Nóng tình trạng phá rừng làm nương rẫy

Tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy của người dân tại Kon Tum vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu giảm.

Cây rừng bị người dân đốn hạ để lấy diện tích đất trồng cây.

Trong nhiều năm qua, những diện tích rừng phòng hộ ở Kon Tum đang bị xâm lấn nghiêm trọng. Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy của người dân vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu giảm.

Tan hoang những cánh rừng phòng hộ

Dọc tuyến quốc lộ 24, bắt đầu từ huyện Kon Rẫy xuôi Quảng Ngãi, hàng chục hecta rừng phòng hộ bị đốt, phá nham nhở. Bên cạnh màu xanh bát ngát của những cánh rừng tự nhiên là những mảng rừng đã bị chặt hạ, thay vào đó là màu xanh của sắn (mỳ), nhiều mảng rừng cây sắn mới chỉ nhú chồi.

Tại khu vực đèo Măng Đen, khu vực giáp ranh hai huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông những mảng rừng vừa mới bị đốt, phá còn nguyên những cây gỗ to cháy âm ỉ. Ghi nhận tại khu vực này, phóng viên TTXVN phát hiện, dù khu vực này ngành chức năng đã đóng biển “rừng phòng hộ đầu nguồn, cấm phát nương, làm rẫy”, nhưng phía sau những tấm biển này là những khu rừng bị cạo trọc. Thậm chí ở khu vực này đã được dựng lán trại kiên cố để phục vụ cho việc sản xuất. Nguy hiểm hơn, diện tích rừng bị đốt, phá nằm ngay đỉnh đèo Măng Đen- khu vực rất dễ xảy ra sạt lở nếu không có độ che phủ của rừng.

Ngoài khu vực hai bên quốc lộ 24, những diện tích rừng ở khu vực xã Hiếu giao cho chính quyền xã quản lý, khu vực dọc tuyến đường Đông Trường Sơn cũng đang bị người dân xâm lấn nghiêm trọng. Dọc theo tuyến đường Đông Trường Sơn đi xã Hiếu và về hướng huyện K’Bang rất dễ nhận thấy những mảng rừng bị chặt phá tan hoang, nhiều nơi những thân cây lớn có đường kính 30- 40cm vẫn còn nằm lăn lóc giữa những đám mì mới nhú chồi. Dù những diện tích rừng bị đốt phá chủ yếu nằm sát đường chính, dễ vận chuyển và thuận tiện đi lại cho bà con nhưng dường như lực lượng chức năng không có biện pháp để ngăn chặn ngay từ đầu. Vị vậy, những cách rừng phòng hộ ở khu vực này vẫn ngày đêm bị đốt, phá liên tục. Theo ngành chức năng, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn của xã Hiếu, khu vực rừng do Lâm trường Măng La quản lý đã xảy ra 12 vụ đốt, phá rừng làm nương rẫy, thiệt hại hơn 3 ha rừng.

Bên cạnh tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy do nhu cầu sử dụng đất, giá nông sản tăng cao thì những Dự án thủy điện chính là tác nhân của tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Sự việc hàng chục người dân ở thôn Kon Pling, Kon Piêng của xã Hiếu phá rừng làm nương rẫy chính là xuất phát từ việc bị thu hồi đất để phục vụ cho Dự án thủy điện Đăk Re.

Khó ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng làm nương rẫy

Trước tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra phổ biến, nhiều đơn vị quản lý rừng xử lý hàng chục vụ phá rừng làm nương rẫy, trong khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum lại chỉ nắm được 2 vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích 0,1ha xảy ra tại huyện Tu Mơ Rông. Có thể thấy, chính sự quản lý hời hợt, lỏng lẻo, thiếu quyết liệt khiến những cánh rừng ở tỉnh Kon Tum vẫn ngày đêm bị xâm lấn. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Kon Tum lí giải: Công tác quản lý rừng gặp nhiều khó khăn do diện tích rừng rộng, lực lượng bảo vệ của chủ rừng, chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm mỏng nên khó khăn trong phát hiện, ngăn chặn. Hai nữa đối tượng vi phạm là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên không thể xử phạt nghiêm, vì vậy thiếu tính răn đe, giáo dục và thuyết phục.

Hàng loạt cây bị đốn trụi.

Còn theo ông Vũ Văn Bắc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Plông thì cho rằng: Tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra trong thời gian qua một mặt do áp lực về đất sản xuất, cụ thể là ở thôn 7 - Kon Pling, thôn 8 - Kon Piêng do bà con bị thu hồi đất phục vụ cho Dự án thủy điện Đăk Re. Mặc khác, do những diện tích rừng thuộc Lâm trường Măng La quản lý không có kinh phí nên không giao khoán được cho người dân bảo vệ. Chính điều này có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị. Những diện tích rừng nào có kinh phí thực hiện giao khoán cho người dân thì được bảo vệ rất tốt, ngược lại những diện tích rừng nào không giao khoán thì lại bị người dân ngang nhiên xâm lấn.

Về mặt chính quyền địa phương, ông Phan Thế Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu, huyện Kon Plông khẳng định: Trong thời gian vừa qua, các rẫy ở sát quốc lộ đa phần là rẫy cũ, còn phát mới thì có nhưng ít. Địa bàn đa số là rừng, nhưng nhu cầu đất của bà con lớn, bà con canh tác lại theo phong tục du canh du cư nên khó quản lý.  

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện còn rất ít rừng, hiện nay chỉ còn những huyện như Kon Plông, Đăk Glei, Sa Thầy có độ che phủ của rừng lớn. Tuy nhiên, trong thời gian qua những diện tích rừng còn lại đang bị người dân, “lâm tặc” xâm lấn nghiêm trọng. Để bảo vệ những diện tích rừng còn lại cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để những cánh rừng còn lại sẽ mãi xanh tươi.

Bài, ảnh: Quang Thái
Kon Tum: Khởi tố vụ án phá rừng tại tiểu khu 502
Kon Tum: Khởi tố vụ án phá rừng tại tiểu khu 502

Cơ quan chức năng đã ra Quyết định khởi tố vụ án phá rừng tại tiểu khu 502.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN