư” tại Công ty CP VN Pharma. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2014, Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma) thông qua Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) và 10 đồng phạm đã làm giả các tài liệu, sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả, gồm: Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Canada giả và đóng dấu giả hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; làm giả vào hồ sơ đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita; làm giả hợp đồng mua bán, các phụ lục hợp đồng mua bán với Công ty Austin Hồng Kông và các chứng từ giả để nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam.
Quá trình xét hỏi, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng nêu: “Các bị can Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và Phạm Anh Kiệt chưa thành khẩn khai báo đầy đủ hành vi phạm tội và nhận thức về trách nhiệm của cá nhân”. Qua gần hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử đã xét hỏi tất cả 12 bị cáo liên quan đến vụ án. Phiên tòa sẽ tiếp tục bước sang phần xét hỏi đối với những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong tuần tới.
Hai nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam bị phạt 20 năm tù
25/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án phạt 6 bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BHXH Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính II (viết tắt là ALC II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank).
Đối với nhóm bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự năm 1999, Tòa tuyên phạt: Lê Bạch Hồng (sinh năm 1954, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) 6 năm tù; Nguyễn Huy Ban (sinh năm 1948, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) bị phạt 14 năm tù.
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Huy Ban giữ vai trò chính, là người quyết định cho ALC II vay vốn, trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 14 hợp đồng cho ALC vay vốn trái quy định của Luật BHXH . Hành vi của bị cáo gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền hơn 1.263 tỷ đồng cho BHXH Việt Nam. Bị cáo Lê Bạch Hồng đóng vai trò sau bị cáo Nguyễn Huy Ban. Bị cáo Hồng là người quyết định cho ALC II vay vốn, trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 2 hợp đồng cho ALC II vay vốn trái quy định của Luật BHXH. Hành vi của bị cáo Hồng gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền hơn 434 tỷ đồng.
Căn cứ quá trình thực hiện 14 hợp đồng vay vốn giữa BHXH Việt Nam và ALC II, tính đến ngày 31/7/2018 (ngày Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh ra quyết định tuyên bố phá sản đối với ALC II), ALC II còn nợ BHXH Việt Nam tổng số tiền hơn 1.697 tỷ đồng (cả tiền gốc và tiền lãi). Thời điểm xác định thiệt hại là thời điểm ALC II tuyên bố phá sản nên xác định được số tiền thiệt hại của vụ án là hơn 1.697 tỷ đồng. Hội đồng xét xử xác định, Agribank phải có trách nhiệm bồi thường cho BHXH Việt Nam số tiền hơn 862 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 835 tỷ đồng, 5 bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường là: Nguyễn Huy Ban 292 tỷ đồng, Lê Bạch Hồng 150 tỷ đồng, Nguyễn Phước Tường 292 tỷ đồng, Hoàng Hà 60 tỷ đồng và Trần Tiến Vỹ 40 tỷ đồng.