Sau ba năm thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 6 xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn đã dần được nâng cao rõ rệt.
Thành quả đáng ghi nhận
Sau ba năm, sáu xã thực hiện thí điểm mô hình xây dựng NTM là Tân Thông Hội, Thái Mỹ (huyện Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Lý Nhơn (Cần Giờ), Tân Nhựt (Bình Chánh) và Nhơn Đức (Nhà Bè) đã “thay da đổi thịt” với những con đường được nhựa hóa, đường sá được trang bị đèn chiếu sáng; trường học được nâng cấp, xây mới. Nhiều công trình khang trang phục vụ nhu cầu đời sống, chăm sóc sức khỏe người dân như trạm y tế, nhà văn hóa... cũng được xây dựng. Bên cạnh đó, một kết quả cũng đáng khích lệ là hiện nay trên địa bàn các xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, nếu như trước đây so với chuẩn nghèo của thành phố, tại 6 xã trên có trên 5.700 hộ nghèo nhưng đến nay đã có hơn 80% hộ vượt nghèo (4.533 hộ). Thu nhập bình quân đầu người tại các xã này cũng đạt từ 25 - 34 triệu đồng/người/năm, tăng từ 1,6 - 1,9 lần so với trước.
Mô hình trồng lan mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. |
Việc xây dựng NTM ở TP Hồ Chí Minh mang tính đặc thù là tập trung ở vùng ven đô thị. Cùng với việc xây dựng NTM thì có thêm nhiều nguồn lực tập trung vào sự thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ nông nghiệp - công nghiệp. Vì thế, sản xuất nông nghiệp đang được đầu tư phát triển mạnh theo hướng nông nghiệp đô thị, hiệu quả bền vững. Từ đó, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học, cung ứng vốn, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nông dân... tập trung sản xuất các giống cây trồng, hoa kiểng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao với tổng kinh phí đầu tư trên 5.500 tỷ đồng. Chính vì vậy, hiệu quả đầu tư trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2009, giá trị sản xuất chỉ đạt 138 triệu đồng/ha/năm thì năm 2010 tăng lên 155 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2011 đạt 202 triệu đồng/ha/năm và đầu năm 2012 đã đạt 239 triệu đồng/ha/năm.
Rau sạch được trồng ở các xã nông thôn mới đã có mặt tại nhiều siêu thị của TP.HCM. |
Theo Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM, xét về 19 tiêu chí để được công nhận là xã NTM, các xã cơ bản đã hoàn thành yêu cầu đặt ra. Cụ thể, xã Tân Thông Hội, xã Thái Mỹ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, xã Xuân Thới Thượng đạt 18/19; các xã Lý Nhơn, Tân Nhựt, Nhơn Đức đạt 17/19.
Huy động mọi nguồn lực
Có thể nói, để xây dựng được các mô hình NTM cần có sự đồng tình của người dân kết hợp với sự chỉ đạo giám sát sâu sắc của lãnh đạo các cấp. Cụ thể, trong quá trình thực hiện các dự án tại các xã, khó khăn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Từ sự phân công trách nhiệm và vận động cán bộ đảng viên nêu cao tính tiên phong, gương mẫu trong việc hiến đất và vật kiến trúc để xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời với phương châm huy động nội lực tại chỗ, thuyết phục dân lo cuộc sống cho dân..., kết quả đã có 100% hộ dân có đường đi qua nhà đều hiến đất. Theo đó, đã có trên 7.000 hộ dân tự nguyện hiến đất với diện tích trên 700.000 m2, tổng giá trị trên 615 tỷ đồng. Nhờ tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân, những con đường làng nhỏ hẹp đã trở thành những con đường nhựa rộng rãi, sạch đẹp.
Ông Phạm Văn Cáo ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cho biết: “Sau khi được các cấp lãnh đạo tuyên truyền về chủ trương xây dựng NTM, gia đình tôi đã hiến mảnh đất với tổng giá trị hơn 1,6 tỉ đồng. Mặc dù có thiệt hại về kinh tế, nhưng gia đình tôi rất vui mừng vì được góp phần nhỏ bé để mở rộng đường. Tôi hiểu mọi người dân đều phải có trách nhiệm xây dựng quê hương, đồng thời để có được con đường sạch đẹp, thuận tiện cho việc đi lại trong xóm ấp và cho con cháu sau này đi lại, học tập...”.
Có thể nói, việc thí điểm xây dựng mô hình NTM ở TP Hồ Chí Minh, theo nhận định của các đại biểu cơ bản đã thành công. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định được chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi quyết tâm xây dựng mô hình này. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua thì trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Việc xây dựng thí điểm xây dựng mô hình NTM tại các xã đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, đời sống vật chất văn hóa của người dân được nâng lên, khoảng cách giàu nghèo đã được thu hẹp... Tuy nhiên, đây là mô hình mới do cấp xã là cấp trực tiếp thực hiện và quản lý nhưng với một khối lượng công việc rất lớn phải thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, như từ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội đến văn hóa môi trường. Việc xây dựng mô hình phải đi trước một bước nên phải vừa làm vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn thiện mô hình; do đó, trong giai đoạn đầu đội ngũ cán bộ cũng có một vài lúng túng khi phối hợp triển khai. Vì vậy, trong thời gian tới, việc xây dựng và phát triển NTM phải được thực hiện kiên trì thường xuyên và liên tục để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn”.
Ông Lê Thanh Hải, Bí Thư Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh: Cần nâng cao chất lượng một số chỉ tiêu đã hoàn thành Để chương trình xây dựng NTM tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân và tạo ra diện mạo mới trên địa bàn nông thôn TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng một số tiêu chí đã hoàn thành tại 6 xã điểm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, phấn đấu cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2015; đồng thời phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại mang tính bền vững. Bên cạnh đó, Đảng ủy các xã cần đổi mới phương thức lãnh đạo, đi sâu, đi sát lắng nghe ý kiến của người dân; đồng thời, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần có phương án liên kết hợp tác sản xuất, hỗ trợ giải quyết đầu vào và đầu ra cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã Nhơn Đức: NTM nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân Một trong những mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân nông thôn, từ đó góp phần xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc. Do đó, ngay từ những ngày đầu xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã xác định: Muốn thay đổi bộ mặt nông thôn về chất thì phải vận động nhân dân tích cực tham gia học chữ, học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ... để tăng thêm thu nhập cho các hộ dân, từ đó tạo điều kiện đạt được những giá trị tinh thần và vật chất cao hơn. Qua sự vận động đó, nó cũng đã thúc đẩy tinh thần cầu tiến, phấn đấu phát triển sản xuất, thay đổi dần ý thức, tác phong lao động của người dân nông thôn.
Ông Trương Trung Cường ở ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh: Mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng từ chương trình nông thôn mới Với đặc thù xã Tân Nhựt mùa mưa thì phèn, mùa nắng thì nước xâm nhập mặn không thể phát triển kinh tế, tuy nhiên sau khi xã được chọn thí điểm xây dựng mô hình NTM, xã đã có nhiều biện pháp giúp người dân nâng cao thu nhập. Cụ thể, xã hướng dẫn cách chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho người dân và tôi đã chọn con cá cảnh để phát triển kinh tế. Sau một thời gian dài đầu tư phát triển, đến nay với 3 ha ao nuôi, mỗi ngày tôi xuất ra thị trường khoảng 3.000 con cá cảnh, doanh thu hàng năm đạt khoảng 700 - 800 triệu đồng. Từ hiệu quả đó, tôi đã vận động một số hộ dân ở xã cùng chuyển đổi cây trồng vật nuôi và hướng dẫn họ kỹ thuật, cũng như bao tiêu đầu ra cho họ, chính vì thế, nhiều người dân cũng đã có đời sống kinh tế vươn lên như tôi. |
H. Tuyết - Đ. Phương