‘Nóng’ ngày 4/9: Khai giảng năm học mới theo hướng gọn nhẹ; ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu vụ Nhật Cường

Trong ngày 4/9, dư luận quan tâm đến thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tổ chức khai giảng năm học mới an toàn, gọn nhẹ. Dư luận cũng quan tâm đến trả lời của đại diện Bộ Công an về vụ ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu vụ Nhật Cường và việc khẩn trương xây dựng quy trình cách ly thu phí người nhập cảnh.

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021

Ngày 4/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi tới ngành Giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước, nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, cùng các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh lời thăm hỏi chân tình, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm học 2019 - 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến các hoạt động của ngành Giáo dục, nhưng với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học", ngành Giáo dục đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện thành công vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học.

Đây cũng là năm học cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của ngành Giáo dục, được ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 bảo đảm an toàn trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Năm học mới 2020 - 2021, đại dịch COVID-19 có thể còn có những diễn biến mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập cho học sinh, sinh viên; tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, rèn luyện kỹ năng và bản lĩnh cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn; nỗ lực phấn đấu tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của ngành Giáo dục và lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tổ chức khai giảng năm học mới an toàn

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu khai giảng năm học mới gọn nhẹ, an toàn, làm sao động viên thầy cô và học sinh trong năm học này.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Kết luận phần thảo luận kinh tế - xã hội tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra ngày 4/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các địa phương tiếp tục đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, những chủ trương, biện pháp, những nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ cần được đẩy mạnh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.

Thủ tướng nhấn mạnh đến một số rủi ro, thách thức đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những tháng cuối năm 2020. Đặc biệt là dịch COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, tiêu dùng còn chưa phục hồi. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ số PMI trong tháng 8 giảm. Thu hút vốn FDI có tiến bộ, đạt được gần 20 tỷ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ. Hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 có tăng lên so với tháng trước nhưng lũy kế 8 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ. Số việc làm tạo mới giảm 16,5%. Điều đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 8 tháng tăng 27,9%.

Thủ tướng yêu cầu cần chủ động, linh hoạt hơn nữa trong quản lý điều hành; tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dụng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, phải tăng cường áp dụng kinh tế số, chiến lược số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất; chú ý sâu hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước; chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân.

Nhấn mạnh quyết tâm "tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất”, Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.

Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.

Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các bộ có liên quan, đặc biệt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp, cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, thu lại những khu công nghiệp không thể làm được, công bố khu công nghiệp sẵn sàng về quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng.

Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, Thủ tướng nêu rõ, phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện Đề án, Nghị định về quy định fintech, cho vay ngân hàng, xác thực điện tử. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm trình việc triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile money). Bộ Công an cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia.

Về tổ chức khai giảng năm học mới, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu gọn nhẹ, an toàn, làm sao động viên thầy cô và học sinh trong năm học này.

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành Y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao.

Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội

Ngày 4/9, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong Đảng bộ Quân đội, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tới 45 điểm cầu.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng trong Đảng bộ Quân đội nhiệm kỳ qua; xác định phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định: Xác định công tác kiểm tra, giám sát và giữ gìn kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Quân đội đã quán triệt chấp hành nghiêm túc quy định, điều lệ Đảng, các nghị quyết, quyết định, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.

Quân ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn Đảng bộ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm toàn diện, nghiêm túc, chặt chẽ, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.

Theo Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng giữ vững nguyên tắc tổ chức Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm các tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội đủ năng lực, uy tín lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của công tác kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng.

Tuy nhiên, so với yêu cầu công tác xây dựng Đảng hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ còn có một số hạn chế, khuyết điểm cả về nhận thức, trách nhiệm, năng lực thực hiện nhiệm vụ. Ý thức của một số cán bộ, đảng viên trong chấp hành kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, vẫn còn để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.

Thông tin về tình hình công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng trong Đảng bộ Quân đội, Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương cho biết: Thời gian qua, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện công tác kiểm tra, giám sát trong toàn Đảng bộ, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ có nhiều đổi mới, hoàn thành khối lượng công việc lớn với chất lượng, hiệu quả ngày càng nâng lên. Hàng năm và trong nhiệm kỳ, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, giám sát, góp phần tăng cường nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Các quy định, quyết định, nghị quyết, kế hoạch về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được ban hành đồng bộ. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp và còn tồn đọng sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng chưa nghiêm. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm minh các sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến cán bộ đương chức, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ công tác trong Quân đội đều được xem xét chặt chẽ, khách quan, công tâm, có lý, có tình, kết luận rõ ràng và đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh, tạo sự đồng thuận, kỷ cương, đoàn kết thống nhất cao, tăng cường củng cố lòng tin, uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp.

Việc xem xét giải quyết đơn, thư tố cáo, khiếu nại đối với tổ chức đảng, đảng viên được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, có tác dụng giáo dục, răn đe, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, của Quân đội, qua đó giữ vững nguyên tắc tổ chức của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày 4/9, Việt Nam thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh

Ngày 4/9, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay.

Chú thích ảnh
Người dân Đà Nẵng sử dụng máy xịt nước sát khuẩn “không chạm” để khử trùng tay. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Ngày 1/9/2020, cả 3 bệnh nhân từ Ukraina về sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN28, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 3/9/2020 được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 4/9/2020 của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là 3 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện cả 3 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 4/9, Việt Nam có tổng cộng 1.049 ca mắc COVID-19; trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 61.968 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 998 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.619 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 45.351 người.

Trong ngày 4/9 có 19 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là: BN852, BN446, BN552, BN855, BN876 và 7 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam là: BN460, BN671, BN722, BN776, BN672, BN591, BN882; 6 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam là: BN548, BN932, BN858, BN721, BN999, BN991; và BN620 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam.

Khẩn trương xây dựng quy trình cách ly thu phí người nhập cảnh

Chiều 4/9, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội đã giao ban trực tuyến với các quận, huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ngô Văn Quý đã giao Sở Y tế xây dựng quy trình với người Việt Nam nhập cảnh có nhu cầu cách ly thu phí. Cụ thể, khi nhập cảnh, các trường hợp này sẽ được đưa về cách ly tập trung xét nghiệm ngay, nếu dương tính thì chuyển cơ sở điều trị. Sau đó, tùy theo nguyện vọng, họ sẽ đăng ký và TP Hà Nội sẽ giải quyết.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh dưới 14 ngày, TP Hà Nội sẽ lựa chọn các khách sạn đảm bảo phòng chống dịch; có nơi gặp gỡ, ký kết hợp đồng, nhưng đảm bảo đúng quy định phòng dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Sở Y tế đón 810 người làm việc sinh sống ở Đà Nẵng có nguyện vọng về Hà Nội theo tinh thần: Trường hợp nào xét nghiệm âm tính đã qua 14 ngày thì khuyến cáo tiếp tục cách ly tại nhà. Với người chưa xét nghiệm thì cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi trong 14 ngày. Tất cả các trường hợp đều phải khai báo y tế.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, TP Hà Nội giao Sở Văn hoá Thể thao cùng Sở Y tế nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử, nếp sống văn hóa trong bối cảnh dịch bệnh… xác định tinh thần phải sống chung với dịch COVID-19.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 ở các cơ sở y tế, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có 78/81 bệnh viện đạt mức an toàn (đạt 96%). Chỉ còn 1 bệnh viện an toàn ở mức thấp là Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2. Sở Y tế đã yêu cầu bệnh viện này phải khắc phục trong 1 tuần. Còn 2 cơ sở y tế không đảm bảo an toàn vẫn phải dừng hoạt động là Bệnh viện mắt Hightech và Bệnh viện Mắt Sài Gòn.

Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu vụ Nhật Cường

Cung cấp thông tin với báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết trong số các tài liệu mật bị ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chiếm đoạt có tài liệu liên quan vụ Nhật Cường.

Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, ngày 28/8 ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch đương nhiệm UBND TP Hà Nội đã bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Trước đó, Bộ Công an cũng thông tin ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến 3 vụ án. Về vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật, cơ quan điều tra đã chứng minh ông Nguyễn Đức Chung có hành vi chiếm đoạt, trong đó có chiếm đoạt tài liệu bí mật vụ Nhật Cường.

Cũng theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, liên quan đến vụ án Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can với 4 tội danh. Trong đó, Bùi Quang Huy bị khởi tố về cả 4 tội danh nhưng đối tượng Huy đã bỏ trốn, hiện Bộ Công an đang truy bắt.

Đối tượng Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để buôn lậu thiết bị điện thoại, lập sổ sách kế toán che giấu hành vi phạm tội nhằm trốn thuế. Qua điều tra, cơ quan điều tra làm rõ hành vi đấu thầu số hóa thiết bị của Công ty Nhật Cường làm thiệt hại hàng tỷ đồng, vụ việc này có trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Về vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Hà Nội.... UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với phía Đức sản xuất chế phẩm Redoxy-3C riêng cho thành phố, sau khi nghiên cứu cụ thể đặc điểm sông, hồ. Nếu ký trực tiếp với công ty của Đức là bình thường. Nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký thông qua một doanh nghiệp, đại lý khác, do đó đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 41 tỷ đồng" - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết.

Tuyên án tử hình nguyên Giám đốc Oceanbank - Chi nhánh Hải Phòng

Sau 9 ngày xét xử và nghị án, ngày 4/9, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên án vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đại Dương (Ngân hàng OceanBank) - Chi nhánh Hải Phòng.

Theo đó, Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình đối với bị báo Trần Thị Kim Chi, nguyên Giám đốc Ngân hàng Oceanbank - Chi nhánh Hải Phòng; các bị cáo Lê Vương Hoàng (nguyên kiểm soát viên), Nguyễn Thị Minh Huệ (nguyên Trưởng Phòng Kế toán kho quỹ) lĩnh án tù chung thân, bị cáo Chu Văn Nha (nguyên thủ quỹ) nhận mức án 20 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản”.

Hội đồng xét xử buộc Ngân hàng OceanBank - Chi nhánh Hải Phòng bồi thường toàn bộ số tiền cho 27 khách hàng cùng số tiền lãi phát sinh. Ngoài ra, bị cáo Trần Thị Kim Chi phải bồi thường 353,3 tỷ đồng và 2,7 triệu USD cùng số tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank - Chi nhánh Hải Phòng. Các bị cáo còn lại bồi thường tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank - Chi nhánh Hải Phòng.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến tháng 8/2017, dưới sự chỉ đạo của Trần Thị Kim Chi (Giám đốc Ngân hàng Oceanbank - Chi nhánh Hải Phòng), Lê Vương Hoàng (kiểm soát viên), Nguyễn Thị Minh Huệ (kế toán) và Chu Văn Nha (thủ quỹ) đã sử dụng thông tin cá nhân của người thân, nhân viên chi nhánh, khách hàng vãng lai... lập 109 thẻ tiết kiệm (tổng cộng hơn 2,5 tỷ đồng) để lấy phôi thẻ “trắng” (chưa in thông tin nội dung giao dịch của khách hàng).

Sau đó, các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối, nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nhưng không hạch toán vào hệ thống quản lý của Ngân hàng và cung cấp thẻ tiết kiệm “giả” (không do Ngân hàng Ocean Bank - Chi nhánh Hải Phòng phát hành) giao cho khách hàng. Các bị cáo tất toán khống, lập khống hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm của khách hàng, phát hành 109 thẻ tiết kiệm ngoài hệ thống cho 27 khách hàng, chiếm đoạt của Ngân hàng Oceanbank - Chi nhánh Hải Phòng số tiền gần 414 tỷ đồng.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo tạo dư luận xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của khách hàng, các bị cáo chưa có khoản tiền nào khắc phục hậu quả nên phải có hình phạt nghiêm khắc.

XC/Báo Tin tức
Dữ liệu cá nhân từ Bluezone được bảo mật bởi cơ quan nào?
Dữ liệu cá nhân từ Bluezone được bảo mật bởi cơ quan nào?

Bạn đọc hỏi: Có trường hợp nào dữ liệu từ Bluezone bị hack và biến người dùng thành F0, người thân thành F1 không? Nếu có thì ai chịu trách nhiệm? Dữ liệu về tiếp xúc của tôi có bao gồm dữ liệu về vị trí và lưu ở đâu?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN